Công trình
Công trình cấp nước sinh hoạt Đak La, huyện Đak Hà

 (kontumtv.vn) – Từ Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường cũng như các chương trình, dự án khác, nhiều công trình nước sạch ở nông thôn trên địa bàn tỉnh đã được đầu tư xây dựng. Tuy nhiên, hiện nay công tác quản lý, khai thác, sử dụng các công trình còn nhiều hạn chế, bất cập dẫn đến hiệu quả mang lại chưa cao. Việc tăng cường công tác quản lý, hiện đại hóa, xã hội hóa để nâng cao chất lượng, hiệu quả sử dụng các công trình nước là việc làm cần thiết hiện nay.

Theo đánh giá của Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, tính đến cuối năm 2013, toàn tỉnh có trên 350 công trình cấp nước tập trung được đầu tư ở khu vực nông thôn. Tỷ lệ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 78%, tăng gần 8% so với năm 2010. Tỷ lệ trường học có công trình cấp nước đạt trên 97% và tỷ lệ trạm y tế xã có công trình cấp nước đạt 100%. Trong những năm gần đây, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn, hàng năm tỉnh được đầu tư trên 15 tỷ đồng cho các dự án cấp nước sinh hoạt, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu sử dụng nước của nhân dân, góp phần quan trọng trong việc cải thiện đời sống, nâng cao sức khỏe của nhân dân và xây dựng nông thôn mới ở địa phương.   Ông A Phao (thôn Kon Rôn, xã Ngọc Réo, huyện Đăk Hà) phấn khởi: Trước đây đồng bào chỉ dùng nước giọt, chỉ ít hộ có giếng. Bà con lấy nước phải đi xa, có người phải đi hàng hai, ba trăm mét, vất vả, khó khăn lắm. Từ khi làm nước sạch nông thôn tới giờ đồng bào sướng quá rồi, nước đến từng nhà rồi mà, không phải đi  xa nữa.

Tuy nhiên, điều đáng nói là trong số các công trình cấp nước tập trung hiện nay, chỉ có 66 công trình hoạt động có hiệu quả, chiếm tỷ lệ gần 19% và có đến 138 công trình hoạt động kém hiệu quả hoặc không hoạt động do hư hỏng, xuống cấp, chiếm tỷ lệ trên 39%; số còn lại khoảng 150 công trình là hoạt động bình thường. Một trong những nguyên nhân dẫn đến các công trình hoạt động kém hiệu quả là do công tác bảo dưỡng, vận hành công trình sau đầu tư chưa được quan tâm đúng mức và còn nhiều hạn chế. Ông Trần Văn Huân, Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh lý giải: Vì các công trình cấp nước sinh hoạt tập trung này, chủ yếu là tại các địa phương và bàn giao về cho UBND xã quản lý. Năng lực quản lý, vận hành của xã, trực tiếp là các tổ quản lý cộng đồng còn rất hạn chế. Việc thực hiện theo quy định của Thông tư 54 năm 2013 của Bộ Tài chính về quản lý, sử dụng và khai thác công trình cấp nước tập trung nông thôn chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn. Khảo sát thực tế cho thấy hầu hết các xã chưa thành lập được các tổ đội quản lý. Bên cạnh đó nguồn kinh phí sửa chữa thường xuyên không đảm bảo, trong khi thu tiền sử dụng nước ở các vùng sâu, vùng xa còn gặp nhiều khó khăn.

Ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân và vận động thành lập các tổ, đội quản lý trong cộng đồng, trong thời gian gần đây, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn đã hướng các nguồn lực đầu tư vào các công trình cấp nước sinh hoạt với công nghệ hiện đại, nhằm nâng cao chất lượng, hiệu quả các công trình nước sinh hoạt nông thôn. Sau khi hoàn thành Công trình cấp nước hiện đại tại xã Đăk La, huyện Đăk Hà, Trung tâm đang tiếp tục đầu tư Công trình cấp nước sinh hoạt tại cụm xã Diên Bình – huyện Đăk Tô và xã Đăk Hring – huyện Đăk Hà, với tổng mức đầu tư gần 47 tỷ đồng, để phục vụ cho nhân dân 2 xã.

Để khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình nước sinh hoạt nông thôn, ông Trần Văn Huân đề nghị: Thứ nhất là tăng cường hoạt động về thông tin, giáo dục truyền thông bằng nhiều hình thức nhằm nâng cao nhận thức của người dân về vấn đề sử dụng nước hợp vệ sinh. Tiếp theo là cần tập trung thực hiện quản lý chất lượng xây dựng, kiểm soát chất lượng nước. Các công trình sau khi hoàn thành phải xây dựng quy trình quản lý vận hành và trong đó cần quy định rõ thời gian về trình tự các nội dung bảo dưỡng, sửa chữa và thay thế các trang thiết bị và đặc biệt là đội ngũ quản lý vận hành thì cần phải được đào tạo và có chuyên môn nghiệp vụ, đủ năng lực quản lý vận hành theo quy định.

Trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và nhiều nguyên nhân khác, hiện nay, nguồn nước trong thiên nhiên đang dần bị cạn kiệt và ô nhiễm. Việc tăng cường công tác quản lý, khai thác, sử dụng có hiệu quả các công trình nước sinh hoạt đã đầu tư là việc làm quan trọng để góp phần bảo vệ nguồn tài nguyên nước, một thành phần thiết yếu của sự sống và môi trường.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *