(kontumtv.vn) – Huyện Vĩnh Thạnh, tỉnh Bình Định có độ che phủ rừng cao nhất cả nước với tỉ lệ 76 %. Đây cũng là một trong những địa phương có quy hoạch, chiến lược phát triển lâm nghiệp bài bản cũng như nhiều mô hình bảo vệ rừng phòng hộ hiệu quả nhất trong khu vực. Tuy nhiên, công tác bảo vệ và phát triển rừng ở đây vẫn còn nhiều khó khăn, lỗ hổng cần sớm khắc phục.

Vĩnh Thạnh là huyện miền núi đặc biệt khó khăn của tỉnh Bình Định, với địa hình hiểm trở, nhiều sông suối chia cắt, đất lâm nghiệp lên đến 60.000 ha, chiếm 84% diện tích đất tự nhiên, trong đó có 486 ha rừng đặc dụng 486,42 ha và có tới 35.400 ha rừng phòng hộ. Hiện hơn diện tích lớn rừng phòng hộ của huyện đang được giao cho Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh quản lý, bảo vệ.

Tuần tra bảo vệ rừng
Tuần tra bảo vệ rừng

Trong những năm qua, Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh đã thực hiện nhiều giải pháp bảo vệ rừng, trong đó thực hiện tốt việc giao khoán 21.900 ha, cho 1.800 hộ gia đình bảo vệ, đồng thời lập các chốt trực giữ ở giữa rừng; lực lượng chuyên trách của chủ rừng đã kiên trì bám chốt, bám rừng, nhờ đó công tác bảo vệ rừng đã phát huy hiệu quả cao. Ông Trần Phước Phi, Phó Giám đốc phụ trách BQL rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh nói: “Xây dựng các chốt ở giữa rừng, nhằm sớm phát hiện sớm tiếng máy cửa và diễn biến người đi lại trong rừng để có giải pháp ngăn chặn phá rừng có hiệu quả”.

Từ năm 2017, Ban Quản lý rừng phòng hộ đã xây dựng 3 chốt bảo vệ nằm giữa rừng, thuộc xã Vĩnh Sơn, giáp với ranh giới tỉnh Gia Lai. Qua 2 năm thực hiện công tác bảo vệ rừng, các chốt nay đã phát huy hiệu quả tích cực, tình trạng phá rừng ở đây đã giảm hẳn. Tuy nhiên, bên cạnh việc bảo vệ rừng hiệu quả, thì đời sống của lực lượng bảo vệ rừng ở đây gặp rất nhiều khó khăn, mức lương quá thấp. Anh Đinh Lâm, Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh cho biết: “Tôi làm nghề này đã 5 năm rồi, mức lương chỉ 2,7 triệu; sống xa nhà, công việc rất khó khăn. Tôi yêu ngành nghề này nên bám trụ thôi, chứ mức lương này thì khó khăn quá”.

Mặc dù Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh đã tổ chức nhiều giải pháp nhằm quản lý bảo vệ tốt diện tích rừng được giao, tuy nhiên, với toàn bộ diện tích hơn 35.000 ha rừng có chức năng phòng hộ thì 15 chỉ tiêu biên chế để tổ chức bảo vệ đạt hiệu quả là bài toán rất khó. Ông Lê Văn Đẩu, Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh nói: “Khó khăn này, huyện đã nhiều lần đề nghị tỉnh xem xét bổ sung thêm biên chế, tuy nhiên khó khăn nhân sự chung trong toàn tỉnh nên chưa bố trí nhân sự theo đúng quy định về bảo vệ rừng”.

 “Trong công tác bảo vệ rừng đòi hỏi phải xây dựng các chốt bảo vệ ở giữa rừng, nhưng hiện nay do thiếu kinh phí, về lực lượng con người chưa đáp ứng được vì vậy còn nhiều lỗ hổng trong công tác quản lý bảo vệ rừng”. Ông Trần Phước Phi, Phó Giám đốc phụ trách BQL rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh cho biết.

Thời gian qua ở đây cũng đã xảy ra một số vụ phá rừng phòng hộ mà lực lượng bảo vệ rừng không kiểm soát được.  Hiện Ban Quản lý rừng phòng hộ Vĩnh Thạnh đang xây dựng đề án chuyển đổi quy hoạch rừng phòng hộ lên rừng đặc dụng, từ đó có những cơ chế, chính sách để thành lập Ban Quản lý rừng đặc dụng thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng đạt hiệu quả hơn.

Theo TTXVN

                                                                                                      

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *