(kontumtv.vn) – Theo BS Võ Văn Thanh, PGĐ Sở Y tế tỉnh Kon Tum, bệnh bạch hầu còn xuất hiện rải rác trên địa bản tỉnh, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa.

Những năm gần đây, tại tỉnh Kon Tum, dịch bệnh bạch hầu diễn biến rất phức tạp. Trong 3 năm: 2016, 2018, 2019, địa phương có 17 bệnh nhân mắc bệnh bạch hầu, trong đó 3 trường hợp tử vong. Chỉ từ đầu năm 2020 đến nay, tại tỉnh Kon Tum đã bùng phát 10 ổ dịch với 20 ca bệnh, trong đó có 9 trường hợp người lành mang trùng. Hiện, tại Trung tâm Y tế huyện Đăk Tô và Sa Thầy có 4 bệnh nhân bạch hầu cùng với 9 trường hợp người lành mang trùng đang được theo dõi, điều trị.

Phóng viên VOV có cuộc trao đổi với bác sỹ Võ Văn Thanh, Phó Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kon Tum một số vấn đề về dịch bệnh bạch hầu tại địa phương.

vi sao benh bach hau chua duoc ngan chan mot cach triet de? hinh 1
Bệnh nhân bạch hầu được điều trị tại Trung tâm Y tế huyện Đắk Tô.

PV: Thưa bác sỹ, liên tục trong nhiều năm qua, tại tỉnh Kon Tum xuất hiện ổ dịch bạch hầu. Vậy đâu là nguyên nhân dẫn tới tình trạng này?

 BS Võ Văn Thanh: Hiện nay có một bộ phận khá lớn người dân không thể có miễn dịch đối với bệnh bạch hầu, do trước đây chưa được tiêm chủng vaccine bạch hầu, đặc biệt là những người dân ở vùng xa, vùng khó khăn. Bên cạnh đó, miễn dịch của vaccine bạch hầu có giới hạn duy trì được 10 năm và giảm dần theo thời gian nếu không được tiêm bổ sung; Vì những điều kiện vệ sinh không đảm bảo, ý thức chăm sóc sức khỏe và khả năng tiếp cận các dịch vụ y tế còn hạn chế… làm cho các đối tượng này dễ mắc bệnh hoặc mang mầm bệnh bạch hầu, tạo ổ bệnh trong cộng đồng như hiện nay.

PV: Mặc dù ngành y tế tỉnh Kon Tum đã triển khai, thực hiện nhiều giải pháp khống chế, phòng dịch song vì sao bệnh bạch hầu vẫn chưa được ngăn chặn một cách hiệu quả và triệt để?

 BS Võ Văn Thanh: Qua số liệu các năm chúng ta thấy rằng các ổ dịch bạch hầu trên địa bàn đã được tích cực kiểm soát, khống chế kịp thời và hiệu quả. Tuy nhiên bệnh dịch bạch hầu cũng còn xuất hiện. Thứ nhất do nguồn lực hạn chế nên vấn đề tiêm vaccine phòng chống bệnh còn hạn chế, chưa triển khai được nhiều, rộng rãi, chủ yếu tập trung tại các ổ dịch. Tại một số vùng có nguy cơ chưa có điều kiện tiêm phòng vaccine. Bên cạnh đó trong cộng đồng còn người mang mầm bệnh chưa được phát hiện. Chính vì vậy, bệnh bạch hầu còn xuất hiện rải rác trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.

PV: Được biết những năm trước đây, trong quá trình điều trị cho bệnh nhân bạch hầu, ngành y tế tỉnh Kon Tum không có huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Hiện nay vấn đề này đã được giải quyết thưa bác sỹ?  

 BS Võ Văn Thanh: Năm 2018, Sở Y tế Kon Tum đề nghị Cục Quản lý Dược- Bộ Y tế cung ứng huyết thanh kháng độc tố bạch hầu. Theo đó, Cục Quản lý Dược đã đề nghị Công ty dược phẩm y tế Đức Minh cung cấp nguồn hàng này và hiện nay Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã mua dự trù, đảm bảo cơ số huyết thanh kháng độc tố bạch hầu để điều trị cho bệnh nhân trên địa bàn tỉnh và hiện nay số lượng vẫn đang còn.

PV: Trước sự bùng phát trở lại của bệnh bạch hầu, để khống chế hiệu quả, triệt để căn bệnh nguy hiểm này, ngành y tế tỉnh Kon Tum cần có những biện pháp gì?

BS Võ Văn Thanh: Để kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh bạch hầu trên địa bàn, ngành y tế cần tập trung giám sát chặt chẽ các ổ dịch; phát hiện sớm các trường hợp mắc mới để cách ly sớm kịp thời; điều trị, khoanh vùng, khống chế dịch bệnh không để lan rộng, bùng phát trong cộng đồng.

vi sao benh bach hau chua duoc ngan chan mot cach triet de? hinh 2
Khu vực điều trị bệnh nhân bạch hầu.

Tăng cường công tác tiêm chủng đảm bảo tỷ lệ tiêm vaccine DPT4 cũng như tỷ lệ tiêm chủng đầy đủ cho trẻ em dưới 1 tuổi đạt 95% trở lên.

Tiếp tục đẩy mạnh công tác truyền thông phòng chống bệnh bạch hầu cho cộng đồng, nhất là khuyến cáo của ngành  tế về phòng chống dịch bệnh bạch hầu cũng như là truyền thông về tác dụng và lợi ích tiêm chủng.

Giải pháp căn bản, hiệu quả nhất để ngăn chặn dịch bệnh bạch hầu là triển khai tiêm vaccine Td (vaccine phòng bệnh uốn ván- bạch hầu) cho đối tượng từ 7 tuổi trở lên để tạo miễn dịch cho cộng đồng.

Ngành Y tế tỉnh Kon Tum cũng đề nghị nhất Cục Y tế dự phòng, Viện Vệ sinh Dịch tễ Tây Nguyên quan tâm hỗ trợ vaccine Td và vật tư để triển khai thực hiện. Đề nghị UBND tỉnh quan tâm tạo điều kiện về kinh phí để triển khai tiêm vaccine Td trên diện rộng cho các xã nguy cơ phòng chống dịch bệnh để đảm bảo công tác phòng chống lây lan trong cộng đồng.

PV: Xin cảm ơn bác sĩ!

Khoa Điềm/VOV-Tây Nguyên

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *