(kontumtv.vn) – Với mục đích đẩy mạnh công tác ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KHCN vào sản xuất và đời sống của nhân dân trên địa bàn, trong năm 2014, Trung tâm Ứng dụng khoa học và Chuyển giao công nghệ tỉnh đã triển khai nhiều mô hình và đề tài có hiệu quả, trong số đó có mô hình sản xuất Cà chua sạch theo công nghệ thủy canh tưới nhỏ giọt tự động và đề tài nghiên cứu nhân giống, trồng và chăm sóc cây lan kim tuyến.

Nhằm đẩy mạnh tiến bộ khoa học kỹ thuật trồng cà chua bằng phương pháp thủy canh, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, mô hình sản xuất cà chua sạch theo công nghệ thủy canh tưới nhỏ giọt tự động sau 6 tháng triển khai đã mang lại kết quả ngoài mong đợi. Năng suất và chất lượng cà chua đều cao hơn hẳn so với các phương pháp trồng tự nhiên. Đáng chú ý, mô hình này không dùng các hóa chất, thuốc bảo vệ thực vật nên sản phẩm cà chua rất an toàn với người sử dụng. Ông Phạm Thanh, Phó Giám đốc Trung tâm Ứng dụng khoa học và Chuyển giao công nghệ tỉnh cho biết: “Mô hình cà chua tưới nhỏ giọt hệ thống tưới tự động này có tính ưu việt thứ nhất là có năng suất cực cao, gấp 3 – 4 lần so với trồng cà chua thông thường, thứ hai là thời gian trồng 1 lần thu hoạch đến 6 tháng, thứ ba là cà chua sạch, 100% đúng nghĩa sạch, không  phun thuốc, hóa chất”.

Mô hình cà chua
Mô hình cà chua sạch theo công nghệ thủy canh

Cây giống cà chua sử dụng cho mô hình này là giống Lahay 344, có xuất xứ từ Úc, cây ghép cao từ 15cm – 18 cm, đường kính gốc từ 0,2cm – 0,3cm.

Công nghệ trồng cà chua này đòi hỏi phải được thực hiện trong nhà màng để hạn chế sự phá hoại của côn trùng và sâu bệnh hại, hệ thống nước tưới nhỏ giọt được lắp đặt tự động hóa dọc theo các luống cây nên không tốn công chăm sóc hằng ngày, giảm chi phí nước tưới và các loại thuốc bảo vệ thực vật. Ông Phạm Thanh cho biết thêm: “ Chất lượng quả cây cà chua này nó có những ưu việt, thứ nhất là sạch, không bị ảnh hưởng bởi phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, thứ hai là chất lượng, trọng lượng quả cao, ngon, vỏ dày, khi vận chuyển không bị dập”.

Thành công mô hình này đã mở ra hướng đi mới về công nghệ sản xuất cà chua sạch trên địa bàn, tạo tiền đề để các doanh nghiệp nhân rộng sản xuất và xuất khẩu các cây rau quả có giá trị cao.

Đến nay, Trung tâm Ứng dụng khoa học và Chuyển giao công nghệ tỉnh đã thành công trong việc nhân giống, trồng và chăm sóc cây lan kim tuyến. Theo các đề tài nghiên cứu khoa học, lan kim tuyến là cây dược liệu được các nhà thuốc của Trung Quốc, Đài Loan thường xuyên sử dụng, các dược chất trong lan kim tuyến có chức năng bồi bổ sức khỏe, chữa các bệnh về gan, đường huyết, đau bụng, đặc biệt là có khả năng kiềm chế bệnh ung thư viêm kết màng ruột.

Tại tỉnh Kon Tum, lan Kim tuyến được phân ra làm 3 loài, thường mọc ở dưới tán rừng, nơi có độ ẩm cao và cường độ ánh sáng thấp. Hàng chục năm nay, lan kim tuyến được người dân trên địa bàn tỉnh thu hái trong rừng với giá trị thương phẩm rất cao, giao động từ 1,2 – 1,5 triệu đồng/ 1kg tươi. Anh Chu Đình Liệu, cán bộ Trung tâm Ứng dụng khoa học và Chuyển giao công nghệ tỉnh nói: “Chúng tôi bắt đầu trồng từ tháng 5/2014, đến thời điểm này Trung tâm đã nhân giống thành công và đưa ra vườn ươm được 2.000 cây lan kim tuyến cấy mô và 300 bình chồi, bước đầu chúng tôi đã khảo sát, trồng cây lan kim tuyến trên các loại giá thể khác nhau. Qua đánh giá sơ bộ, chúng tôi thấy cây lan kim tuyến rất dễ thích nghi trên giá thể sơ dừa ủ hoai mục, thứ 2 là sự phối hợp giữa 1/3 sơ dừa, 1/3 đất mùn và 1/3 phân chuồng, sự sinh trưởng và phát triển của cây rất tốt trong cường độ độ ẩm cao và cường độ ánh sáng yếu”.

Sau 1 tháng đưa cây lan kim tuyến nuôi cấy mô ra trồng và chăm sóc ngoài vườn ươm, cây đã phát triển mạnh về sinh khối và chiều cao, tỉ lệ cây sống đạt trên 90%. Đề tài này được nghiên cứu trong vòng 3 năm, từ năm 2014 – 2017. Thành công bước đầu của việc nhân giống, trồng và chăm sóc lan kim tuyến sẽ mở ra triển vọng để Trung tâm chuyển giao và hướng dẫn người dân ở ven rừng trồng loại cây này với quy mô lớn, mở ra hướng đi phát triển kinh tế hiệu quả cho bà con ở vùng sâu, vùng xa. Anh Chu Đình Liệu cho biết: “Cây lan kim tuyến là cây rất dễ trồng, điều kiện dinh dưỡng cũng không khắc khe so với các loại cây trồng khác, nó chỉ cần điều kiện độ ẩm cao, cường độ ánh sáng yếu thì có thể trồng. Ở những nơi ẩm ướt, độ mùn cao thì cây phát triển tốt, do đó cây này khi trồng ở những nơi vùng đồng bào dân tộc thiểu số, trồng xen kẽ trong tán rừng là rất khả thi”.

Ngoài các mô hình, đề tài đã được triển khai thành công, trong năm 2014 này, Trung tâm Ứng dụng khoa học và Chuyển giao công nghệ tỉnh Kon Tum sẽ tiếp tục chuyển giao nhân rộng mô hình sản xuất hoa đồng tiền và hoa cúc từ giống nuôi cấy mô cho người dân trồng hoa tại huyện Đăk Hà và thành phố Kon Tum, qua đó góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng và đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp trên địa bàn.

Tấn Thành

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *