Là một trong những địa phương bị ảnh hưởng bởi 2 công trình thủy điện Plei Krông và thủy điện Ya Ly nên chuyện thiếu đất sản xuất tại xã Kroong là không thể tránh khỏi. Bởi thế, chuyện đất phụ trợ của công trình thuỷ điện Plei Krông bị lấn chiếm để sản xuất cũng là điều dễ hiểu khi mà diện tích này nằm ở nơi thuận tiện, không còn nhu cầu sử dụng mà cũng chẳng có ai quản lý trong một thời gian khá lâu.
Để phục vụ cho quá trình xây dựng công trình thủy điện Plei Krông, UBND tỉnh đã bàn giao cho Ban quản lý dự án thủy điện 4 diện tích 80 ha để xây dựng khu phụ trợ gồm các hạng mục như: khu nhà ở công nhân, nhà ở chuyên gia, nhà văn hóa, mỏ đá…Năm 2009, công trình thủy điện Plei KRông về cơ bản hoàn thành và phát điện, 1 phần trong diện tích trên không còn nhu cầu sử dụng. Thấy đất trống, nhiều người dân đã vào canh tác. Hiện, chính quyền xã Kroong cũng không thống kê được bao nhiêu hộ đã lấn chiếm để sản xuất và diện tích bị lấn chiếm là bao nhiêu. Ông Nguyễn Thành Đức, Chủ tịch UBND xã Kroong, thành phố Kon Tum cho biết: Công trình thì đã xong 2-3 năm nay rồi, diện tích khu phụ trợ trước đây để phục vụ cho công trình bên Ban quản lý dự án thủy điện 4 không bàn giao cho xã quản lý, thẩm quyền của xã để quản lý đất này không có vì chưa được giao lại. Do nhu cầu đất sản xuất, họ thấy đất trông nên họ lấn chiếm, có hộ trồng mì, có hộ trồng cao su. Mặc dù xã biết đấy nhưng làm việc với những hộ đó họ nói họ chưa được đền bù nên cũng không xử lý được vì mình cũng không được quản lý đất này.
Theo ông Nguyễn Thành Đức, tháng 9 vừa rồi xã mới tạm nhận bàn giao từ BQLDATĐ 4 diện tích 49 ha. Tuy nhiên, diện tích này đa phần đã bị lấn chiếm, chỉ trừ những khu vực trước là nền nhà, đất quá xấu mới còn sót lại.
Hai công trình thủy điện Ya Ly và Plei Kroong đã lấy đi 1/3 diện tích tự nhiên của xã Kroong. Tại đây, chuyện thiếu đất sản xuất, đặc biệt đối với 2 làng tái định cư cũng là 2 làng đồng bào dân tộc thiểu số rất phổ biến. Trong số 300 hộ của 2 làng thì có đến 100 hộ thiếu đất sản xuất, phải đi canh tác ở các địa phương khác hoặc tìm cách khác để sinh nhai.
Bởi vậy, chuyện đất của công trình phụ trợ thủy điện Plei Krông bị lấn chiếm cũng là điều có thể hiểu được. Vậy, vì sao công trình thủy điện đã xong từ năm 2009 nhưng mãi đến tháng 9 vừa rồi mới bàn giao 1 phần diện tích về cho địa phương quản lý. Vấn đề này đã được ông Nguyễn Phước Định, Trưởng phòng đền bù – Tái định cư Ban quản lý dự án thủy điện 4 lý giải: Quả thật thì nó chậm, không đáp ứng được chỉ đạo của tỉnh. Từ cuối 2011, tỉnh đã có văn bản chỉ đạo phải triển khai thực hiện ngay. Nguyên nhân chậm, về mặt chủ quan có phần trách nhiệm của Ban quản lý triển khai chưa đáp ứng. Thứ hai nữa là việc chậm này là để bàn giao chính thức phải có cột mốc diện tích mới bàn giao được việc này cần thuê tư vấn để thực hiện. Với yêu cầu của thành phố và lưu ý của thành phố thì trong năm 2013 phải bàn giao chính thức để thành phố quản lý.
Cũng theo ông Định, diện tích mà Ban quản lý dự án thủy điện 4 đã bàn giao về cho địa phương quản lý là hơn 56 ha, trong khi chính quyền xã thì cho rằng mới tạm nhận bàn giao 49 ha. Chuyện người dân lấn chiếm cả Ban quản lý lẫn chính quyền địa phương chẳng có bên nào nắm được con số cụ thể. Chủ tịch UBND xã Kroong, TP. Kon Tum Nguyễn Thành Đức cho biết về diện tích đất đã được bàn giao: Đất này trước là khu phụ trợ nên nó rất khó sản xuất vì nền nhà, đất, đá. Hướng của xã là sắp tới đề xuất với thành phố nên bố trí đất ở khu dân cư chứ cũng không thể bố trí đất sản xuất cho những hộ thiếu đất sản xuất được. Và khó khăn của xã là đối với những hộ đã trồng mì, sau khi thu hoạch mì xã sẽ làm việc với những hộ này và thu hồi diện tích này để về quản lý, khó là đối với những hộ trồng cao su trên đất này thì rất là khó cho xã.
Chẳng biết đất xấu cỡ nào nhưng thực tế người dân đã canh tác thì cây mì, cây cao su trồng trên diện tích này vẫn lên xanh tốt. Và người dân ở xã Kroong vẫn đang rất cần đất để sản xuất./.
Như Nguyệt -Khắc Phố