Trong phạm vi triển khai chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo theo nghị quyết 30a của Chính phủ, huyện Tu Mơ Rông đã đầu tư trồng thí điểm cây cao su tại các xã phía tây của huyện. Kết quả thí điểm sẽ là cơ sở góp phần chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng, góp phần giảm nghèo và phát triển kinh tế – xã hội địa phương.

tcs

Trồng thí điểm cao su tại huyện Tu Mơ Rông.

Năm 2011, gia đình ông A Bê  là một trong 3 hộ dân ở thôn Đăk PRông, xã Đăk Tờ Kan được hỗ trợ trồng thí điểm 1 ha cao su. Nhận cấp phát 555 cây  giống cùng các loại vật tư, phân bón cần thiết, gia đình ông còn được tập huấn, áp dụng quy trình kỹ thuật trồng mới và chăm sóc cao su thời kỳ kiến thiết cơ bản. Ông A Bê cho biết: Ở nhà gia đình cũng có một loại phân chuồng bỏ vào hố để trồng. Mong muốn gia đình tôi sau này có mủ cao su cho đạt kết quả, cho giúp gia đình giảm nghèo.

Trong 2 vụ mùa năm 2011 và năm 2012, xã Đăk Tờ Kan đã được hỗ trợ trồng mới gần 60 ha tại 4 thôn trong số 7 thôn của xã, là Kon HNông, Đăk Prông, Tê Xô trong, Đăk Nông. Trong đó, năm 2011 có 16 hộ được hỗ trợ  trồng 17,6 ha; năm 2012 trồng mới 40 ha với 42 hộ được hỗ trợ. Nằm trong chương trình này, đến nay, tại các xã phía tây gồm Đăk Rờ Ông, Đăk Tờ Kan, Đăk Sao, Đăk Na  của huyện Tu Mơ Rông đã có tổng cộng hơn 130 ha cao su  được trồng  mới. Ông  Lâm Văn Chung- Chủ tịch UBND xã Đăk Na, huyện Tu Mơ Rông cho biết địa phương đã trồng được 43 ha cao su. Hầu hết diện tích cao su trồng trên địa bàn sinh trưởng và phát triển tốt.

Nhu cầu được hỗ trợ trồng loại cây công nghiệp này bước đầu đã thu hút được sự quan tâm của đồng bào địa phương. Ông A Nhóc – Chủ tịch UBND xã Đăk Tờ Kan, huyện Tu Mơ Rông cho biết: Năm 2011 và năm 2012, xã được hỗ trợ trồng cây cao su là 60 ha. Trong năm vừa rồi thì nhu cầu của bà con đăng ký cũng khá nhiều. Nhưng mà qua khảo sát mật độ so với mặt biển là trên 800m là chúng tôi không triển khai. Chuyển sang là phát triển cây cà phê vối và cây bời lời

Định hướng trồng cao su trên diện tích đất đai có độ cao và địa hình phù hợp là điều cần thiết. Tuy vậy, đối với số diện tích đã được trồng thí điểm tại các xã, từ nay đến hết chu kỳ kiến thiết cơ bản vẫn còn  4-5 năm nữa. Vì vậy, để chủ động làm tốt công tác chăm sóc vườn cây, thì hàng năm, gắn với việc hỗ trợ sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số địa phương, các xã cần bố trí một khoản kinh phí nhất định giúp bà con duy trì khâu  bón phân, làm cỏ, chống cháy … Ý thức  trách nhiệm của các hộ đối với việc bảo vệ, chăm sóc vườn cây  chính là sự đảm bảo cho kết quả của  kế hoạch thí điểm ./.

Nghĩa Hà- Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *