(kontumtv.vn) – Sáng 27/11, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum Lê Ngọc Tuấn chủ trì Hội thảo lấy ý kiến Đề án điều chỉnh xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực tỉnh đến năm 2020, định hướng đến năm 2025.

HOI THAO DE AN DIEU CHINH XAY DUNG, PHAT TRIEN....

Tham dự Hội thảo có PGS. TS Trần Đình Thiên – Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam, thành viên tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ và tổ làm việc của Trung tâm Tư vấn – Nghiên cứu phát triển miền Trung; lãnh đạo sở, ngành, các huyện và thành phố của tỉnh.

Theo Đề án xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực của tỉnh đến năm 2020, định hướng năm 2025, tỉnh Kon Tum đầu tư phát triển 3 ngành, cụm ngành kinh tế mũi nhọn và 8 sản phẩm chủ lực. 3 ngành, cụm ngành kinh tế mũi nhọn gồm ngành nông – lâm nghiệp và công nghiệp chế biến; ngành du lịch và các dịch vụ liên quan; ngành sản xuất, truyền tải và phân phối điện. 8 sản phẩm chủ lực gồm sắn và các sản phấm chế biến từ sắn; sản phẩm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao; cao su và các sản phẩm chế biến từ cao su; cà phê và các sản phẩm chế biến từ cà phê; sâm Ngọc Linh, các sản phẩm chế biến từ sâm Ngọc Linh và các loại dược liệu; gỗ và các sản phẩm từ gỗ; điện; du lịch sinh thái Măng Đen. Trong đó, tỉnh chú trọng phát triển nhanh chóng mà bền vững đối với 2 ngành, cụm ngành là nông – lâm, công nghiệp chế biến tương ứng và du lịch, các dịch vụ liên quan đồng thời đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo môi trường thuận lợi thu hút doanh nghiệp. Phấn đấu đến 2020, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) tỉnh Kon Tum đạt khoảng 32.900 tỷ đồng; trong đó, các ngành kinh tế mũi nhọn đóng góp khoảng 40 – 44% trong cơ cấu tổng sản phẩm; đến năm 2025 nâng tỷ lệ đóng góp lên khoảng 45 – 48% trong cơ cấu kinh tế chung.

Tại Hội thảo, đại diện các sở, ngành đề xuất sâm Ngọc Linh là cây dược liệu, vì vậy có thể quy hoạch vào kế hoạch phát triển nhóm sản phẩm chủ lực cây dược liệu và các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu; đề nghị nghiên cứu bổ sung cây mía và các sản phẩm chế biến từ mía vào định hướng sản phẩm chủ lực của tỉnh trong thời gian tới; cần quan tâm hơn về vấn đề bảo vệ rừng, môi trường sinh thái và biến đổi khí hậu gắn với kế hoạch rà soát, bổ sung quy hoạch các thủy điện vừa và nhỏ tại tỉnh.

Kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Ngọc Tuấn tiếp thu các ý kiến đóng góp và chỉ đạo tiếp tục nghiên cứu, đề xuất hoàn thiện Đề án xây dựng, phát triển các ngành kinh tế mũi nhọn và sản phẩm chủ lực tỉnh đến năm 2020, định hướng năm 2025, nhằm tạo định hướng chiến lược quan trọng phát triển kinh tế tỉnh Kon Tum, góp phần phát huy lợi thế cạnh tranh của các nhóm ngành, lĩnh vực, vùng kinh tế động lực và các địa phương trên địa bàn toàn tỉnh. 

Hà My – Tấn Thành

                                                                                        

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *