(kontumtv.vn) – Thời gian qua, trên địa bàn thành phố Kon Tum thời tiết thay đổi thất thường, mưa kéo dài, độ ẩm cao là điều kiện thuận lợi để các loại mầm bệnh phát triển, đặc biệt là dịch bệnh sốt xuất huyết, với số ca mắc tăng nhanh. Trước tình hình đó, ngành Y tế thành phố đã triển khai các giải pháp nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan ra diện rộng.

Với ý thức phòng bệnh cao, khi phát hiện con trai có biểu hiện sốt, gia đình chị Trần Thị Hoa (tổ dân phố 5, phường Quang Trung) liền đưa con tới Trạm y tế phường để thăm khám. Được sự quan tâm hướng dẫn cụ thể của lực lượng y, bác sĩ trạm từ quá trình điều trị, đến công tác dọn vệ sinh tại nơi ở, bệnh nhân đã nhanh chóng khỏi bệnh. Chị Hoa cho biết: “Cháu nhà sốt trong khoảng 3 ngày liên tiếp, sốt cao, thời gian sốt có giờ; sau mấy ngày thì xuất ra các mẩn đỏ trên tay, trên người, trên lưng. Trạm Y tế xuống, giám sát xung quanh nhà có các ổ lăng quăng hay không rồi hướng dẫn cho gia đình các vật dụng, đồ chứa nước sử dụng thì rửa thường xuyên, hoặc cái nào không dùng thì lật úp lại để muỗi không có cơ hội đẻ; lu có nước thì phải có nắp đậy lại”.

Phun thuốc diệt muỗi phòng ngừa sốt xuất huyết
Phun thuốc diệt muỗi phòng ngừa sốt xuất huyết

Là địa phương có số ca mắc bệnh sốt xuất huyết cao nhất trên địa bàn thành phố Kon Tum từ đầu năm 2018 đến nay, với 30 ca/tổng số 91 ca toàn thành phố, Trạm Y tế phường  Quang Trung đã đẩy mạnh phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể phường tổ chức các đợt ra quân tổng dọn vệ sinh, phát quang bụi rậm, diệt lăng quăng; đồng thời tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn chủ động phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết. Bác sĩ Phan Nhật Duy, Trạm trưởng Trạm Y tế phường Quang Trung nói: “Ngành Y tế địa phương đã tăng cường công tác tuyên truyền phòng chống dịch bệnh; hướng dẫn người dân tự vệ sinh môi trường, tổng dọn vệ sinh hàng ngày, thau rửa chum vại nơi chứa nước đọng thì lật úp, thả cá vào nơi muỗi có thể đẻ để khỏi đẻ trứng. Trường hợp mắc bệnh thì cán bộ y tế, cùng với cộng tác viên y tế tăng cường giám sát nơi của họ ở để xem mật độ của muỗi, tình hình dịch bệnh sốt xuất huyết có lan rộng hay không để phối hợp cấp trên phun hóa chất diệt muỗi”.

Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn thành phố có 91 ca mắc bệnh sốt xuất huyết. Đặc biệt trong 2 tháng gần đây thời tiết mưa kéo dài, thuận lợi cho muỗi vằn sinh sôi nảy nở nên bệnh sốt xuất huyết lan nhanh trong khu dân cư, tạo thành ổ dịch. Chỉ tính riêng trong tháng 8 có 32 ca mắc bệnh. Trước nguy cơ bệnh tiếp tục tăng, tạo thành ổ dịch, ngành Y tế địa phương đã tập trung triển khai các giải pháp để ngăn chặn kịp thời. Bác sĩ Bùi Trọng Trí, Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Kon Tum cho biết: “Trung tâm Y tế đã tham mưu UBND thành phố chỉ đạo UBND xã, phường tăng cường công tác phòng chống dịch bệnh, chủ động dọn dẹp vệ sinh, diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng chống sốt xuất huyết và tăng cường công tác giám sát. Đặc biệt, địa bàn nào chỉ cần có 1 trường hợp sốt xuất huyết thì Trung tâm chủ động xuống kiểm tra, giám sát và phun thuốc diệt muỗi trưởng thành và tuyên truyền trong cộng đồng, những người xung quanh tiêu diệt lăng quăng, bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết”.

Để phòng, chống dịch bệnh sốt xuất huyết một cách hiệu quả, ngoài sự nỗ lực của ngành Y tế địa phương, các cấp chính quyền và mỗi người dân cần nâng cao ý thức chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh, giúp ngăn ngừa dịch bệnh và bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng.

CTV Minh Phượng – Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *