(kontumtv.vn) –  Đã 35 năm trôi qua kể từ ngày nhân dân Cam Pu Chia thoát khỏi nạn diệt chủng của chế độ Khơ Me Đỏ, Vương Quốc Cam Pu Chia ngày nay đang từng bước hồi sinh và phát triển mạnh mẽ. Trong sự phát triển này, có sự đóng góp vô cùng to lớn của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, đã chiến đấu, hy sinh vì tinh thần Quốc tế cao cả.

thao

Đoàn cán bộ tỉnh Kon Tum (Việt Nam) làm việc với đoàn cán bộ tỉnh Rattanakiri (Campuchia).

Đã có nhiều đổi thay trong 35 năm qua, người lính tình nguyện Việt Nam Đỗ Thanh Cư ( Số nhà 80, đường Trường Chinh, thành phố Kon Tum) năm xưa giờ là một thượng tá cựu chiến binh tóc đã bạc, sức đã yếu, thế nhưng lòng tự hào, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh vì tinh thần Quốc tế cao cả, vì giúp nhân dân Cam Pu Chia thoát khỏi nạn diệt chủng vẫn còn nguyên vẹn trong ông. Cách đây 36 năm, khi vừa ngoài 20 tuổi, trong đội hình Đại đội 10, Tiểu đoàn 9, Trung đoàn Plei Me, Đoàn Đăk Tô, cựu chiến binh Nguyễn Thanh Cư trong vai trò quân tình nguyện đã cùng đồng đội tham gia giải phóng Cam Pu Chia khỏi chế độ diệt chủng. Hàng giờ, hàng ngày phải chứng kiến cảnh đồng đội mất mác, hy sinh vì sứ mệnh cao cả nhưng ông cùng đồng đội vẫn không nao lòng, quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ được giao. Ông Cư tâm sự: Trong thời gian chúng tôi ở bên đó được trên quán triệt nhiệm vụ rất sâu sắc đến cán bộ chiến sỹ là  phải bảo vệ được dân, cứu dân ra khỏi chế độ diệt chủng Pôn Pốt. Trong quá trình chiến đấu ở bên đó có những trận tôi nhớ người dân bị chúng thu gom lại, chúng tôi với quan điểm bảo vệ dân và biết trong cuộc chiến đấu sẽ có nhiều đồng chí hy sinh nhưng vẫn phải bảo vệ dân, giữ an toàn cho dân. Đây là quan điểm rất sâu sắc có ý nghĩa nhân văn nhưng cũng là trách nhiệm của toàn thể cán bộ chiến sỹ trong đơn vị.

Trong buổi trò chuyện cùng các cựu chuyên gia, cựu quân tình nguyện Việt Nam tại Hà Nội vào sáng ngày 27/12/2013 nhân chuyến thăm chính thức Việt Nam, Thủ tướng Vương Quốc Cam Pu Chia – Hun Sen đã nói: “Quân của tôi quá ít, phải có sự giúp đỡ của quân tình nguyện Việt Nam. Nếu không có sự giúp đỡ đó và sự ủng hộ của người dân Cam Pu Chia, không thể giải phóng đất nước nhanh như thế. Vì sự giúp đỡ nhân dân Cam Pu Chia thoát khỏi nạn diệt chủng mà Việt Nam phải trả giá rất cao, tức là vừa hy sinh tính mạng của nhân dân Việt Nam, quân đội Việt Nam, vừa hy sinh tài sản của Việt Nam, vừa hy sinh chính trị, ngoại giao…Vấn đề này không thể quên được. Hồi đó Việt Nam bị cấm vận từ bên ngoài do giải phóng Cam Pu Chia”

Đúng vậy, với tinh thần giúp bạn là giúp mình, hàng ngàn chuyên gia, quân tình nguyện Việt Nam đã không tiếc xương máu kề vai, sát cánh cùng quân và dân Cam Pu Chia xóa bỏ chế độ diệt chủng Khơ Me đỏ. Trong đội hình chuyên gia và quân tình nguyện ngày ấy, có nhiều công dân của tỉnh Kon Tum và có nhiều quân nhân nay đã rời quân ngũ định cư trên địa bàn tỉnh Kon Tum. Với họ, điều quý giá nhất từ những ngày tháng gian khó, hy sinh để giải phóng Cam Pu Chia khỏi nạn diệt chủng đó là niềm tự hào, vinh dự vì được góp phần xây dựng nên tình đoàn kết hữu nghị bền chặt giữa hai Đảng, hai nhà nước và nhân dân 2 nước Việt Nam – Cam Pu Chia. Đơn cử như cựu chiến binh Lê Đăng Lâm (Tổ dân phố 4, phường Trường Chinh, thành phố Kon Tum), nguyên Trung tá Trưởng ban Tuyên Huấn, Đoàn Đăk Tô, tình cảm của người dân Cam Pu Chia dành cho bộ đội tình nguyện Việt Nam trong đó có ông trong những ngày tháng gian khó ở Cam Pu Chia là những kỉ niệm khó phai. Ông nhớ lại: Nói về tình cảm quân dân thì một tình cảm vô cùng quý mến ở chỗ nhân dân thương yêu bộ đội, thấy bộ đội Việt Nam như thấy người anh em ở xa về. Dân rất nhiệt tình giúp bộ đội từ bó rau, quả bí, quả bầu. Dân có gì thì bộ đội có đấy, đó là tình cảm đặc biệt. Tình cảm đặc biệt này không những là tình cảm Quốc tế mà còn như  là tình cảm với người con ở xa về.

Kỷ niệm 35 năm ngày nhân dân Cam Pu Chia thoát khỏi nạn diệt chủng của Khơ Me Đỏ, 07/01/1979- 07/01/2014 các thế hệ chuyên gia và quân tình nguyện Việt Nam có quyền tự hào vì đã hoàn thành vẻ vang sứ mệnh Quốc tế cao cả. Đó là thành quả, là nền móng để thế hệ trẻ Việt Nam và Cam Pu Chia hôm nay, mai sau  tiếp tục kế thừa để xây dựng tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác cùng phát triển giữa hai dân tộc và hai đất nước.

 Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *