(kontumtv.vn) – Phát huy lợi thế về điều kiện tự nhiên và trình độ canh tác, nhiều năm qua, sản xuất cây rau vụ đông đã mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người nông dân huyện Đăk Hà (Kon Tum). Đây là giải pháp linh hoạt và bền vững để đối phó với tình trạng thiếu nước vào mùa khô.

Nhiều năm nay, sau khi thu hoạch lúa vụ mùa, gia đình ông Nguyễn Văn Thọ  (thôn 6, xã Đăk La) chủ động làm đất để xuống giống các loại rau màu ngắn ngày có nhu cầu sử dụng nước ít hơn, phù hợp với thời tiết khô hạn. Theo kinh nghiệm của ông, việc sản xuất rau màu vụ đông hiện nay ngoài việc tận dụng được diện tích đất ruộng lúa một vụ, việc tuân thủ quy trình sản xuất rau an toàn để cung cấp ra thị trường cũng thuận lợi hơn. Vừa đảm bảo được sức khỏe người sản xuất, vừa mang lại nguồn thu nhập cao hơn trồng lúa trên cùng đơn vị diện tích. Ông Nguyễn Văn Thọ chia sẻ: “Hiện giờ các tổ chức họ cũng đưa ra thị trường các loại thuốc sinh học không độc hại, không nguy hiểm cho con người để trị sâu bệnh. Tại vì mình cũng muốn ăn, mình ăn được thì người khác mới ăn được. Còn vấn đề nó tốt, đẹp như thế này không phải vì thuốc kích thích. Mình làm rau màu thì không phụ thuộc vào vấn đề đó. Chỉ cần phụ thuộc vào lớp đất nó ổn định, không bị ngập nước thì lúc nào ta cũng xuống giống được”.

Vụ đông năm nay, trong tổng số 50 ha đất trồng lúa nước bị khô hạn, người dân trên địa bàn xã Đăk La đã chủ động chuyển đổi sang trồng rau màu vụ đông – xuân 10 ha tại các thôn 2, 6 và 7 với các loại như bí đỏ, khổ qua, ớt, dưa leo… Bên cạnh tận dụng triệt để nguồn nước từ các suối, các ao, hồ tự nhiên các nhà vườn đầu tư hệ thống tưới nước tiết kiệm nhằm giảm chi phí sản xuất, vừa chủ động hơn trong công tác quản lý, điều tiết nguồn nước tưới. Công tác bảo vệ môi trường, sản xuất nông nghiệp hữu cơ cũng được người dân chú trọng hơn trước. Ông Đào Thọ Trường, Chủ tịch Hội Nông dân xã Đăk La, huyện Đăk Hà cho biết: “Một số diện tích khô hạn, thiếu nước không có khả năng sản xuất lúa thì xã cũng đã vận động nhân dân chuyển đổi sang trồng các loại cây rau màu vụ đông – xuân. Vận động bà con đảm bảo các yếu tố môi trường, yếu tố về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông nghiệp. Để i khi xuất ra thị trường thì hầu như khách hàng họ tin tưởng, họ tìm đến mua sản phẩm với cái giá thành cao hơn thị trường”.

Tại tổ hợp tác Sản xuất rau an toàn thị trấn Đăk Hà thực hiện các cam kết theo quy định, mỗi thành viên ngoài việc chủ động chuyển đổi cơ cấu theo mùa vụ, đảm bảo tính đa dạng của sản phẩm rau màu, việc tuân thủ các quy trình sản xuất an toàn cũng được các tổ viên nghiêm túc chấp hành. Với tổng diện tích trên 15 ha chuyên canh các loại rau màu, sản phẩm của tổ hợp tác không chỉ cung ứng đủ nhu cầu tiêu thụ trong huyện mà còn được các đầu mối từ các huyện khác tin tưởng lựa chọn. Ông Nguyễn Quốc Quang, thành viên tổ hợp tác này cho biết: “Nói chung ý thức bà con thì từ lâu rồi, người ta phải đặt yếu tố sức khỏe của người tiêu dùng và sức khỏe của người sản xuất lên hàng đầu, vì nếu như anh sử dụng các loại thuốc độc hại thì người sản xuất phải chịu ảnh hưởng đầu tiên. Và không phải làm mọi giá để đạt được cái gì mình muốn mà bắt buộc phải xác định đã làm là phải làm theo đúng cái cam kết ban đầu. Là sản xuất vì sức khỏe bà con, vì sức khỏe của người tiêu dùng”.

Trong vụ đông – xuân năm nay, huyện Đăk Hà thực hiện chuyển đổi trên 200 ha đất có khả năng khô hạn sang trồng các loại cây ngắn ngày gồm bắp, đậu, khoai lang, rau màu các loại và hoa phục vụ thị trường Tết Nguyên đán. Việc linh hoạt chuyển đổi cơ cấu sang các loại cây trồng ngắn ngày, gắn với sản xuất theo hướng an toàn sinh học đã tạo ra hướng đi ổn định và an toàn hơn cho người nông dân.

                                           CTV Trọng Nghĩa

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *