Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới là một trong những chương trình quan trọng góp phần tạo nên sức sống mới, cải thiện đời sống của người dân và thay đổi diện mạo của các vùng quê, vùng sâu, vùng xa. Qua 3 năm triển khai chương trình trên địa bàn huyện Đăk Tô, bên cạnh những kết quả đã đạt được vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc đang cần được sự chung tay tháo gỡ của ban ngành các cấp và cộng đồng xã hội.

Qua 3 năm triển khai, với tổng nguồn kinh phí  gần 75 tỷ 600 triệu đồng, Chương trình xây dựng nông thôn mới ở Đăk Tô đã đạt những kết quả nhất định như: nâng cao nhận thức của người dân về xây dựng nông thôn mới; một số tuyến đường giao thông nông thôn được đầu tư, xây dựng giải quyết nhu cầu đi lại cho nhân dân; môi trường, văn hóa – xã hội được đảm bảo…

dt

Mô hình trồng cà phê đem lại hiệu quả kinh tế ở vùng sâu, vùng xa.

Tuy vậy, theo báo cáo 03 năm thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia về xây dựng Nông thôn mới của UBND huyện Đăk Tô, đến nay vẫn chưa có xã nào đạt được 10/19 tiêu chí. Hai xã điểm là Diên Bình và Kon Đào cũng chỉ đạt được 8 tiêu chí mỗi xã.

Tại xã Diên Bình, chính quyền địa phương và nhân dân đang gấp rút xây dựng các đường giao thông nông thôn để đạt được tiêu chí về giao thông vào đầu năm 2014. Đường vào thôn 2, xã Diên Bình dài 1200 m, rộng 3,5 m vừa hoàn thành bằng sự đóng góp tiền và công sức của 250 hộ dân thôn 2, và sự hỗ trợ của nhà nước. Đã giải quyết được nhu cầu bức thiết về đi lại cho người dân. Ông Mai Phước Thanh, Phó trưởng thôn 2, xã Diên Bình, huyện Đăk Tô cho biết: Trong thôn cũng tổ chức vận động bà con đóng góp với nhà nước hỗ trợ nguyên vật liệu. Trong khi đó cũng có những thành phần là hộ khó khăn thì tùy lòng hảo tâm của hộ đóng góp vào chương trình này. Trong quá trình thi công thôn có phân công đi giám sát từng ngày và từng giai đoạn của công trình.

Tuy được chọn là xã điểm của tỉnh, nhưng Diên Bình chỉ mới đạt 8/19 tiêu chí. Theo ông Nguyễn Đình Đức, Chủ tịch UBND xã Diên Bình, 11 tiêu chí còn lại rất khó đạt được bởi 1 vấn đề có ý nghĩa tiên quyết đó là nguồn vốn, hiện nay rất thiếu. Ông Đức cho biết: Cái thứ nhất là về nguồn vốn. Trong những  tiêu chí cần nguồn vốn thì cần có sự đầu tư từ ngân sách nhà nước, ngân sách của địa phương. Mà nguồn vốn vừa rồi là đầu tư ít. Tiêu chí về giao thông nông thôn là cần nguồn vốn và sự tham gia của doanh nghiệp, đóng góp của nhân dân phải cần nguồn vốn cho nên là khó.

  Kon Đào cũng được chọn là xã điểm của tỉnh thực hiện Chương trình xây  dựng Nông thôn mới. Từ năm 2011, Kon Đào đã hoàn thành đề án quy hoạch chung và đề án quy hoạch chi tiết. Nhiều khu đất, con đường đã được quy hoạch vẫn chưa thể triển khai: Như khu đất 8 sào được quy hoạch để làm chợ nông thôn từ đầu 2011; Con đường nằm trong Đề án quy hoạch của thôn Kon Đào, xã Kon Đào, dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay vẫn đang chờ vốn. Tuy với lợi thế của 1 xã điểm, được sự quan tâm, hỗ trợ, chỉ đạo kịp thời từ các cấp, ngành và sự hưởng ứng nhiệt tình của nhân dân. Nhưng những vướng mắc về vốn, trình độ dân trí, xuất phát điểm thấp của Kon Đào… như 1 bài toán khó chưa thể nào tìm ra lời giải. Ông Lương Thanh Bình,Chủ tịch UBND xã Kon Đào cho biết: Khó khăn hiện nay nguồn vốn cho chương trình quá ít. Cái thứ 2 nữa là cái nguồn vốn nó quá là eo hẹp, nếu mà huyện không hỗ trợ các nguồn vốn khác để lồng thì thực hiện khó khăn…

Một tiêu chí mà theo đánh giá tại các địa phương rất khó đạt được đó là tiêu chí về thu nhập. Theo tiêu chí số 10, Bộ tiêu chí Quốc gia quy định xã đạt nông thôn mới phải có thu nhập bình quân đầu người cao hơn 1,2 lần thu nhập bình quân chung của tỉnh. Trong khi đó tại huyện Đăk Tô, thu nhập bình quân tại 1 số xã còn thấp hơn thu nhập bình quân toàn tỉnh. Đơn cử như xã Pô Kô, với thu nhập bình quân hàng năm trên đầu người là 6,7 triệu đồng, tỷ lệ hộ nghèo cao. Hiện xã Pô Kô chỉ mới hoàn thành 3/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới.

Trước những vướng mắc này, ông Nguyễn Quang Hải, Chủ tịch UBND huyện Đăk Tô đã đưa ra 1 số giải pháp trong thời gian tới: Trước hết thực hiện các công tác tuyên truyền vận động. Thực hiện lồng ghép các nguồn vốn, phân bổ các nguồn vốn, nguồn lực đầu tư các xã tuân thủ theo quy hoạch và đề án bắt buộc, xác định cho rõ các tiêu chí, nội dung nhỏ trong từng chi tiết các chỉ tiêu cụ thế, cái nào dễ dễ làm nhất chúng ta làm trước, khó làm sau. Kế hoạch thực hiện của từng năm, phải xây dựng hết sức chi tiết, và bám theo kế hoạch từng năm, chứ làm chung chung không thể nào được. Bây giờ 2 xã điểm, mới đạt có 5 đến 8 tiêu chí rất thấp nên rất khó.”

Từ thực tế cho thấy, những vướng mắc về nguồn vốn đầu tư, thu nhập bình quân, trình độ dân trí, và xuất phát điểm thấp tại huyện Đăk Tô là những nguyên nhân chính khiến cho quá trình xây dựng nông thôn mới gặp nhiều khó khăn. Không riêng gì huyện Đăk Tô, mà đó cũng chính là những vướng mắc chung của nhiều địa phương trong tỉnh hiện nay đang gặp phải. Hy vọng với những giải pháp kịp thời, và kinh nghiệm sẽ được rút ra từ kỳ họp tổng kết chương trình xây dựng Nông thôn mới tới đây sẽ giúp chương trình phát huy được tính hiệu quả và ý nghĩa thiết thực của nó./.

Thanh Thảo

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *