(kontumtv.vn) – Truyền thống tiên phong của ngành bưu điện, bây giờ là ngành thông tin và truyền thông (TT&TT) phải được phát huy mạnh mẽ hơn nữa để xứng đáng là ngành luôn đi đầu đổi mới và thực chất.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh truyền thống tiên phong đối mới của ngành bưu điện trước đây,

bây giờ là ngành thông tin và truyền thông. Ảnh: VGP/Đình Nam

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh mong muốn này trong phát biểu tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ năm 2017 của Bộ TT&TT, ngày 23/12.

Báo cáo tại Hội nghị cho thấy, trong năm 2016, Bộ TT&TT đã nghiêm túc, tích cực triển khai thực hiện chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, sự chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ; chỉ đạo quyết liệt trong công tác quản lý nhà nước với tinh thần “Vì một Chính phủ kiến tạo phát triển, liêm chính, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân”…

Tổng doanh thu phát sinh toàn ngành năm 2016 ước đạt 1.337.857 tỷ đồng (ước tốc độ tăng trưởng đạt 9,36% so với năm 2015, cao hơn so với mục tiêu tăng GDP cả nước năm 2016 là 6,7%). Tổng nộp ngân sách nhà nước toàn ngành ước đạt 145.915 tỷ đồng (ước đạt 109,06% so với kế hoạch năm) và đóng góp khoảng 14,38% vào tổng thu cân đối ngân sách nhà nước năm 2016.

Năm 2016, công tác quản lý nhà nước của ngành TT&TT đã được triển khai tốt trên tất cả các mặt, tỉ trọng đóng góp vào ngân sách lớn, chất lượng báo chí có bước đổi mới.

Tiên phong trước hết về con người

Qua tham luận của Sở TT&TT các địa phương, Phó Thủ tướng cho rằng công tác chỉ đạo, điều hành của Bộ TT&TT đã kế thừa và có bước phát triển rất tốt, thể hiện ở hai điểm nổi bật: Tốc độ tăng trưởng toàn ngành đạt 9,3%, cao gấp rưỡi tốc độ tăng GDP của cả nước; kỷ cương, kỷ luật trong lĩnh vực báo chí được chấn chỉnh để báo chí tiếp tục phát huy mặt mạnh, phát triển tốt hơn, có bước đổi mới về chất lượng.

Đánh giá về những kết quả của ngành TT&TT trong năm 2016, Phó Thủ tướng nhấn mạnh đến sự tiếp nối của truyền thống “tiên phong đổi mới” của ngành bưu điện trước đây và bây giờ là ngành TT&TT.

Theo Phó Thủ tướng, do đặc tính của ngành bưu điện  và các công nghệ khoa học, quản trị liên quan nên dù ở thời kỳ nào, nếu không cả ngành thì cũng có một vài lĩnh vực trong ngành luôn tiên phong, đi đầu. Không chỉ trong đổi mới mà ngay cả trong chiến tranh, ngành bưu điện cũng tìm mọi cách sáng tạo, thử nghiệm để hoàn thành nhiệm vụ.

Ngay trong năm 2016, số liệu tăng trưởng của các lĩnh vực như viễn thông (7,5%), CNTT (10%), bưu chính (12%) càng cho thấy rõ “phẩm chất” của ngành bưu điện vẫn là tiên phong, kể cả khi yếu tố đi đầu về công nghệ không được đậm nét.

Tốc độ tăng trưởng của bưu chính là kết quả của sự đổi mới liên tục những năm qua, đặc biệt trong năm 2016 với việc cung cấp dịch vụ tiếp nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính qua dịch vụ bưu chính công ích.

“Đây là nỗ lực chuẩn bị rất lớn của anh em trong ngành và các cơ quan hữu quan. Và là cơ hội để đổi mới hình ảnh, vai trò gắn liền với hệ thống chính trị của ngành bưu chính nói riêng và bây giờ là ngành TT&TT”, Phó Thủ tướng nói.

Không chỉ vậy, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đánh giá, thời gian vừa qua lĩnh vực báo chí thể hiện ngày càng rõ vai trò phản ánh, đi trước dư luận một bước nhằm định hướng dư luận trước những vấn đề cần đổi mới.

Theo Phó Thủ tướng, đất nước phải đổi mới, làm những việc mà trước đây không có. Nếu vai trò định  hướng trước các chủ trương đổi mới làm không tốt thì chính sách có khi tốt nhưng có thể thực hiện không tốt.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 6 tập thể thuộc Bộ TT&TT. Ảnh: VGP/Đình Nam

Đất nước phải có ngành mở đường

Nhắc lại thời kỳ ngành viễn thông Việt Nam từng dẫn đầu khu vực trong phát triển mạng di động công nghệ 2G nhưng bắt đầu chững lại khi triển khai công nghệ 3G và ở tốp sau về công nghệ 4G, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam mong muốn các DN viễn thông phải ý thức mạnh mẽ để bứt lên, đi trước mở đường chứ không chỉ tính đến hiệu quả của riêng đơn vị mình.

Cùng với đó, các Sở TT&TT cần chủ động, sáng tạo, đưa ra những sáng kiến về ứng dụng CNTT đi trước một bước trong giải quyết các vấn đề của địa phương thì mới thể hiện được tính tiên phong, đổi mới.

“Trong phát triển Chính phủ điện tử càng rõ vai trò tiên phong của CNTT. Một ví dụ nhỏ là chúng ta không thể cải cách hành chính nếu không ứng dụng CNTT, không cung cấp dịch vụ công trực tuyến, không giảm bớt tiếp xúc giữa người cho và người xin về thủ tục hành chính”, Phó Thủ tướng nêu ví dụ và yêu cầu Bộ TT&TT phải đi đầu trong ứng dụng CNTT, cung cấp dịch vụ công trực tuyến.

“Bộ có 261 dịch vụ công trực tuyến trong đó có 16 dịch vụ được cung cấp ở mức độ 4, cao hơn nhiều so với tỉ lệ trung bình của cả nước (hiện là 0,9%) nhưng đối với một bộ chuyên về CNTT thì chưa thể biểu dương được”, Phó Thủ tướng nói và cho rằng đẩy mạnh cung cấp dịch vụ công trực tuyến, xây dựng Chính phủ điện tử cùng với phát huy vai trò báo chí trong chống tiêu cực, tham nhũng sẽ góp phần thực hiện thông điệp “Chính phủ kiến tạo, liêm chính, hành động”.

Khẳng định với CNTT, viễn thông, tính tiên phong gần như thường trực từ trước tới nay, song Phó Thủ tướng cũng lưu ý ngành TT&TT phải kiên quyết đi vào các giải pháp cụ thể để những chỉ tiêu có những tiến bộ thực chất.

Không chỉ là các chương trình, kế hoạch mà ngay từ văn bản quy định cơ chế, chính sách cũng cần có sự đóng góp ý kiến của các hiệp hội, DN thay vì “cứ ban hành nhưng không thực hiện được”.

Trong Nghị quyết 19 về đổi mới môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, Phó Thủ tướng đề nghị Bộ TT&TT phải xác định rõ nhiệm vụ, chỉ tiêu thuộc về trách nhiệm của mình, lộ trình thực hiện cụ thể.

Hay trong chỉ tiêu đến năm 2020 cả nước có 1 triệu DN, ngành TT&TT cần xác định trong đó có bao nhiêu DN khởi nghiệp sáng tạo (Start-up).

“Tỉ lệ 5% hay 10% thì cần tính toán tiếp nhưng chắc chắn phải có chương trình hỗ trợ cộng đồng DN này, phần lớn liên quan đến CNTT, được sử dụng hạ tầng CNTT thuận tiện nhất, cho phép các DN CNTT lớn lập quỹ đầu tư cho DN Start-up”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng lưu ý ngành TT&TT, các DN CNTT, viễn thông cần đi đầu nghiên cứu đầy đủ, hiểu đúng bản chất những đặc trưng, tác động lớn… của “cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư” để tận dụng, nắm bắt cơ hội. Đặc biệt cần kiện toàn, phát triển mạnh về hạ tầng CNTT, nguồn nhân lực, công nghệ…

“Ngành TT&TT có vai trò tiên phong và thực chất để giúp Chính phủ thực hiện những thông điệp hành động. Với truyền thống rất quý báu, được tiếp cận nhiều về công nghệ, thêm phần báo chí, thông tin, định hướng tư tưởng, tôi tin rằng ngành TT&TT sẽ hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao”, Phó Thủ tướng nói.

Cũng tại Hội nghị, thay mặt Chính phủ, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã trao Cờ thi đua của Chính phủ cho 6 tập thể thuộc Bộ TT&TT: Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử, Cục Bưu điện Trung ương, Vụ Kế hoạch-Tài chính, Thanh tra Bộ, Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông và Nhà xuất bản TT&TT.

Đình Nam/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *