(kontumtv.vn) – Thật vinh dự và may mắn cho những ai được đặt chân đến huyện đảo Trường Sa, vùng lãnh hải cực đông của Tổ quốc, nơi có những người con ưu tú của đất nước đang ngày đêm chắc tay súng, bảo vệ biển trời quê hương.

Những ngày được đến thăm huyện đảo Trường Sa, được tận mắt chứng kiến cột mốc chủ quyền lãnh hải của đất nước trên từng điểm đảo, cá nhân tôi và nhiều thành viên khác trong đoàn công tác số 12 của Bộ Tư lệnh Hải quân ra thăm Trường Sa đều tràn đầy cảm xúc.  Tuy nhiên, với nhiệm vụ được giao và quỹ thời gian hạn hẹp, thời gian lưu lại mỗi đảo chừng 1-2 giờ. Vì vậy tôi buộc phải kìm nén cảm xúc của mình để tranh thủ từng phút, từng giây ghi lại hình ảnh và thu thập số liệu, nhằm phản ánh đầy đủ nhất, chân thật nhất về biển đảo, về những người con của Trường Sa đang ngày đêm canh giữ biển đảo quê hương.

Tâm sự với tôi trong suốt hành trình vượt biển ra thăm đảo, già làng A Ja ở làng Plei Đôn, thành phố Kon Tum vui mừng cho biết: Biển đảo Trường Sa thật bao la và giàu đẹp. Thật vậy, các thành viên trong đoàn ai cũng thấy vẻ đẹp và cảm nhận được sự giàu có của biển Việt Nam khi chứng kiến những giàn khoan dầu đang ngày đêm phun lửa, hút dầu dưới lòng biển để đem lại cho đất nước nguồn lợi lớn về xuất khẩu dầu mỏ. Cũng từ vùng biển này, hàng ngàn con tàu đánh cá của ngư dân Việt Nam đang ngày đêm khai thác, đánh bắt hải sản phục vụ cho đời sống dân sinh, đồng thời tham gia bảo vệ chủ quyền, lãnh hải của đất nước. Cũng trên vùng lãnh hải này, cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa đang ngày đêm chống chọi với khó khăn, gian khổ, hiểm nguy để giữ vững chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. Cảm nghĩ của bản thân khi được đặt chân đến điểm đảo đầu tiên, già làng A Ja, người con của các dân tộc tỉnh Kon Tum không khỏi xúc động khi đến thăm đảo Đá Lát. Già làng A Ja tâm sự: “Là già làng tôi rất vinh dự một lần được đến đảo Trường Sa. Chúng tôi mong muốn làm nguồn lực động viên các chiến sĩ thêm động lực trong chiến đấu để bảo vệ quê hương thân yêu. Trường Sa là một bộ phận không thể tách khỏi lãnh thổ của Việt Nam. Ra thăm đảo, không có quà gì lớn lao, chỉ có tấm lòng, sự biết ơn của bà con đồng bào Tây Nguyên với quân dân Trường Sa”.

Trường Sa
Trường Sa thương yêu

Suốt quá trình tham gia cùng đoàn đại biểu Tỉnh Kon Tum ra thăm đảo, thấy được sự nhiệt tình, chân thành và tình cảm của từng thành viên trong đoàn dành cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo, bản thân tôi càng thêm hiểu về tấm lòng của người dân hậu phương, đất liền nói chung và người dân Kon Tum nói riêng dành cho biển đảo. Bà Y Xuôi – nguyên Chủ tịch UBMTTQVN tỉnh Kon Tum, trong đoàn công tác số 12, bà là thành viên nữ cao tuổi nhất. Tuy nhiên, những ngày đến thăm huyện đảo Trường Sa, bà như quên đi tuổi tác của mình, có mặt tại tất cả các điểm đảo mà đoàn đến thăm, để động viên cán bộ, chiến sĩ. Bà Y Xuôi chia sẻ: “Tôi ước ao được đi thăm Hoàng Sa, Trường Sa, bây giờ nghỉ hưu rồi mới được đi thăm, thấy điều kiện, hoàn cảnh của của chiến sĩ Hải quân rất khó khăn nên tôi xúc động. Tôi mong muốn tất cả mọi người dân, bản thân tôi cũng luôn hướng về Tường Sa, làm thế nào để chiến sĩ Hải quân yên tâm bảo vệ vùng đảo của Tổ quốc một cách vững vàng”.

Trong hành trình ra thăm huyện đảo Trường Sa của đoàn công tác số 12, người mong chờ được đến đảo Trường Sa Đông nhất là  cựu chiến binh Trần Văn Xuất. Giây phút hội ngộ giữa người cựu chiến binh từng có mặt để giữ đảo Trường Sa Đông cách đây 30 năm và thế hệ giữ đảo Trường Sa Đông ngày hôm nay thật xúc động. Với nỗi nhớ Trường Sa và niềm tự hào về Trường Sa, cựu chiến binh Nguyễn Văn Xuất đã mang từ thành phố Đà Nẵng ra tặng cán bộ chiến sĩ đảo Trường Sa Đông phần quà trị giá đến 60 triệu đồng. Đó là cặp lộc bình bằng đá Non Nước và 10 triệu đồng tiền mặt. Anh tâm sự, nhờ những ngày chiến đấu, bảo vệ ở Trường Sa cách đây 30 năm đã giúp anh trở thành một doanh nhân thành đạt và nghĩa tình. Đến nay, cơ sở sản xuất đá mỹ nghệ của anh là địa chỉ quen thuộc của Ban liên lạc chiến sĩ Trường Sa của thành phố Đà Nẵng. Sự có mặt của cựu chiến binh Nguyễn Văn Xuất không chỉ cỗ vũ, động viên cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông, mà còn có ý nghĩa rất nhiều với các thành viên đoàn công tác số 12 và cán bộ, chiến sĩ, nhân dân trên huyện Đảo Trường Sa. Cựu Chiến binh Nguyễn Văn Xuất tâm sự: “30 năm hôm nay trở lại đảo, tôi thấy đảo càng ngày càng khang trang, tinh thần của anh em Hải quân luôn luôn bốc lửa, kiên quyết bảo vệ chủ quyền biển đảo của quê hương. Tôi rất tin tưởng sự kiên quyết bảo vệ của anh em thì đảo không bao giờ rơi vào tay của giặc nữa”.

Trung úy Nguyễn Thanh Nga, Đội Xung kích Bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk Lăk chia sẻ, chị cũng là người lính bảo vệ biên giới của Tổ quốc, vì vậy  khi có mặt ở Trường Sa, các thành viên Đội Văn nghệ xung kích của Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Đăk Lắk thấu hiểu sự khó khăn, gian khổ và hiểm nguy của người lính đảo. Bằng cả trái tim mình, các thành viên trong đội luôn thắp lên ngọn lửa qua các ca khúc về biển dảo quê hương cùng các bạn lính đảo, cho dù sân khấu không hề có ánh đèn màu, không có cả loa máy. “Thật vinh dự và tự hào khi đội của chúng tôi được đặt chân đến Trường Sa. Thật xúc động và không biết nói gì hơn, chỉ biết diễn bằng cả trái tim, bằng cả tâm hồn để gửi đến các đồng chí lời ca tiếng hát của mình, mong các đồng chí đóng quân trên đảo có sức khỏe, có bản lĩnh chính trị vững vàng, luôn giữ chắt tay súng để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ của Việt Nam”.Trung úy Nguyễn Thanh Nga xúc động nói.

Với cương vị là Trưởng đoàn đại biểu tỉnh Kon Tum, những ngày có mặt ở huyện Đảo Trường Sa, được đến thăm cán bộ, chiến sĩ tại 2 đảo nổi, 5 đảo chìm và nhà Giàn ĐK 1, bà Y Mửi – Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Kon Tum luôn dành thời gian để thăm hỏi, chia sẻ, động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Trường Sa. Cùng với việc trao tặng món quà 500 triệu đồng của tỉnh Kon Tum cho huyện đảo, phát biểu với cán bộ, chiến sĩ đảo Trường Sa Đông, thay mặt đoàn công tác số 12 và cán bộ, nhân dân các dân tộc tỉnh Kon Tum, bà Y Mửi khẳng định tình cảm của người dân Kon Tum luôn hướng về biển đảo: “ Mong các đồng chí luôn luôn yên tâm công tác, yên tâm sẵn sàng chiến đấu. Chúng tôi luôn luôn, lúc nào, bao giờ cũng ở bên các đồng chí. Bà con các dân tộc Tây Nguyên nói chung và Kon Tum nói riêng luôn hướng về biển đảo”.

 Sự chia sẻ, động viên bằng cả tấm lòng của hậu phương đối với biển đảo là nguồn cổ vũ, động viên vô cùng lớn để cán bộ, chiến sĩ biển đảo an tâm công tác, sẵn sàng nhận và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao. Thiếu úy Trần Hải Dương, 23 tuổi, là y sĩ ở đảo Tiên Nữ, huyện đảo Trường Sa bày tỏ: “ Qua đoàn, xin gửi về đất liền tình cảm, tình thương nơi đảo xa. Các cô, các chú, các bác, các mẹ, các bố ở đất liền hãy yên tâm, các con ở ngoài này thực hiện nhiệm vụ rất là tốt và bảo đảm giữ được non sông đất nước”.

Cùng với sự quan tâm đầu tư của Đảng, Nhà nước và sự đóng góp của nhân Dân để xây dựng huyện đảo Trường Sa ngày càng vững mạnh về kết cấu hạ tầng và sức mạnh quân sự, tình yêu thương của đất nước, của cả dân tộc dành cho Trường Sa thân yêu cũng là sức mạnh to lớn để Trường Sa ngày càng lớn mạnh về mọi mặt.

Văn Hiển

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *