(kontmtv.vn) – Tái canh cây cà phê là chủ trương lớn đã và đang được các cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh Kon Tum quan tâm chỉ đạo thực hiện. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện nay việc tái canh cây cà phê ở các địa phương vẫn còn đạt thấp so với kế hoạch.

Vườn cà phê già cỗi
Vườn cà phê già cỗi

Ông Cao Quảng Lộc (thôn 5, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà) trồng 1 ha cà phê từ năm 1989. Khoảng 3 năm nay, bình quân mỗi năm ông chỉ thu hoạch được khoảng 10 tấn quả tươi/năm. Năng suất  vườn cây đã giảm, song vì không có vốn để lấy ngắn nuôi dài nên ông chưa thực hiện tái canh. Theo dự tính của ông, thực hiện tái canh, 1 ha cần phải đầu tư từ 180 đến 200 triệu đồng, trong khi đó Ngân hàng NN&PTNT chỉ cho vay theo chương trình hỗ trợ tái canh cây cà phê là 150 triệu đồng/ha. Nếu thực hiện tái canh ông phải vay mượn đầu tư thêm từ 30 đến 50 đồng. Do vậy đến nay, ông vẫn chưa làm thủ tục vay vốn để tái canh  vườn cà phê. Ông Lộc nói: “Trong quá trình chăm sóc đến 3 năm sau mới có sản phẩm thu nhập, thành thử cũng xin vay số vốn lớn một tí để về đầu tư mình đỡ vay ngoài. Mình ra đại lý có tiền mình mua phân  bón thì đỡ hơn chứ tiền lãi cao quá”.

Không chỉ định mức cho vay thấp hơn so với suất đầu tư thực tế, mà nguồn vốn cho vay tái canh cà phê còn được giải ngân theo từng giai đoạn. Chính điều này đã làm cho người dân không muốn tiếp cận với nguồn vốn hỗ trợ tái canh cây cà phê, mặc dù người dân được ưu đãi về lãi suất.

Với những quy định cho vay tái canh cây cà phê như hiện nay, không chỉ hộ cá thể mà các doanh nghiệp cũng gặp khó khăn. Vì các doanh nghiệp cần nguồn vốn khá lớn để thực hiện tái canh. Ông Vũ Văn Lăng, Trưởng phòng Nông nghiệp, Công ty Cà phê 704 nói: “Hiện tại thì về phía Công ty có khoảng 151 ha cà phê trồng tại khu vực Đăk Hà từ 1983,1984, hiện tại cà phê cũng đang già cỗi và Công ty cũng có lộ trình tái canh cây cà phê. Dự kiến nguồn vốn đầu tư cho 1 ha cà phê tái canh thì khoảng 236 triệu đồng, mà phía ngân hàng cho vay theo chương trình tái canh là 150 triệu, còn lại là vốn đối ứng của Công ty”.

Chương trình vốn vay hỗ trợ tái canh cây cà phê là một chính sách ưu đãi tích cực, song thực tế này cho thấy, người dân cũng như doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Kon Tum chưa thực sự hưởng lợi từ chương trình của ưu đãi này.                      

 Thanh Tùng – Thanh Hà – Công Luận

                                        

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *