(kontumtv.vn) – Trong đầu năm học mới 2014 – 2015 này, nhiều phụ huynh học sinh đã nêu ý kiến và không đồng tình vì quá nhiều khoản thu đầu năm của nhà trường.

Qua kiểm tra tại 3 trường là Tiểu học Trần Phú, Tiểu học Lê Hồng Phong và Tiểu học Phan Đình Phùng, UBND thành phố Kon Tum đã phát hiện một số sai phạm trong thu chi đầu năm và đã điều chỉnh kịp thời. Đáng chú ý, trong các văn bản chỉ đạo của Bộ Giáo dục và Đào tạo và UBND tỉnh Kon Tum: Đối với các khoản tiền không bắt buộc như tiền xã hội hóa giáo dục, kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, các trường không được tự ý quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho phụ huynh. Tuy nhiên, đầu mỗi năm học, hầu hết các trường đều đưa ra những khoản chi phục vụ cho công tác xã hội hóa giáo dục và khen thưởng cho học sinh các cấp với số tiền rất cụ thể, qua đó gián tiếp tạo sức ép về số tiền phụ huynh phải đóng trong năm học. Đơn cử như Trường Tiểu học Phan Đình Phùng, dự kiến xã hội hóa giáo dục là 240 triệu đồng, chi khen thưởng là 80 triệu đồng, Trường Tiểu học Lê Hồng Phong dự kiến xã hội hóa giáo dục là 256 triệu đồng, khen thưởng là 160 triệu đồng. Chính vì vậy, mỗi phụ huynh dù trên tinh thần tự nguyện, không bắt buộc nhưng vẫn phải đóng bình quân từ 300.000 đồng – 350.000 đồng cho 2 nguồn này, bất kể người khá giả hay khó khăn.

CHUA RO RANG

Trên thực tế, các trường tiểu học điểm trên địa bàn thành phố Kon Tum còn có mức đóng các khoản tiền không bắt buộc cao hơn, một số phụ huynh cũng bày tỏ bức xúc khi mỗi phụ huynh được huy động đóng góp với số tiền lên đến 700.000 đồng, trong đó tiền xã hội hóa giáo dục là 200.000 đồng, tiền hoạt động ban đại diện cha mẹ học sinh ở trường là 200.000 đồng và tiền hoạt động ban đại diện cha mẹ ở lớp là 300.000 đồng. Đồng thời, tiền ăn ở bán trú của học sinh rất cao với 16.000 đồng/ngày và 250.000 đồng tiền phục vụ/ tháng.  Vậy có hay không việc lạm thu ở các trường học trên địa bàn?

Ông Nguyễn Hóa, Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Kon Tum cho biết: “Sở GD&ĐT đã thành lập các đoàn để kiểm tra các đơn vị trực thuộc, nếu các đơn vị có sai phạm trong các khoản thu này thì trên cơ sở các văn bản pháp luật, Sở GD&ĐT sẽ xử lý một cách nghiêm minh và công khai, nhất là thủ trưởng các đơn vị ấy”.

Việc phụ huynh đóng kinh phí xã hội hóa giáo dục và kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh tuy vẫn trên tinh thần tự nguyện nhưng có một thực tế là: Phụ huynh không thể tự quản lý và tự chi tiêu các khoản tiền này. Đối với những phụ huynh có thu nhập thấp, khó khăn, liệu họ có đủ tự tin, mạnh dạn trình bày hoàn cảnh để đóng ít hoặc không đóng các khoản tiền này, trong khi con em họ đang được gửi gắm hoàn toàn vào các trường học.

Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *