(kontumtv.vn) – Thực hiện Luật Khoáng sản và các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, trong thời gian qua UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các ngành, địa phương trong tỉnh tăng cường các biện pháp quản lý nhà nước trong công tác quy hoạch, thăm dò, khai thác khoáng sản trên địa bàn. Tuy bước đầu đã có nhiều chuyển biến đáng kể nhưng vẫn còn những bất cấp, hạn chế cần được tiếp tục tăng cường hơn.

Sau khi trúng thầu và được cấp phép khai thác cát ổn định trong 6 năm, từ đầu năm 2015, Công ty TNHH MTV Xuân Tài đã mạnh dạn đầu tư máy móc, cải tạo bến bãi, mở rộng qui mô khai thác cát, sỏi, vừa đáp ứng tốt nhu cầu cát sỏi xây dựng trên địa bàn, vừa tạo việc làm, tăng thu nhập cho Công ty. Ông Đỗ Xuân Tài, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xuân Tài nói: “Công ty hoan nghênh Nhà nước đã cấp phép lâu dài để cho Công ty ổn định công ăn việc làm, khỏi lo lắng. Trước kia cấp 6 tháng thì Công ty không dám mạnh dạn đầu tư”.

Thực hiện Luật Khoáng sản, năm 2014, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum đã tham mưu cho UBND tỉnh tổ chức đấu giá quyền khai thác khoáng sản và đến nay đã tiến hành cấp phép được 8 điểm khai thác cát lòng sông Đăk Bla, khu vực thành phố Kon Tum. Theo kế hoạch, trong năm 2015, Sở sẽ tiếp tục tham mưu tổ chức đấu giá, làm thủ tục thăm dò để cấp phép khai thác cho 20 điểm mỏ còn lại trên địa bàn, đưa công tác khai thác cát, sỏi lòng sông Đăk Bla đi vào hoạt động ổn định, đúng qui hoạch và quy trình kỹ thuật, hạn chế tác động đến môi trường. Ông Nguyễn Khắc Thời, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk Blà, thành phố Kon Tum cho biết: “Thời điểm chưa được cấp phép thì vẫn còn vài bãi khai thác lậu, chủ yếu là sáng sớm và ban đêm, ảnh hưởng đến an ninh, trật tự của địa phương và cũng vất vả trong công tác quản lý, khai thác cát, khoáng sản trên địa bàn. Còn hiện nay, các bãi đã có cấp phép rồi, doanh nghiệp phấn khởi và địa phương cũng có phần ổn định hơn trước”.

Khai thác cát trên sông Đăk Bla
Khai thác cát trên sông Đăk Bla

 Tăng cường công tác quản lý, đưa hoạt động khai thác, sử dụng khoáng sản trên địa bàn bảo đảm hợp lý, hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội và bảo vệ môi trường, ngoài việc phê duyệt “Quy hoạch thăm dò, khai thác, sử dụng khoáng sản tỉnh Kon Tum đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030”, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo các sở, ngành, địa phương, đơn vị đẩy mạnh công tác kiểm tra, quản lý, bảo vệ khoáng sản trên địa bàn; kịp thời chỉ đạo xử lý các điểm nóng về khai thác khoáng sản trái phép, cũng như kịp thời đình chỉ các đơn vị thực hiện thăm dò, khai thác khoáng sản không đúng quy định trong giấy phép. Tuy nhiên, hoạt động khai thác khoáng sản trên địa bàn thời gian qua vẫn còn những bất cập, hạn chế. Tình trạng khai thác khoáng sản trái phép, nhất là vàng sa khoáng thỉnh thoảng vẫn diễn ra; công tác hoàn thổ, cải tạo môi trường sau khai thác thực hiện còn chưa đúng theo cam kết, ảnh hưởng đến sản xuất, đời sống và môi trường, gây bất bình trong nhân dân. Để tăng cường hiệu lực thực thi các chính sách, pháp luật về khoáng sản theo chỉ đạo mới đây của Thủ tướng Chính phủ tại Chỉ thị 03, ngày 30/3/2015, vừa qua, UBND tỉnh Kon Tum đã ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ban, ngành, các địa phương triển khai thực hiện nghiêm các nội dung Chỉ thị của Thủ tướng, đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về khoáng sản để nâng cao nhận thức trong nhân dân. Ông Lê Văn Tấn, Trưởng Phòng Tài nguyên – Khoáng sản, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Kon Tum nói: “Trên cơ sở Chỉ thị 03, Sở tham mưu cho UBND tỉnh rà soát lại phương án bảo vệ, quản lý tài nguyên khoáng sản. Việc tham mưu phương án quản lý tài nguyên khoáng sản chưa khai thác thì Sở đã tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định 534 để thay thế cho Quyết định 873 là phương án năm 2012, trong đó phương án đặc biệt có nêu trách nhiệm đối với chính quyền cấp xã trong công tác quản lý nhà nước. Nếu địa phương nào để khai thác khoáng sản trái phép thì phải chịu trách nhiệm trước UBND huyện và UBND tỉnh”.

Khoáng sản là nguồn tài nguyên quí giá của quốc gia, là nguồn lực góp phần phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh. Tuy nhiên nó không phải là nguồn vô tận và hậu quả của việc khai thác khoáng sản thường có tác động rất lớn đến môi trường và đời sống con người về lâu dài. Việc tăng cường công tác quản lý, từ quy hoạch đến khai thác, bảo vệ nguồn tài nguyên khoáng sản là việc làm cần thiết, cần quan tâm của các cấp, ngành, nhằm đảm bảo nguồn tài nguyên khoáng sản được khai thác, sử dụng hợp lý, mang lại hiệu quả.

  Quang Mẫn – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *