(kontumtv.vn) – Thực hiện Luật Khoáng sản năm 2010 và Chỉ thị 02 năm 2012 của Thủ tướng Chính phủ Về tăng cường công tác quản lý Nhà nước đối với các hoạt động thăm dò, khai thác, chế biến, sử dụng và xuất khẩu khoáng sản, trong thời gian qua UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, các địa phương trong tỉnh tăng cường các biện pháp quản lý Nhà nước trong công tác quy hoạch, khai thác khoáng sản trên địa bàn, tạo bước chuyển biến đáng kể trong công tác quản lý, bảo vệ tài nguyên, khoáng sản của tỉnh.

khoang san

Từng là điểm nóng trong khai thác vàng sa khoáng trái phép của tỉnh, trong một thời gian dài từ 2009, đoạn sông chưa đầy 2km chảy qua hai thôn Đăk Đoát và Peeng Sal Pêng của xã Đăk Pét, Huyện Đăk Glei đã bị xáo trộn bởi nạn khai thác vàng trái phép. Tuy chính quyền địa phương huyện, xã đã nhiều lần truy quét, xử lý nhưng cũng được một thời gian, khi hết đợt truy quét thì lại đâu vào đấy. Mãi đến năm 2013, khi có sự tập trung chỉ đạo của tỉnh, của huyện, vấn đề này mới được Đảng ủy xã, chính quyền địa phương vào cuộc một cách quyết liệt và có hiệu quả. Anh A Hùng, Trưởng thôn Đăk Đoát, xã Đăk Pét nói: “ UBND xã đã cử các đồng chí dân quân, công an, xã đội lên đây tuyên truyền vận động. Qua đó tình hình khai thác vàng sa khoáng tại địa bàn đến nay đã giảm hẳn rồi, không còn máy nào hoạt động khai thác nữa”.

Bên cạnh việc tăng cường các lực lượng, Ban Thường vụ Đảng ủy xã đã chỉ đạo cho Đảng ủy, chính quyền xã tiến hành ký kết trách nhiệm với các chi bộ, thôn trưởng trong việc triển khai thực hiện. Nếu chi bộ nào, thôn nào để xảy ra tình trạng khai thác vàng sa khoáng trái phép trên địa bàn thì bí thư chi bộ, chi ủy chi bộ và trưởng thôn đó phải chịu trách nhiệm trước Ban Thường vụ Đảng ủy xã. Và việc làm này đã phát huy tác dụng. Ông Đỗ Sum, Bí thư, Chủ tịch UBND Xã Đăk Pét cho biết: “Vấn đề khai thác vàng sa khoáng trái phép trên địa bàn xã Đăk Pét năm 2012- 2013 rất phức tạp. Sau khi thực hiện Chỉ thị 01 của Ban Thường vụ Huyện ủy thì Đảng ủy xã đã tập trung chỉ đạo, thực hiện nghiêm túc, cấm việc khai thác vàng sa khoáng trái phép, cho đến nay thì tình hình khai thác vàng trên địa bàn xã Đăk Pét đã chấm dứt”.

Cùng với nạn khai thác vàng sa khoáng ở Đăk Glei, tình trạng khai thác cát sỏi trái phép trên sông Đăk Bla đã diễn ra trong một thời gian dài tại thành phố Kon Tum. Do Luật Khoáng sản 2010 có hiệu lực từ ngày 01/7/2011, nhưng các văn bản hướng dẫn chậm triển khai, gây khó khăn trong việc cấp giấy phép khai thác, trong khi đó nhu cầu về cát xây dựng trong thực tế rất lớn. Mãi đến giữa năm 2014, khi triển khai chủ trương đấu giá quyền khai thác cát sỏi tại các điểm theo quy hoạch trên sông Đăk Bla thì tình trạng này mới tạm lắng. Đến nay đã có 9 điểm mỏ khai thác cát trên sông Đăk Bla tại địa bàn thành phố Kon Tum và huyện Sa Thầy đã được đấu thầu.

Bên cạnh đó, công tác quy hoạch và quản lý quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đã được các ngành chức năng và các địa phương quan tâm. Từ năm 2008, UBND tỉnh đã có quyết định phê duyệt quy hoạch thăm dò, khai thác, chế biến khoáng sản đến năm 2015 và hiện đang hoàn thành quy hoạch đến năm 2020 và tầm nhìn 2030. Ông Võ Xuân Sơn, Phó giám đốc Sở Công Thương tỉnh Kon Tum cho biết: “Về quy hoạch khoáng sản, thứ nhất là đã hệ thông hóa và xác định được vùng có mỏ và địa điểm có mỏ để làm cơ sở cho việc xúc tiến và kêu gọi đầu tư thu hút vào địa bàn. Thứ hai là chúng tôi, sau khi có quy hoạch đã đăng trên Cổng thông tin điện tử của Sở, của ngành và của địa phương để các nhà đầu tư vào đầu tư. Thứ ba là tăng cường phối hợp kiểm tra, quản lý đối với các hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn và kịp thời chấn chỉnh đối với các hành vi khai thác trái pháp luật”.

Cùng với việc triển khai Luật Khoáng sản 2010, trong thời gian qua, nhằm nâng cao hiệu quả và khắc phục những tồn tại trong công tác quản lý tài nguyên khoáng sản trên địa bàn tỉnh theo tinh thần Chỉ thị số 02 ngày 09/01/2012 của Thủ tướng chính phủ, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật như Quy chế phối hợp giữa các cơ quan quản lý Nhà nước trong hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh; Phương án bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh Kon Tum; Quy định về trình tự, thủ tục cấp giấy phép hoạt động khoáng sản thuộc thẩm quyền của UBND tỉnh Kon Tum và nhiều văn bản chỉ đạo khác. Đây là cơ sở để tiếp tục tăng cường hiệu quả công tác quản lý Nhà nước trong công tác quy hoạch, khai thác khoảng sản trên địa bàn trong thời gian tới.

                   Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *