(kontumtv.vn) – Thực hiện hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc xây dựng “Trường học thân thiện – Học sinh tích cực”, thời gian qua, hầu hết các trường tiểu học trên địa bàn tỉnh đã xây dựng mô hình “Thư viện xanh”. Mô hình này đã mang lại hiệu quả tích cực, tạo hứng thú đọc sách cho các em học sinh, đồng thời giúp các em nhận thức được việc bảo vệ môi trường xanh.

Nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho học sinh tiếp cận với sách báo, rèn luyện thói quen đọc sách để tiếp thu, trau dồi tri thức, song song với việc xây dựng thư viện truyền thống, từ đầu năm học 2011-2012, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Kon Tum đã chỉ đạo các trường tiểu học xây dựng mô hình “Thư viện xanh”. Đây là loại hình thư viện được xây dựng dưới các tán cây, hay những tủ sách được bố trí hợp lý, theo đúng tiêu chí “thân thiện, gần gũi với thiên nhiên” để giúp các em có tinh thần học tập thoải mái, dễ dàng trao đổi tri thức tiếp thu được với nhau. Sau 3 năm triển khai, hệ thống thư viện xanh tại các trường tiểu học đã giúp các em học sinh tiếp cận hiệu quả hơn với nguồn tài liệu trong nhà trường, nâng cao thành tích học tập. Bên cạnh đó, những “tủ sách mở” này còn góp phần xây dựng hình ảnh trường học thân thiện cho các trường tiểu học. Thầy giáo Hoàng Văn Khiêu, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú, thành phố Kon Tum phân tích:Sự khác biệt giữa mô hình thư viện cũ và thư viện xanh này ở chỗ thư viện cũ phải có người cai quản, các em không được tự nhiên, không thân thiện với môi trường, còn thư viện mở các em được đọc sách một cách tự nhiên, tự giác và các em được đọc sách bất cứ lúc nào và nó gần gũi, thân thiện với môi trường”.   

Trường Tiểu học Trần Phú là một trong những trường tiểu học đầu tiên trên địa bàn thành phố Kon Tum xây dựng mô hình “Thư viện xanh”. Trường không có cán bộ thư viện chuyên trách, hơn nữa, do điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, chưa thể xây dựng một thư viện với phòng đọc rộng rãi nên việc cung cấp tài liệu, sách tham khảo cho các em học sinh có nhu cầu tại trường khó khăn. Năm học 2011 – 2012, trường xây dựng mô hình thư viện xanh được bố trí ở hành lang và dưới góc cầu thang, phục vụ nhu cầu đọc của học sinh. Ngoài nguồn sách 8.000 cuốn từ thư viện, nhà trường còn vận động các em học sinh đóng góp thêm. Ngay từ những ngày đầu thành lập, thư viện đã thu hút được sự quan tâm của đông đảo học sinh. “Em thích đọc truyện ở Thư viện xanh hơn thư viện cũ vì khi đọc truyện ở đây nó rất sinh động. Thứ nhất em có thể vừa đọc truyện vừa chơi với các bạn. Thứ hai là em có thể ngồi dưới những tán cây xanh, trong lành mát mẻ. Còn ở thư viện cũ phải đọc trong sự im lặng”. Em Nguyễn Thu Thảo, học sinh lớp 5A, Trường tiểu học Trần Phú chia sẻ.

Tại Thư viện của Trường Tiểu học Ngô Quyền, dù được đánh giá là một trong những thư viện đạt chuẩn, thế nhưng để đáp ứng nhu cầu đọc của các em học sinh, nhà trường phải phân lịch đọc sách theo khối và theo buổi, vì căn phòng chỉ chứa được khoảng 40 học sinh. Thực hiện chủ trương của Bộ Giáo dục và Đào tạo, nhà trường xây dựng Thư viện xanh. Các điểm thư viện được bố trí dưới những gốc cây và được bảo quản trong những tủ sách. Các em đọc sách ngay ngoài sân trường, dưới bóng mát của những tán cây xanh. Ở đây, các em thực sự học mà chơi, chơi mà học.

Nhờ những buổi đọc sách gần gũi này mà tình bạn giữa các em ngày thêm khắn khít. Còn đối với các em học sinh lớp 1, lớp 2, lại có điều kiện luyện đọc ngoài giờ lên lớp. Ngoài cán bộ thư viện, để quản lý thư viện này còn có các cộng tác viên bảo vệ sách và hỗ trợ các bạn nhỏ lấy sách. Cô giáo Đào Thị Thu Hòa, cán bộ thư viện, trường Tiểu học Ngô Quyền cho biết: “ Hàng ngày, buổi sáng mình mang sách xuống, buổi chiều thu lại. Trong các giờ ra chơi thì có các em cộng tác viên khối  lớp 5 nhắc nhở các bạn giữ gìn sách rồi sắp xếp sách lại sau khi kết thúc giờ ra chơi. Giờ ra chơi các em ra đọc sách rất nhiều. Sách mình cũng thay đổi thường xuyên, phù hợp với nhiều môn học. Học sinh thích đọc sách ở Thư viện xanh là vì như vậy”.

Đối với Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, ngoài việc củng cố thư viện truyền thống, nhà trường xây dựng Thư viện xanh theo hình thức khá mới mẻ. Ngoài những hộp đựng sách, dưới mỗi tán cây trong sân trường đều là một thư viện nhỏ có thể treo từ 5 đến 10 ống sách. Các ống sách này là ống lồ ô hoặc ống nhựa  được bịt nắp để tránh sách bị ướt khi trời mưa và tránh rơi xuống đất. Để tăng tính thẩm mỹ và kích thích thị hiếu của các em, giáo viên trường còn bỏ công ra cắt dán hoa, lá với nhiều màu sắc đan xen nhau nhằm thu hút các em hơn. Các “cây thư viện” này đã khơi gợi sự hứng thú say mê của học sinh, giúp gần gũi thiên nhiên hơn. “ Em thích đọc truyện trong ống tre vì trong ống đó có rất nhiều truyện bổ ích. Với lại khi nhìn bề ngoài của nó, mấy cô trang trí rất đẹp. Ngoài những truyện tranh và báo trong ống tre, em thích có thêm truyện lịch sử về các anh hùng Việt Nam”. Em Lê Lưu An Nguyên, Lớp 5D, Trường Tiểu học Phan Đình Phùng nêu cảm nhận và đề nghị.

Những Thư viện xanh, thư viện thân thiện có lẽ là một khái niệm còn khá mới mẻ, và chưa nhiều trường tiểu học trên địa bàn quan tâm đến mô hình này. Tuy nhiên, với những cách làm và hiệu quả mang lại từ các trường tiểu học Trần Phú, Ngô Quyền và Phan Đình Phùng, đã góp phần xóa đi khái niệm thư viện trường – kho chứa sách. Với mô hình Thư viện xanh, thư viện giờ đây với các em gần gũi hơn, dễ sử dụng hơn và gắn với thiên nhiên hơn. Đây là một mô hình cần nhân rộng.

Linh Thủy – Khắc Phố

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *