(kontumtv.vn) – Trong những năm gần đây, do lợi ích kinh tế cao, nghề nuôi trồng thủy sản ở địa bàn tỉnh Kon Tum đã phát triển rất mạnh, đặc biệt là nghề nuôi cá nước ngọt ở các địa phương có lợi thế về lòng hồ thủy lợi, thủy điện.

Có kinh nghiệm nuôi cá gần 4 năm nay, bắt đầu từ một hồ với diện tích 1.000 m2, gia đình anh Đặng Văn Duẩn (thôn 3, xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà) đầu tư mở rộng thêm 6.000 m2 và nuôi các loại cá như rô phi, cá trắm và chép. Với diện tích đó, mỗi năm gia đình anh thu nhập hàng trăm triệu đồng. Anh Duẩn cho biết: “ 6 tháng một lần xuất, mỗi lần bình quân được 12 tấn, tổng cộng khoảng 24 tấn cá trên một năm. Trừ chi phí từ con giống đến cám bã, gia đình cũng thu nhập được 1 năm từ 200 – 300 triệu đồng”.

Đến nay, trên địa bàn xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà đã có 120 hộ nuôi cá với diện tích 21 ha ao, hồ. Nhờ có thế mạnh về nguồn nước, phong trào nuôi cá nước ngọt ở địa bàn xã phát triển rất mạnh mẽ. Hiện nay xã đã thành lập 2 tổ hợp tác chuyên nuôi trồng thủy sản và được bà con tích cực tham gia. Bên cạnh đó, tổ hợp tác đã được các doanh nghiệp đứng ra hỗ trợ con giống cũng như thức ăn để thu hút hộ nghèo tham gia. Qua đánh giá, những hộ tham gia nuôi trồng thủy sản của tổ hợp tác có thu nhập bình quân từ 4 – 4,5 triệu đồng một tháng. Anh Nguyễn Công Cương, Phó Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà nói: “Xã Đăk Ngọk với Đặc thù là đầu nguồn nước, phía trên có đập Mùa Xuân, rất thuận lợi cho việc nuôi cá. Đầu nguồn nước nên cũng ít mang mầm bệnh, thuận lợi cho bà con nuôi cá, ổn định cuộc sống”.

Nuôi cá nước ngọt ở xã Đak Ngok
Nuôi cá nước ngọt ở Đăk Ngọk, huyện Đăk Hà

Những hộ nuôi cá lâu năm có kinh nghiệm cho biết, nghề nuôi cá nước ngọt cho hiệu quả kinh tế rất cao so với trồng lúa. Anh Ngô Văn Năm (thôn 3, xã Đăk Ngọk) cho biết, với diện tích 2.000 m2 nuôi cá, sau khi trừ các chi phí sẽ cho thu nhập từ 50 – 60 triệu/1 năm, trong khi đó trồng lúa cho thu nhập chỉ 10 triệu đồng, chưa nói đến khi bị mất mùa.

Huyện Đăk Hà được điều kiện thuân lợi cho việc nuôi trồng thủy sản do có lòng hồ thủy lợi, thủy điện lớn, rất thuận lợi để phát triển nghề nuôi cá lồng, bè. Toàn huyện có tổng diện tích ao hồ nuôi 110 ha, sản lượng bình quân 535 tấn cá/ 1năm; diện tích lòng hồ 400 ha, sản lượng 200 tấn cá/ 1 năm). Ông Lê Thế Cương, Phó Phòng NN&PTNT huyện Đăk Hà cho biết: “Trong những năm qua, UBND huyện đã tạo điều kiện cho các đơn vị, cá nhân làm tốt công tác dịch vụ ban đầu đó là cung cấp các nguồn giống có chất lượng cao, thứ 2 là cung cấp các loại thức ăn được Nhà nước quy định với giá thành hợp lý để nhân dân phát triển ngành thủy sản. Đồng thời cũng tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh này trong việc bao tiêu sản phẩm cho bà con”.

Để phát triển nghề nuôi trồng thủy sản, trong những năm qua, chính quyền địa phương đã tập trung đầu tư hỗ trợ cho người dân, trong đó đã đưa nhiều mô hình trình diễn với các loại cá có chất lượng, tập huấn mô hình nuôi cá lồng, bè cho một số tổ hợp tác, nhóm hộ, tìm đầu ra cho sản phẩm.

                                                                             Duy Phong – Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *