Vừa qua, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Hùng đã chủ trì hội nghị sơ kết 3 năm (2011-2013) thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng Nông thôn mới tại địa bàn tỉnh. Hội nghị đã tập trung tham gia, đóng góp ý kiến vào dự thảo Đề án của UBND tỉnh về cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình kinh tế- xã hội thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2014-2015.

xdntm

Các đại biểu tham dự Hội nghị tăng cường thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

3 năm qua, đã có gần 470 tỷ đồng từ ngân sách nhà nước, vốn tín dụng, vốn lồng ghép …được huy động để thực hiện các mục tiêu xây dựng nông thôn mới tại địa bàn tỉnh Kon Tum. Trong đó, 22 xã điểm của tỉnh được ưu tiên phân bổ nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển. Mô hình xây dựng nông thôn mới theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, “Dân làm nhà nước hỗ trợ” bước đầu  phát huy hiệu quả tích cực. Đến nay, 81 xã hoàn thành quy hoạch chung, 79/81 xã được phê duyệt đề án xây dựng nông thôn mới. Xã Hà Mòn, huyện Đăk Hà  đạt chuẩn 19 tiêu chí nông thôn mới, xã Đăk Mar của huyện Đăk Hà đạt 17 tiêu chí. Toàn tỉnh còn 4 xã đạt từ 10 đến 14 tiêu chí, 50 xã đạt từ 5 đến 9 tiêu chí,  25 xã đạt dưới 5 tiêu  chí.

Bên cạnh những kết quả đã đạt được, hội nghị tập trung phân tích, chỉ rõ thực trạng và nguyên nhân của một số  khó khăn tồn tại sau 3 năm triển khai xây dựng nông thôn mới. Trước hết là việc phân bổ kinh phí để thực hiện chương trình hàng năm của Trung ương cho địa phương còn hạn chế, trong khi khả năng huy động các nguồn lực tại chỗ rất khó khăn. Kết quả huy động sức dân để tham gia xây dựng nông thôn mới ở cơ sở  theo phương châm “Dân làm nhà nước hỗ trợ” chưa cao, chưa sâu rộng do đặc thù kinh tế- xã hội và mặt bằng dân trí của các địa phương còn chênh lệch lớn. Mặt khác, bộ máy  tổ chức làm công tác này chưa thực sự được thống nhất từ Trung ương đến địa phương,  việc ban hành các văn bản hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương chưa kịp thời và đồng bộ đã  làm ảnh hưởng đến  tiến độ triển khai chương trình…

Các sở, ngành, địa phương, đơn vị tham gia hội nghị bày tỏ sự nhất trí cao đối với việc UBND tỉnh chỉ đạo  xây dựng và thực hiện Đề án về cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình kinh tế- xã hội thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2014-2015. Đây chính là giải pháp mang tính đột phá của tỉnh trong xây dựng nông thôn mới trong nửa cuối nhiệm kỳ công tác khóa 14 của Đảng bộ tỉnh. Trên cơ sở huy động các nguồn lực lồng ghép từ các chương trình, dự án đang đầu tư tại địa bàn tỉnh, đề án xác định đầu tư vào 3 nội dung chính là phát triển giao thông nông thôn, kênh mương nội đồng và công trình vệ sinh nông thôn. Đề án đặt ra mục tiêu đến năm 2015, có 100% số xã  của tỉnh cơ bản đạt chuẩn về tỷ lệ giao thông nông thôn, tỷ lệ kênh mương nội đồng. Tổng nhu cầu kinh phí thuộc ngân sách nhà nước hỗ trợ để thực hiện đề án giai đoạn 2014-2015  là trên 347 tỷ đồng .

Phát biểu kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Văn Hùng khẳng định: Phấn đấu  đến năm 2015, toàn tỉnh có trên 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới là thử thách không nhỏ đối với các cấp ngành, địa phương trong tỉnh, đòi hỏi phải có quyết tâm chính trị lớn, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và khả năng huy động  tổng lực cả về nguồn vốn lẫn con người.

Qua trao đổi, làm rõ nhiều nội dung liên quan đến nội dung Đề án về cơ chế chính sách hỗ trợ xây dựng một số công trình kinh tế- xã hội thuộc chương trình xây dựng nông thôn mới  trên địa bàn tỉnh giai đoạn năm 2014-2015, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh chỉ rõ những giải pháp quản lý điều hành, gợi ý những  cách làm  cụ thể đối với các cấp ngành, địa phương nhằm thực sự đưa chương trình xây dựng nông thôn mới vào thực tế cuộc sống của người dân trong tỉnh thời gian tới, như sử dụng hiệu quả nguồn vốn đầu tư từ Chương trình 30a, huy động nguồn lực trong nhân dân…

Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các cấp ngành, địa phương tăng cường hơn nữa vai trò lãnh đạo của Đảng, quản lý điều hành của chính quyền, sự phối hợp của Mặt trận và các đoàn thể trong triển khai chương trình xây dựng nông thôn mới. Để tạo chuyển biến về hành động, trước hết, cần tập trung đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, làm thay đổi nhận thức của nhân dân  đối với chương trình mang ý nghĩa thiết thực này./.

  Nghĩa Hà- Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *