(kontumtv.vn) – Có một cơ sở giáo dục có 7 lớp học nhưng học sinh chỉ học trong 5 phòng học. Đặc biệt hơn là mỗi lớp học chỉ  có từ 3 đến 9 học sinh và mỗi học sinh lại có một dạng khuyết tật khác nhau. Đó là các lớp học chuyên biệt tại Trung Tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum. Đến với những lớp học chuyên biệt này sẽ cho chúng ta thấy rõ về tình yêu nghề, yêu trẻ của những giáo viên thuộc tổ chuyên biệt Trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Kon Tum.

Có 8 học sinh lớp 1. Cả 8 em đều bị khuyết tật bẩm sinh, thuộc 3 nhóm bệnh khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng trí tuệ. Với đặc thù của học sinh, để hoàn thành nội dung tiết dạy không phải là điều dễ dàng đối với giáo viên. Cô giáo Hàn Thị Xuân Đăng, tổ chuyên biệt, Trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Kon Tum nói: “Những học sinh chuyên biệt thì nói chung các em có nhiều tật, có em thì nói được, có em nói không được, rồi có em viết được nhưng lại đọc không được, nhiều em cũng năng động, không thực hiện theo yêu cầu của cô, cho nên cũng khó khăn rất nhiều. Qua quá trình giảng dạy, người giáo viên phải nhiệt tình, yêu trẻ, gần gũi với trẻ, dỗ dành các cháu để các cháu kết hợp với mình để mình hoàn thành nhiệm vụ trong giảng dạy”.

Lớp học chuyên biệt dành cho các trẻ khuyết tật
Lớp học chuyên biệt dành cho các trẻ khuyết tật

Tại Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Kon Tum có 7 lớp học chuyên biệt từ khối lớp1 đến lớp 4 dành cho trẻ khuyết tật. Những lớp học này do các giáo viên Trường Tiểu học Quang Trung đảm nhiệm. Với đặc thù khuyết tật của học sinh, giáo viên giảng dạy  ở đây không đặt mục tiêu kiến thức lên hàng đầu. Những nét chữ nguệch ngoạc, những giọng đọc không tròn vành rõ chữ vẫn được các cô tuyên dương. Bởi các cô hiểu được, để nhớ được con chữ đã là sự nỗ lực rất lớn của các em. Cô giáo Vũ Thị Uyên chia sẻ: “Ngoài việc dạy kiến thức cho các em, ở đây chúng tôi cũng dạy các em về kỹ năng sống, yêu thương các em thực sự như là con cháu của mình vậy đó. Có những em đến lớp là khóc, không muốn học, không biết làm gì hết do bệnh nặng. Có khi các em chạy nhảy lung tung ở trong lớp, các cô vẫn phải động viên, dỗ dành để các em đi vào nề nếp”.

Nếu không đến với những lớp học này, có lẽ sẽ rất khó hình dung giáo viên truyền đạt kiến thức cho học sinh bằng cách nào, khi mà trong một lớp  học có  học sinh bị  khiếm thị, khiếm thính, thiểu năng, khuyết tật vận động… Những hình ảnh này cho thấy, chỉ có  tình yêu nghề, yêu trẻ thực sự, những giáo viên ở đây mới hoàn thành tốt trách nhiệm của mình. Thầy giáo Lê Mạnh Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quang Trung, thành phố Kon Tum ghi nhận: “ Trong tổ chuyên biệt có tất cả 10 giáo viên, trong đó có 4 đảng viên, các cô đều nhiệt tình công tác và yêu thương trẻ. Với tình yêu thương của các cô, nhà trường rất yên tâm về tinh thần trách nhiệm của các cô dành cho các cháu”.

Với sự nỗ lực cao độ, tình yêu thương, nhân hậu, các cô giáo dạy những lớp học chuyên biệt đã và đang giúp cho học sinh khuyết tật thực sự có được “mỗi ngày đến trường là một niềm vui”. Điều này góp phần rất lớn để trẻ khuyết tật hòa nhập cuộc sống cộng đồng.

                                                                         Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *