(kontumtv.vn)- Xuất phát điểm là một tỉnh nghèo nên việc thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Kon Tum gặp nhiều khó khăn, thách thức. Tuy nhiên sau gần 4 năm thực hiện, với sự giúp đỡ từ TW, lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND, sự phối hợp của các ban, ngành, đoàn thể cùng với sự nỗ lực cố gắng của người dân, Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới ở Kon Tum đã đạt được những kết quả quan trọng, mang lại nhiều đổi thay cho vùng nông thôn. Và năm 2014 có thể được coi là năm đánh dấu cho những khởi sắc này.

          Đây là những đổi thay trên những tuyến đường vào thôn 2, xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô. Những tuyến đường như thế này đã được xây dựng tại hầu hết 8 trên 8 thôn, làng của xã nhờ chương trình nông thôn mới. Không chỉ được bê tông hóa, việc giữ gìn vệ sinh trên các tuyến đường này còn được đảm bảo nhờ việc bố trí các thùng rác công cộng như thế này. Theo lãnh đạo UBND xã Tân Cảnh, dù xã không được chọn làm xã điểm để xây dựng nông thôn mới, nhưng bằng sự cố gắng, huy động nguồn lực của toàn dân, chỉ sau 3 năm xã đã thực sự khởi sắc với 16 trên 19 tiêu chí nông thôn mới được hoàn thành. Trong năm 2014, xã đã đảm bảo đạt các tiêu chí về đường trục xã, đường trục thôn, đường ngõ xóm và đường trục chính nội đồng được cứng hóa. Ngoài ra, các tiêu chí khác, xã cũng đạt và vượt như: thu nhập bình quân đầu người đạt 25 triệu đồng; 100% số hộ dân được dùng điện lưới quốc gia và hệ thống nước sạch; 8/8 thôn, làng đạt thôn văn hóa; trên 90% tổng số lao động trong độ tuổi có việc làm thường xuyên…Với những thành tích đã đạt được, dự kiến trong tháng 6 năm 2015, xã sẽ cán đích 19 trên 19 tiêu chí và được công nhận là xã nông thôn mới của huyện Đăk Tô. Ông A Chiến  – Chủ tịch UBND xã Tân Cảnh, huyện Đăk Tô cho biết: Năm 2014 xã đã rà soát những tiêu chí chưa đạt để phấn đấu, còn những tiêu chí đã đạt thì cố gắng giữ và xây dựng cho nó bền vững. Vì như vậy nên trong năm 2014 về giao thông nông thôn qua các chương trình và dự án của tỉnh như 1091 và 991 thì xã đã triển khai làm đường giao thông nông thôn và đặc biệt là đường ngõ xóm để đạt theo tỉ lệ mà tiêu chí quy định. Vấn đề thứ 2 cuối năm cấp trên xem xét xã để xã phấn đấu trong 6 tháng đầu năm đạt toàn bộ 19 tiêu chí, trong quá trình đó, xã tập trung xây dựng kế hoạch, xây dựng dự toán, rà soát các tiêu chí để thực hiện. Hiện nay xã đang tập trung còn 2 tiêu chí chính đó là tiêu chí về xóa nhà tạm và giao thông nông thôn.

 Trong lúc việc thực hiện các tiêu chí về cơ sở hạ tầng được triển khai một cách khá đồng bộ ở các địa phương thì tiêu chí số 17 – tiêu chí về môi trường trong xây dựng nông thôn mới lại là điều lo ngại của nhiều xã xây dựng nông thôn mới. Sự lo ngại này bắt nguồn từ thói quen, tập quán sử dụng nước giọt, nhà vệ sinh tạm của người dân nông thôn Kon Tum. Tuy nhiên, riêng đối với xã Diên Bình, huyện Đăk Tô, tiêu chí này được thực hiện nhanh, gọn và nhận được sự đồng thuận của đông đảo người dân.  Ngoài việc đảm bảo trên 96% hộ dân được sử dụng nước sạch đảm bảo vệ sinh, xã Diên Bình đã lắp đặt gần 60 thùng rác dọc các tuyến đường nông thôn. Số rác này được công ty Môi trường đô thị thu gom rác theo định kỳ. Còn đối với các hộ ở xa nơi lắp đặt thùng rác, rác thải được xử lý bằng biện pháp đào hố chôn lấp và xử lý bằng hóa chất theo đề án của huyện. Về để thực hiện nghiêm túc tiêu chí này, xã đã thành lập các tổ quản lý môi trường tại các thôn, làng. Đơn cử như thôn 2, xã Diên Bình được lắp đặt 10 thùng rác chỉ đảm bảo thu gom rác thải cho khoảng trên 70 hộ gia đình. Còn lại gần 130 hộ chưa được thu gom rác thải. Để đảm bảo vệ sinh môi trường của thôn, bà Nguyễn Thị Thủy – tổ trưởng tổ vệ sinh môi trường của thôn thường xuyên đến từng gia đình để vận động người dân thu gom rác thải sinh hoạt, phân gia súc và cấp hóa chất xử lý mùi như thế này. Theo chia sẻ của bà, để người dân nghe, hiểu và giữ gìn vệ sinh chung cần phải “mưa dầm thấm lâu”. Bà Nguyễn Thị Thủy cho biết thêm: Cùng với các thành viên tổ vệ sinh môi trường, các đoàn thể cùng với cô đi đến vận động từng gia đình, hướng dẫn bà con cào hết rác đổ để hủy chứ đừng đổ lung tung, cô cũng đi vận động từng gia đình bà con, rồi cô cấp thuốc, bà con cũng có 1 số nhận thức người ta đào hố rác được 2 phần, còn lại 1, 2 phần chưa đào họ cào đốt.

          Những hình ảnh vừa qua có thể cho thấy những đổi thay ở vùng nông thôn huyện Đăk Tô nói riêng và tỉnh Kon Tum nói chung. Những đổi thay ấy cũng chính là những kết quả đạt được từ 2 nhiệm vụ trọng tâm được đặt ra trong quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh năm 2014, đó là: Xây dựng đường giao thông nông thôn và kiên cố hóa kênh mương nội đồng. Để thực hiện được điều này, trong năm tỉnh đã ưu tiên nguồn lực để đầu tư hỗ trợ các địa phương triển khai thực hiện, bố trí gần 144,5 tỷ đồng từ nguồn vốn vay ưu đãi, vốn trái phiếu chính phủ, lồng ghép từ chương trình 135 và chương trình 30a để triển khai các nội dung theo cơ chế đặc thù. Ngoài ra việc làm đường giao thông nông thôn hay kiên cố hóa kênh mương theo chương trình nông thôn mới trong năm 2014 cũng có những thay đổi về thủ tục, đó là phải làm theo thiết kế mẫu và thanh toán mẫu, không thuê các đơn vị tư vấn lập dự toán, không thuê tư vấn thiết kế. Việc làm này đã giảm được phần lớn chi phí gián tiếp, tập trung kinh phí vào đầu tư xây dựng. Với sự đầu tư và đổi mới trong chính sách đó, trong năm 2014, toàn tỉnh đã xây dựng được hơn 110km đường giao thông nông thôn, trên 8,5km kênh mương nội đồng, sửa chữa và xây dựng mới 160 nhà văn hóa thôn, 132 sân thể thao thôn…Và sau gần 4 năm thực hiện chương trình nông thôn mới, Kon Tum đã có 3 xã đạt 19 tiêu chí, 14 xã đạt chuẩn từ 11 đến 17 tiêu chí, 51 xã đạt chuẩn từ 5 đến 10 tiêu chí và 18 xã đạt chuẩn dưới 5 tiêu chí.

     Đây là những hình ảnh của buổi thẩm định về 19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới tại xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum. Theo báo cáo của xã và các thành viên trong tổ thẩm định, xã đã đạt được 19/19 tiêu chí về xây dựng nông thôn mới. Trong đó có các tiêu chí nổi bật như xây dựng đường giao thông nông thôn, kiên cố hóa kênh mương nội đồng, trường học, nhà văn hóa… Ngoài các tiêu chí về cơ sở hạ tầng, thu nhập bình quân đầu người của xã cũng liên tục tăng lên, tỉ lệ hộ nghèo giảm xuống. Cụ thể, năm 2011, thu nhập bình quân đầu người cũa xã chỉ đạt cấp xỉ 11 triệu đồng trên năm, tỷ lệ hộ nghèo gần 26,7% thì đến năm 2014, thu nhập bình quân đầu người của xã là trên 22 triệu đồng trên năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn trên 6,7%. Các thành viên tổ thẩm định đã đánh giá cao những nỗ lực của xã  và người dân trong quá trình xây dựng nông thôn mới. Ông Trần Văn Chương – Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, Chánh Văn phòng điều phối Chương trình xây dựng Nông thôn mới tỉnh Kon Tum cho biết:Qua báo cáo của các thành viên tổ thẩm đinh, tôi thấy chúng ta đạt 19/19 tiêu chí đây là một ghi nhận sự quyết tâm chỉ đạo của Đảng ủy, chính quyền địa phương trong thời gian qua. Từ một xã có các tiêu chí thấp, nhưng trong một thời gian ngắn các đồng chí đã đạt 19 tiêu chí. Đây là kết quả mà tôi cho rằng có sự cố gắng rất lớn của Đảng và chính quyền địa phương, các đồng chí có nhiều cách làm, có nhiều sáng kiến huy động được sức dân kết hợp được các nguồn kinh phí hỗ trợ từ TW, tỉnh, thành phố cùng với sự huy động của nhân dân để tham gia xây dựng NTM. Các đồng chí đã phát huy được sự tự chủ của nhân dân, dân làm, dân hưởng mà thực tế chúng ta thấy trong thời gian vừa rồi chúng ta đi kiểm tra, bộ mặt nông thôn của xã Đoàn Kết chúng ta có rất nhiều thay đổi, đường làng ngõ xóm khang trang hơn, sạch đẹp hơn, đời sống nhân dân vui vẻ hơn thấy rõ. Cụ thể hơn là các kết quả các đồng chí đã báo cáo hôm nay, và tôi cho rằng đây cũng là điểm sáng không những của thành phố mà còn của tỉnh nữa. Bởi vì đây là xã thứ 2 của tỉnh đạt 100% các tiêu chí theo quy định.

Phát huy những thành quả đạt được trong năm 2014, Ban Chỉ đạo xây dựng chương trình mục tiêu quốc gia nông thôn mới xác định mục tiêu phấn đấu đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 20% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, và các xã còn lại phấn đấu tăng ít nhất 02 tiêu chí. Đây vừa là thuận lợi, vừa là thách thức đối với các địa phương, bởi trên thực tế, có nhiều tiêu chí xây dựng nông thôn mới tuy đã đạt nhưng chưa thực sự bền vững. Như xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, dù đã được công nhận đạt 19 tiêu chí, nhưng bên cạnh đó vẫn còn không ít những lo ngại. Ông Hồ Văn Đà – Phó Chủ tịch UBND thành phố Kon Tum cho biết: Cái lo nhất bây giờ là cái bảo hiểm y tế theo cái mới của Thủ tướng chính phủ ký, cái này không được xã khó khăn, mà xã không khó khăn thì người đồng bào không được. Bây giờ thế nào, bây giờ không cho như thế thì chúng ta phải đổi cách mua bảo hiểm, ai phải thực hiện? Ngày xưa cho hết cán bộ bảo hiểm chúng ta ngồi ở thành phố chúng ta tự nhiên được hưởng, chuyển tiền qua lại bằng tài khoản, bây giờ phải xuống dân, giờ đề nghị bảo hiểm y tế phải làm thế nào đó để cùng cái chung của tỉnh, cùng cái chung của dân chứ không thể làm theo cách cũ được.

Ngoài ra cũng có những tiêu chí rất khó để áp dụng vào thực tế. Đơn cử như tại xã Diên Bình, huyện Đăk Tô hiện có gần 40km đường vào khu sản xuất, và nếu để cứng hóa toàn bộ các tuyến đường này thì cần một số kinh phí rất lớn, mà cả địa phương và người dân đều không thể đáp ứng. Đây là tuyến đường vào khu sản xuất rộng trên 500ha của người dân thôn Đăk Kang, xã Diên Bình. Dù là tuyến đường vận chuyển nông sản huyết mạch, nhưng do không đủ kinh phí nên vẫn trong tình trạng như thế này. Ông Phạm Xuân Luận – Chủ tịch UBND xã Diên Bình, huyện Đăk Tô cho biết thêm: Đường trục chính nội đồng là một trong những tiêu chí hết sức khó, bởi vì đối với vùng Tây Nguyên thì không thể so sánh với vùng đồng bằng được, người ta đường trục chính nội đồng ít thì người ta sẽ cứng hóa được theo thông tư 41 của bộ Nông nghiệp, còn đối với vùng Tây Nguyên, đối với xã hiện nay nếu cứng hóa đường vào trục chính nội đồng thì hết sức là khó, bởi vì đường trục chính nội đồng rất lớn, rất nhiều nên vừa rồi xã cũng có ý kiến với tỉnh xem xét lại nội dung và quy định về tiêu chí này.

Mùa xuân này là mùa xuân thứ 4, chương trình MTQG xây dựng NTM tiếp tục được thực hiện tại Kon Tum. Dẫu còn nhiều khó khăn, thách thức phía trước nhưng với những kết quả đã đạt được, đặc biệt với sự đồng hành tích cực của nhân dân, với những nỗ lực của tỉnh, vững tin rằng trong năm 2015, diện mạo nông thôn Kon Tum sẽ còn nhiều thay đổi, khởi sắc./.

Linh Thủy – Duy Vĩ

 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *