(kontumtv.vn) –  Sự kiện Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình – Hà Nội vào ngày 2/9/1945 không chỉ là mốc son chói lọi, mở ra trang sử mới cho dân tộc Việt Nam mà còn có sức lan tỏa đặc biệt trong phong trào đấu tranh giành độc lập dân tộc, đánh đổ thực dân phong kiến, phát xít trên toàn thế giới.

Trước khởi nghĩa Cách mạng tháng 8/1945, tuy chưa có sự lãnh đạo trực tiếp của Đảng, nhưng trước khí thế hừng hực khởi nghĩa giành chính quyền diễn ra trong cả nước, tình cảm của nhân dân, trí thức và binh lính chế độ cũ được giác ngộ, tiến bộ dành cho Việt Minh ngày càng cao nên Khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh Kon Tum diễn ra thuận lợi. Sáng ngày 28/8/1945, một cuộc mít tinh lớn với quy mô 3.000 người đã diễn ra tại sân vận động thị xã Kon Tum. Tại đây, chính quyền cách mạng tuyên bố xoá bỏ toàn bộ hệ thống chính quyền phong kiến, lập chính quyền cách mạng của nhân dân. Ông Lê Vân, Nguyên Thư Ký Uỷ ban Cách Mạng tỉnh Kon Tum 8/1945 nhớ lại: “Lực lượng nhân dân từ người buôn bán, đến trẻ già đều tham gia hết, không có sự phản đối nào, sự trở ngại nào, mà uỷ ban cướp chính quyền không phải ở Kon Tum mà ở Pleiku người ta lên rồi ở trên đó tự thành lập, các nhà tri thức, yêu nước tự thành lập thôi. Tôi là 3 ông anh đều tham gia hết, 2 ông ở lực lượng vũ trang, một ông làm chính quyền ở tổng, thị xã bấy giờ. Tôi là thanh niên, ông Trần Văn Tường là thầy giáo trước, ông ấy lên làm Phó Chủ tịch rồi kêu tôi đi làm thư ký, tôi đi làm luôn.”

Với cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Tưởng, năm nay 76 tuổi, sự kiện Bác Hồ đọc bản tuyên ngôn độc lập ngày 2 tháng 9 năm 1945 có ý nghĩa hết sức thiêng liêng. Đó là thời điểm ông trở thành công dân của nước Việt Nam tự do, độc lập, có quyền bình đẳng như mọi quốc gia trên thế giới. Bản thân ông tự hào vì đã cống hiến tuổi thanh xuân, không tiếc xương máu, góp phần vào công cuộc đấu tranh, giải phóng đất nước, giành độc lập, tự do cho dân tộc theo con đường mà Đảng, Bác Hồ, nhân dân Việt Nam lựa chọn. Cựu chiến binh Nguyễn Mạnh Tưởng chia sẻ: “Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập, chúng tôi là công dân được sống trong điều kiện hòa bình, độc lập, tự do, rất là sung sướng, được Đảng Nhà nước giáo dục, rèn luyện, sau đến 1968 thì cũng vào Nam chiến đấu. Chiến tranh nói chung gian khổ nhưng thực tế là rất tự hào, rất tin tưởng đường lối chủ trương của Đảng, Nhà nước, tin tưởng sẽ giành lại độc lập, tự do. Năm 1975 giải phóng chúng tôi sung sướng lắm!”

Đã 76 năm trôi qua, thế hệ công dân đầu tiên sau ngày đất nước độc lập giờ đã lớn tuổi. Quê hương, đất nước Việt Nam có được vị thế và cơ đồ như hôm nay càng tôn thêm ý nghĩa lịch sử, tinh thần Cách mạng Tháng 8 và Quốc khánh 2/9/1945. Đây là ngọn đuốc soi đường, là kim chỉ nam cho thế hệ hôm nay rèn luyện, phấn đấu. Chị Huỳnh Thị Ly Ly, Bí thư Đoàn phường Quyết Thắng, thành phố Kon Tum bày tỏ quyết tâm: “Ngày Quốc khánh 2/9 là thành quả của cả dân tộc Việt Nam chúng ta. Là thế hệ trẻ thì chúng tôi nghĩ rằng phải kế thừa và phát huy thành quả của ông cha ta để lại để xứng đáng với sự hy sinh của các thế hệ đi trước dành cho chúng ta ngày hôm nay. Chúng tôi nguyện luôn phấn đấu, hết sức, hết lòng, luôn phấn đấu trên mọi lĩnh vực để góp phần xây dựng quê hương, đất nước giàu đẹp.”

Kỷ niệm 76 năm Cách mạng tháng 8 và ngày Quốc khánh 2/9/1945 là dịp để thế hệ hôm nay tri ân thế hệ đi trước đã anh dũng, chiến đấu, hy sinh giành độc lập cho dân tộc, thống nhất đất nước. Đây cũng là dịp để thế hệ hôm nay học tập, tiếp tục vận dụng sáng tạo bài học, tinh thần cách mạng tháng 8 trong xây dựng và bảo vệ đất nước trong tình hình mới, thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch covid-19, vừa phát triển kinh tế gắn với đảm bảo an sinh xã hội.

Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *