(kontumtv.vn) – 60 năm đã đi qua kể từ chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, nhưng trong ký ức của những người từng “khoét núi, ngủ hầm, mưa dầm, cơm vắt” thì vẫn còn đậm nét dấu ấn về cuộc trường chinh gian khổ, anh dũng. Với ông Đặng Hồng Điều – Chủ tịch Hội Cựu Thanh niên xung phong huyện Ngọc Hồi, người chiến sĩ Điện Biên năm xưa được góp sức phục vụ chiến dịch, là  kỷ niệm không quên.

kyucdb

Các Cựu thanh niên xung phong gặp nhau ôn lại kỷ niệm xưa.

Ông Đặng Hồng Điều sinh năm 1930 ở Lương Phong, Hiệp Hòa, Bắc  Giang. Đi thanh niên xung phong đầu tháng 2 năm 1951, ông được biên chế vào  Đại đội  231 Thanh niên Xung phong Bắc Giang, phục vụ vận chuyển hàng hóa được Việt Nam tiếp nhận viện trợ từ các nước xã hội chủ nghĩa cho chiến dịch Điện Biên Phủ. Đó là giai đoạn sau chiến dịch Trần Hưng Đạo, quân ta tích cực chuẩn bị cho chiến dịch Hoàng Hoa Thám với phương châm “đánh điểm diệt viện”, tập trung tiêu diệt sinh lực địch đồng thời phát triển chiến tranh du kích. Chiến trường gian khổ, ác liệt, là thử thách không chỉ với các anh bộ đội hành quân, kéo pháo … Đêm ngày xuyên rừng, trèo đèo, lội suối để vận lương, tải đạn, những người thanh niên xung phong thầm lặng  đã làm nên kỳ tích phục vụ  cuộc kháng chiến anh dũng. Sau gần hai năm vận chuyển hàng viện trợ, cuối năm 1953, ông Đặng Hồng Điều được chuyển sang Đội 40 thuộc lực lượng TNXP của Trung ương, trực tiếp phục vụ các  đơn vị bộ đội đóng quân tại khu vực biên giới Nghệ An đảm nhận nhiệm vụ đánh chặn không cho lực lượng địch vào Điện Biên Phủ qua đường biên giới. Ông nhớ lại: Có kỷ niệm sâu sắc nhất là trên đường đi Điện Biên Phủ, khi đến đèo Pha Đin, đêm tối tất cả đơn vị ngủ ở đấy, giời rét quá nên phải đốt lửa. Thế là trâu trên rừng nó cũng lao vào, nằm theo xung quanh. Sau hổ nó thấy có lửa cũng đến, nó đuổi trâu, tý nữa nó xéo chết chúng tôi.

Trực tiếp phục vụ chiến dịch ở khu vực biên giới Việt- Lào, ông Điều và đồng đội  TNXP ở đội 40 ngày ấy không  thể nào quên: Vác thương binh, liệt sĩ ở trong mặt trận ra, lúc bấy giờ chỉ có một lòng thương đồng đội thôi chứ máu mủ, rồi da người…các thứ này khác, không sợ sệt gì cả. Đồng chí, đồng đội, anh em bộ đội là mình vác ra giao cho bên y tế để họ chăm sóc. Đối với anh em liệt sĩ thì đem ra để chôn cất. Không chôn trong mặt trận mà đưa ra ngoài mặt trận một đoạn xa rồi lúc bấy giờ mới chôn anh em.

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông Điều chuyển sang công trường 111 Sơn La (Lai Châu), vào lực lượng TNXP làm đường. Thực tế được thử thách, rèn luyện trong những năm tháng phục vụ chiến dịch Điện Biên Phủ giúp ông tiếp tục hoàn thành nhiệm vụ trong môi trường công tác mới. Ông kể:  TNXP chúng tôi cũng vất vả không kém gì bộ đội. Tôi coi TNXP như bộ đội vì TNXP cũng vất vả như anh bộ đội Cụ Hồ. Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã nói về TNXP chúng tôi lúc bấy giờ như thế. Và chúng tôi cũng rất tự hào là gian nan, vất vả một thời để góp công, góp sức cho dân tộc ta được thống nhất đất nước như ngày nay. Đó là niềm tự hào của lực lượng TNXP Việt Nam và của thế hệ chúng tôi lúc bấy giờ, để lưu truyền mãi mãi cho con cháu, thế hệ trẻ ngày nay vươn lên phấn đấu xây dựng nước nhà, làm sao cho bằng bốn bể năm châu.

Niềm tự hào của cựu TNXP Đặng Hồng Điều, niềm tự hào của cả thế hệ chiến sĩ Điện Biên năm xưa cũng chính là niềm tự hào của dân tộc Việt Nam thời đại Hồ Chí Minh. Niềm tự hào ấy càng  trở thành sức mạnh nội lực  to lớn được phát huy trong công cuộc xây dựng đất nước hội nhập và phát triển hiện nay.

 

                                                                                         Nghĩa Hà – Ngọc Chí   

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *