(kontumtv.vn) – Anh dũng, kiên cường trong kháng chiến chống giặc ngoại xâm, cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Tu Mơ Rông còn là điển hình về tinh thần đoàn kết, vượt khó để xây dựng quê hương ngày càng phát triển. Kỷ niệm 10 năm thành lập huyện, chúng ta hãy cùng nhìn lại những thành tựu nổi bật mà Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc địa phương đã  nỗ lực, phấn đấu đạt được.

10 năm, khoảng thời gian không dài, nhưng nhờ tận dụng tốt nguồn đầu tư, hỗ trợ của cấp trên, kết hợp với phát huy nội lực và kế thừa truyền thống, Đảng bộ, nhân dân các dân tộc huyện Tu Mơ Rông đã thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, an ninh quốc phòng mà Đại hội Đảng bộ huyện đã đề ra. Sự đổi thay và phát triển dễ nhận thấy nhất  là tiến trình đô thị hóa tại khu vực trung tâm huyện lỵ. Khi mới thành lập, khu trung tâm huyện lỵ Tu Mơ Rông chỉ là những dãy nhà tôn tạm bợ, đường đi nhỏ hẹp gồ ghề ổ voi, ổ gà. Đến nay, khu trung tâm  hành chính của huyện đã được xây dựng khang trang theo kiến trúc của một đô thị miền núi hiện đại. Bên cạnh đó, việc duy trì mức độ tăng trưởng kinh tế cao trong nhiều năm cũng là thành tựu nổi bật huyện Tu Mơ Rông đạt được qua 10 năm xây dựng và phát triển. Ông A Hơn, Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông cho biết: “Với sự nỗ lực không ngừng của Đảng bộ và nhân dân trong huyện, trong 10 năm qua, kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh của địa phương đã đạt được kết quả khả quan và đáng khích lệ. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2005-2015 tăng trưởng trên 16%. Đời sống nhân dân từng bước được cải thiện, thu nhập bình quân đầu người tăng từ dưới 2 triệu đồng năm 2005 lên gần 12 triệu đồng năm 2014. Tỷ lệ hộ nghèo hàng năm được rút ngắn. Năm 2005 có trên 2.800 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ gần 77 % đến năm 2015 giảm xuống dưới 1.800 hộ, đưa tỷ lệ  hộ nghèo toàn huyện giảm xuống dưới 33%. Những kết quả đạt được là hành trang để cán bộ, nhân dân, các dân tộc trong huyện phấn đấu xây dựng huyện Tu Mơ Rông tiếp tục phát triển”.

Trung tâm huyện lỵ Tu Mơ Rông
Trung tâm huyện lỵ Tu Mơ Rông

Để có được những thành tựu như hôm nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân huyện Tu Mơ Rông đã vượt qua rất nhiều khó khăn, thử thách. Vào thời điểm tháng 6/2005, khi được thành lập theo Nghị định số 76/2005 của Chính phủ, huyện Tu Mơ Rông có 11 đơn vị hành chính cấp xã với 91 thôn, làng; dân số khoảng 20.000 người, trong đó 98% là đồng bào dân tộc thiểu số. Khó khăn lớn nhất của huyện lúc bấy giờ là hạ tầng điện, đường, trường, trạm, thủy lợi gần như tạm bợ. Mặt khác, trình độ dân trí và tập quán sản xuất của người dân còn hạn chế. Vì vậy, tỉ lệ hộ nghèo cao và cơ hội thoát nghèo của người dân không rõ nét. Trước thực tế đó, nhiều quyết sách đúng đắn, phù hợp đã được cấp ủy, chính quyền huyện Tu Mơ Rông áp dụng. Huyện ưu tiên phát triển mạng lưới giao thông; xây dựng hạ tầng nông thôn gắn với khuyến khích người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng vật nuôi từ cây lúa rẫy, cây mì sang cây lúa nước, cây cà phê, bời lời và cây dược liệu. Nhờ vậy, chỉ trong một thời gian ngắn, những khó khăn, thách thức dần được đẩy lùi. Tháng 6/2009, đường giao thông đã cơ bản đến được các xã vào mùa khô, 100% khu dân cư có điện lưới và tỉ lệ hộ nghèo giảm từ 77% xuống còn trên 50%. Cơ hội giảm nghèo, phát triển kinh tế của huyện Tu Mơ Rông dần rõ nét.

Vui chưa lâu, huyện Tu Mơ Rông  phải đối mặt với một thử thách vô cùng khắc nghiệt, đó là cơn bão số 9 năm 2009 đã gây thiệt hại nặng nề cho huyện. Chỉ trong 2 ngày, bão số 9 đã làm thiệt mạng 30 người dân, 26 người bị thương, trên 400 căn nhà của dân bị sập và tốc mái, hàng ngàn công trình hạ tầng bị hư hỏng. Tổng thiệt hại lên trên 1.000 tỉ đồng. Ông A Hơn nói: “Sau cơn bão số 9 năm 2009, huyện Tu Mơ Rông gần như phải làm lại từ đầu. Phải tái định  cư hàng ngàn hộ dân khỏi vùng nguy hiểm. Bước tiếp theo là khôi phục hạ tầng và đồng ruộng sản xuất gắn với quy hoạch lại sản xuất trong toàn huyện. Bên cạnh đó, phải đảm bảo đời sống văn hóa, tinh thần , sức khỏe của người dân  tại nơi ở mới. Khó khăn nhất đối với huyện vào thời điểm đó là nguồn lực để thực hiện cùng lúc nhiều vấn đề cấp bách. Nhờ tinh thần đoàn kết của cán bộ, nhân dân trong huyện, sự hỗ trợ, tiếp sức của cấp trên, huyện đã  từng bước khắc phục khó khăn, ổn định và phát triển”.

Đối mặt với sự tàn phá của cơn bão số 9/2009 gây ra, tinh thần kiên cường, bất khuất của người dân vùng căn cứ cách mạng Tu Mơ Rông một lần nữa lại được phát huy. Chia sẻ những khó khăn của cấp ủy, chính quyền địa phương, bà con nhân dân trong huyện tự nguyện di dời, tái định cư tại những nơi ở mới và quyết tâm làm lại từ đầu. Trên đống đổ nát, hoang tàn do bão để lại, từng khu dân cư mới được hình thành. Màu xanh của lúa nước, cà phê, bời lời dần xuất hiện.

Sau gần 5 năm về nơi ở mới, niềm vui đã thật sự trở lại với làng Mô Bành 2, xã Đăk Na. Đến nay, 108 hộ, gần 500 nhân khẩu của thôn đã có nhà ở kiên cố. Gia đình nào cũng được Nhà nước hỗ trợ trồng cà phê, bời lời, lúa nước và chăn nuôi. Tỉ lệ hộ nghèo của thôn giảm từ hơn 90 hộ năm 2010 xuống còn 44 hộ vào cuối năm 2014. Tín hiệu lạc quan là 100% hộ nghèo của thôn đều trồng được cà phê, bời lời và cao su đang chờ thu hoạch. Gia đình anh A Mễ trắng tay sau bão số 9, giờ đã trồng được 1 ha cao su, 2 ha bời lời, phát triển chăn nuôi. Từ hộ nghèo, A Mễ đã trở thành hộ có thu nhập khá. Anh A Mễ, làng Mô Bành 2, Xã Đăk Na, Huyện Tu Mơ Rông. A Mễ phấn khởi: “Nhà nước cho 1 căn nhà, cho vay vốn 30 triệu đồng mua con bò. Bây giờ bò có 5 con rồi, trâu thì 7 con, làm ăn được”.

Cùng với làng Mô Bành 2, diện mạo 90 thôn làng của 11 xã trong huyện đã có nhiều khởi sắc. Đến nay, đường làng, ngõ xóm, nhà rông truyền thống, trường học, hệ thống nước tự chảy, lưới điện ở từng khu dân cư đã được xây dựng khá đầy đủ. Đặc biệt, bức tranh nông nghiệp có nhiều khởi sắc. Người dân trước đây sống dựa vào rừng và cây mì, cây lúa rẫy, đến nay gia đình nào cũng trồng được bời lời, lúa nước, cà phê hoặc cao su và chăn nuôi trâu bò. Tại xã Đăk Hà, vào những ngày đầu mới thành lập huyện, phần lớn người dân phải sống trong những căn nhà tạm, sử dụng đèn dầu để thắp sáng và tình trạng thiếu đói giáp hạt thường xuyên xảy ra. Đến nay, diện mạo các thôn làng đã đổi thay rõ nét. 100% hộ dân đã xóa được nhà tạm, không còn tình trạng thiếu đói và tỉ lệ hộ nghèo từ 306 hộ năm 2005 giảm còn 120 hộ vào năm 2014. Anh A Lý, Chủ tịch UBND xã Đăk Hà cho biết: “Hiện nay thôn nào cũng có đường bê tông, điện đường trường trạm ở các thôn đều có. Đặc biệt trong 10 năm trở lại đây, bà con nhận thức rõ về đường lối, chính sách của Đảng, không còn trông chờ ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, có sự phấn đấu, vươn lên làm giàu chính đáng”.

Tín hiệu vui qua 10 năm xây dựng và phát triển huyện Tu Mơ Rông là sự chuyển biến của người dân trong lao động sản xuất. Bà con đã nỗ lực chuyển đổi cây trồng, vật nuôi để thoát nghèo. Nhờ vậy, mỗi năm,trên địa bàn huyện lại xuất hiện thêm nhiều gương lao động, sản xuất giỏi, làm giàu chính đáng. Tiêu biểu như  ông A Nhi ở thôn Cạch Nhỏ, xã Đăk Sao. Sử dụng hiệu quả nguồn hỗ trợ của nhà nước và nỗ lực của bản thân, ông đã xây dựng được một trang trại hàng chục ha với đủ các loại cây trồng vật nuôi.

Xác định phát triển cây dược liệu chính là phát huy tiềm năng, lợi thế của địa phương, những năm qua, huyện Tu Mơ Rông đã đầu tư, hỗ trợ và khuyến khích người dân mở rộng những loại cây mũi nhọn giúp người dân nâng cao thu nhập. Đến nay, bà con đã bước đầu  hình thành hàng chục ha sâm ngọc linh, sâm dây, đương quy. Nhờ triển khai mô hình trồng sâm dây xen bắp và xen mì, mỗi năm chị em ở Hội Phụ nữ thôn Pu Tá, xã Măng Ri thu được  30 – 40 triệu đồng từ mỗi sào sâm dây.

Một trong những thành tựu nổi bật của huyện Tu Mơ Rông là hệ thống giao thông trên địa bàn huyện phát triển mạnh mẽ. Từ một huyện ngõ cụt, đến nay Tu Mơ Rông đã thông thương với huyện Đăk Glei bằng tuyến đường Ngọc Hoàng- Măng Bút và thông thương với huyện Bắc Trà Mi của tỉnh Quảng Nam bằng tuyến Quốc lộ 40B. Bên cạnh đó, các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn huyện như 672, 678; các tuyến liên xã như  Tu Mơ Rông – Ngọc Yêu, tuyến Ngọc Leng nối xã Tu Mơ Rông với 4 xã phía tây của huyện cũng được đầu tư nâng cấp, giúp cho giao thông trên địa bàn thuận lợi hơn trước rất nhiều.

Không những tăng trưởng nhanh về kinh tế, mà 10 năm qua, lĩnh vực văn hóa xã hội và đảm bảo an ninh quốc phòng của huyện Tu Mơ Rông cũng đạt được nhiều thành tựu. Con em trong huyện giờ đã được học tập dưới những mái trường khang trang. Người dân được quan tâm chăm sóc sức khỏe và đời sống văn hóa tinh thần ngày càng khởi sắc. Đến nay, toàn huyện có hơn 4.000 gia đình văn hóa, trên 60 làng văn hóa và có 6 xã đạt từ 5 – 6 tiêu chí xây dựng nông thôn mới. Đây là hành trang quý giá để huyện Tư Mơ Rông tiếp tục phát triển trong thời gian đến. Ông Lê Như Nhất, Bí thư Huyện ủy Tu Mơ Rông cho biết: “Trong thời gian đến, huyện tập trung phát triển một số lĩnh vực huyện có thế mạnh và lợi thế. Về nông lâm nghiệp, ổn định diện tích lúa để đảm bảo an ninh lương thực, tập trung chuyển dịch nhanh cây trồng, vật nuôi có lợi thế của địa phương. Xác định nhanh tập đoàn cây con có ưu thế, chú trọng phát triển sâm Ngọc Linh, cà phê, phát triển một số loại dược liệu như hồng đẳng sâm, đương quy, sơn tra ở một số vùng có điều kiện”.

Nhìn lại chặng đường phát triển trong 10 năm qua với bao khó khăn và thách thức, cán bộ, nhân dân các dân tộc huyện Tu Mơ Rông có quyền tự hào về những thành tựu đã đạt được. Càng tự hào hơn khi truyền thống anh dũng, kiên cường, bất khuất, một lòng trung kiên với Đảng trong kháng chiến của người dân  đã được kế thừa và phát huy mạnh mẽ. Đây chính là nền tảng, là sức mạnh để huyện Tu Mơ Rông tiếp tục vững bước đi lên trên chặng đường phát triển mới.

                                                          Văn Hiển – Thanh Hà

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *