(kontumtv.vn) – Dựa trên thế mạnh về thời tiết, thổ nhưỡng của địa phương, thời gian qua, tỉnh Kon Tum đã đẩy mạnh đầu tư phát triển cây dược liệu. Qua thực tế triển khai, cây dược liệu sinh trưởng, phát triển tốt và mang lại thu nhập ổn định cho người dân trên địa bàn.

Chuyển đổi 4 sào đất từ trồng mỳ sang trồng sâm dây vào năm 2016, bà Y Thoan (thôn Long Hy, xã Măng Ri, Thu Mơ Rông) phấn khởi cho biết, cây sâm dây có rất nhiều ưu điểm so với các cây trồng khác như chi phí đầu tư ban đầu không cao, dễ trồng, dễ chăm sóc, hầu như không bị bệnh và cho năng suất cao. Với giá bán củ tươi loại to khoảng 300.000đ/kg như hiện nay, đời sống của gia đình bà đã được nâng lên rõ rệt. Bà Y Thoan nói: “Sâm dây trồng dễ, không bón phân gì hết, chỉ thế trồng là được rồi, nó tự nhiên thôi. Sâm đào to to mình bán ra có giá hơn, cao hơn tất cả các loại cà phê, bời lời. Cái này làm nhanh nhất, dễ nhất”.

Ngoài các loại cây dược liệu như sâm dây, đương quy, sơn tra, ngũ vị tử, sa nhân tím đang được người dân nhân rộng diện tích, đến nay huyện Tu Mơ Rông đã phát triển được 240 ha cây sâm Ngọc Linh, trong đó diện tích do nhân dân trồng gần 14 ha. Ông Nguyễn Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Từ năm 2013, Công ty Cổ phần Sâm Ngọc Linh Kon Tum đã trồng và phát triển, bảo tồn cây sâm Ngọc Linh trên địa bàn xã. Đến nay, chúng tôi có 7 nhóm làm với công ty. Khoảng gần 300 công nhân là người lao động trên địa bàn xã làm cho công ty, một lao động một tháng được trả công từ 3 triệu đến 3,5 triệu; tổ trưởng từ 3,5 triệu đến 4 triệu. Ngoài ra thì công ty còn cấp cho gạo, mỗi lao động là 20 kg gạo, có cá khô, bột ngọt, mắm, muối, dầu ăn, có bảo hộ lao động và có bảo hiểm. Vừa qua thấy đời sống của bà con cũng nâng cao nhờ phát triển cây sâm Ngọc Linh. Bên cạnh đó, mỗi lao động một năm được công ty cấp cho 100 gốc sâm giống Ngọc Linh. Đến nay, ngoài diện tích của công ty ra thì diện tích và số cây trồng của số lao động này khoảng 100.000 gốc”.

Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng
Trồng sâm Ngọc Linh dưới tán rừng

 Tỉnh Kon Tum có hơn 2/3 diện tích tự nhiên là rừng và đất lâm nghiệp, đất đai và thời tiết phù hợp với nhiều loại cây trồng, trong đó có nhiều loài cây dược liệu. Trên địa bàn tỉnh có 853 loài cây thuốc và nấm làm thuốc. Trong đó 30 loài cây thuốc có nhu cầu lớn cho thị trường và 25 loài cây thuốc được trồng, sử dụng nhiều trong các cơ sở khám chữa bệnh, có giá trị kinh tế cao.

Từ những tiềm năng và lợi thế về phát triển dược liệu, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Kon Tum đã ban hành Nghị quyết số 08 ngày 02/3/2018 về đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Kon Tum phát triển vùng nuôi trồng dược liệu đạt 2.000 ha và đến năm 2030 đạt 25.000 ha.

Để cụ thể hóa và triển khai thực hiện Nghị quyết này, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh dự thảo Dề án đầu tư, phát triển và chế biến dược liệu trên địa bàn tỉnh Kon Tum đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Trong đó, ngành tập trung một số giải pháp để tăng diện tích cây dược liệu như quy hoạch phát triển từng loài dược liệu phù hợp với hiện trạng phân bố, điều kiện tự nhiên của từng tiểu vùng khí hậu của tỉnh, nhất là các huyện trọng điểm phát triển dược liệu như Tu Mơ Rông, Đăk Glei và Kon Plông; tập trung nguồn lực hỗ trợ đầu tư và thu hút các dự án đầu tư phát triển vùng trồng dược liệu tập trung đối với 10 loài dược liệu có thế mạnh phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng, sinh thái trên địa bàn tỉnh gồm sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy, ngũ vị tử, lan kim tuyến, nghệ vàng, đinh lăng, sa nhân tím, ý dĩ, nấm dược liệu và một số loài dược liệu giá trị kinh tế cao; có chính sách hỗ trợ giống cho tổ hợp tác, hợp tác xã, nhóm hộ để liên kết trồng, tiêu thụ dược liệu theo chuỗi giá trị đối với một số loài dược liệu đặc hữu có giá trị của tỉnh như sâm Ngọc Linh, sâm dây, đương quy. Ông Nguyễn Văn Lân, Bí thư Huyện ủy Kon Plông cho biết: “Triển khai Nghị quyết 08 của Tỉnh ủy về phát triển cây dược liệu thì hiện nay trên địa bàn huyện Kon Plông đã triển khai 2 năm, hiệu quả đem lại đã chứng minh được, nhân dân đang tích cực hưởng ứng, tiếp tục trồng những cây có giá trị kinh tế cao như cây sâm dây, đương quy, nghệ và một số loại cây khác. Hiện nay đang triển khai có hiệu quả trên địa bàn các xã”.

“Giải pháp trọng tâm của huyện về phát triển cây dược liệu giai đoạn 2018- 2020, sẽ tập trung huy động các nguồn lực, từ nguồn vốn đầu tư Nhà nước, huy động trong nhân dân cũng như là liên kết với doanh nghiệp sẽ phát triển 500 ha, 75 ha sâm dây, 50 ha đương quy và một số cây dược liệu khác. Về giải pháp trọng tâm sẽ tập trung vào 5 trọng tâm cơ bản, thứ nhất là nâng cao công tác tuyên truyền cho cán bộ, đảng viên, nhân dân về mục tiêu phát triển cây dược liệu trên địa bàn, thứ hai là nâng cao năng lực quản lý nhà nước về phát triển cây dược liệu, thứ ba là quy hoạch, đầu tư phát triển cây dược liệu trên địa bàn, thứ tư là liên kết với các doanh nghiệp đầu tư tạo ra sản phẩm và thứ năm là phát triển bền vững, lâu dài để cây dược liệu thành cây hàng hóa và có thế mạnh trên địa bàn huyện”. Ông Vương Văn Mười, Phó Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết.

Phấn đấu đến năm 2020, tỉnh Kon Tum sẽ đầu tư hoàn thiện hạ tầng để thu hút các dự án chế biến dược liệu với quy mô lớn, tập trung vào chế biến các sản phẩm từ sâm Ngọc Linh, đương quy, sâm dây, chế biến tinh bột nghệ. Tận dụng các nguồn lực để hỗ trợ đầu tư phát triển nhà máy chế biến sâu các sản phẩm có nguồn gốc từ sâm Ngọc Linh để tiêu thụ trong nước và hướng đến xuất khẩu.

Có thể nói, các giải pháp đẩy mạnh đầu tư phát triển cây dược liệu gắn với công nghiệp chế biến sản phẩm dược liệu chất lượng cao sẽ là động lực quan trọng để tỉnh Kon Tum ngày càng phát triển ổn định về kinh tế – xã hội trong thời gian đến.

                                                          Tấn Thành – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *