(kontumtv.vn) – Giữ vững vị trí nước sản xuất và xuất khẩu cà phê nhân thứ 2 thế giới, nâng kim ngạch xuất khẩu trên 6 tỷ USD đến năm 2030 đó là mục tiêu Việt Nam đặt ra cho ngành cà phê trong những năm tới. Để đạt mục tiêu trên, theo các tổ chức, hiệp hội cà phê quốc tế, Việt Nam nói chung và tỉnh Đắk Nông nói riêng cần tăng cường chế biến sâu cà phê, lấy người trồng làm trung tâm để phát triển cà phê bền vững.

Mỗi năm, Việt Nam đang xuất khẩu trên 1,7 triệu tấn cà phê đến 90 nước trên thế giới. Trong thời gian ngắn, Việt Nam đã nhanh chóng củng cố vị thế là một nhà sản xuất, xuất khẩu cà phê đứng thứ 2 thế giới. Sự phát triển vượt bậc của ngành cà phê Việt Nam là một trong câu chuyện thành công ấn tượng trong ngành cà phê những năm qua. Đó là chia sẽ của ông Jose Sette- Tổng giám đốc tổ chức cà phê quốc tế tại Hội thảo phát triển bền vững ngành cà phê Việt Nam tại Đắk Nông vừa qua. Ông Jose Sette cũng đánh giá cao những mô hình liên kết phát triển cà phê bền vững như HTX Nông nghiệp Công Bằng Thuận An. Với việc tái canh đưa giống cà phê mới vào sản xuất, áp dụng phương pháp tưới tiết kiệm, chế biến ướt đã góp phần nâng cao năng suất, chất lượng cà phê. Ông Jose Sette, Tổng giám đốc Tổ chức Cà phê quốc tế nói: “Việt Nam 30 năm trước là một nhà sản xuất nhỏ và hiện tại là nhà sản xuất lớn thứ 2 thế giới. Thế giới cần học hỏi thêm từ Việt Nam và Việt Nam cần thể hiện nhiều hơn cho thế giới thấy. Tôi nghĩ một trong những hướng quan trọng để nâng giá lên là tăng cường tiêu thụ nội địa tại Việt Nam, tăng nhu cầu của người tiêu dùng nội địa. Trong chuyến đi tới Việt Nam, tôi thấy nhu cầu cà phê của Việt Nam tăng đáng kể”.

XAY DUNG THUONG HIEU CA PHE TU THACH THUC

Theo Tổ chức Cà phê quốc tế và các chuyên gia cà phê nước ngoài, mặc dù là quốc gia xuất khẩu cà phê lớn thứ 2 thế giới, tuy nhiên Việt Nam chủ yếu xuất khẩu cà phê Robusta, một dạng cà phê có tiêu chuẩn thấp hơn cà phê Arabica mà các nước châu Âu thường sử dụng. Cà phê Robusta chủ yếu dùng để chế biến cà phê hòa tan. Vì vậy, muốn nâng cao giá trị, Việt Nam cần chú trọng về nguồn giống, xử lý sau thu hoạch và tăng cường chế biến sâu; từng bước hình thành và phát triển lớn mạnh cà phê hòa tan để giới thiệu ra thế giới. Ông Victor Mah, Chủ tịch Hiệp hội Cà phê Đông Nam Á nhận xét: “Mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu cà phê lớn nhưng vấn đề lớn nhất mà Việt Nam mắc phải là vấn đề chất lượng chưa được cao. Để nâng cao chất lượng trong chuỗi giá trị thì mình cần phải phát triển thêm các loại cà phê hòa tan để kết nối với các doanh nghiệp khác trên thế giới”.

“Cà phê của Việt Nam  chủ yếu là cà phê Robusta, đây được đánh giá là loại có chất lượng kém hơn 1 chút và thường được sử dụng trong cà phê hòa tan. Vẫn có 1 số cách để làm gia tăng chất lượng cà phê Việt Nam như là tăng cường giống cây trồng, xử lý sau khi thu hoạch. Tuy nhiên, đây là một vấn đề thách thức đối với Việt Nam vì so với các loại khác, cà phê Robusta có nhiều khó khăn hơn”. Ông Jose Sette, Tổng giám đốc Tổ chức Cà phê quốc tế nói.

Riêng Đắk Nông là tỉnh đứng thứ 3 cả nước về xuất khẩu cà phê với sản lượng 350.000 tấn mỗi năm. Tuy nhiên, tỷ lệ cà phê chế biến sâu còn rất khiêm tốn. Tình trạng xuất khẩu thô chiếm đa số, dẫn đến cà phê không có thương hiệu, giá trị thấp. Vì vậy, theo các chuyên gia, doanh nghiệp, Đắk Nông cần quan tâm thu hút các nhà máy, cơ sở để thu mua chế biến cà phê nhân, tạo ra nhiều mặt hàng cà phê chế biến sâu, từ đó làm tăng khả năng cạnh tranh trên thị trường. Ông Đỗ Hà Nam, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Intimex cho biết: “Intimex là một doanh nghiệp đã có nỗ lực đầu tư. Tại Đắk Nông có 2 doanh nghiệp chế biến cà phê nhân tuy nhiên, cái khó là 2 nhà máy chưa lớn so với nhu cầu đặt ra của tỉnh Đắk Nông. Nhưng chúng ta phải hiểu rằng, để đầu tư và phát triển được thì còn có nhiều vấn đề đặt ra như vùng nguyên liệu, khu vực đầu tư, giao thông VT hay các chính sách khác. Trong thời gian tới, với việc cà phê Đắk Nông ngày càng phát triển, chắc chắn không chỉ Intimex mà nhiều doanh nghiệp khác sẽ đến Đắk Nông để đầu tư, xây dựng, phát triển cà phê Đắk Nông ngày một bền vững”.

Cùng với việc cải thiện tỷ lệ chế biến sâu trong ngành cà phê thì biến đổi khí hậu làm năng suất cây trồng giảm, giá cả xuống thấp…cũng là những thách thức đối với ngành cà phê trong thời gian tới. Tuy nhiên với sự quan tâm của ngành Nông nghiệp từ trung ương đến địa phương và chính quyền tỉnh cùng những chính sách đang được triển khai, lợi thế về nguồn nguyên liệu ngày càng chất lượng sẽ là cơ sở để thúc đẩy doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng mở hơn, nhất là thị trường nội địa, để đưa cà phê Việt Nam nói chung và cà phê Đăk Nông nói riêng tạo ra nhiều đột phá mới trong tương lai.

Phan Đông – Xuân Hạnh

Đài PT-TH Đắk Nông

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *