(kontumtv.vn) – Liên hoan Diễn xướng dân gian văn hóa các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng lần thứ III năm 2022 sẽ bế mạc vào tối 19/03. Những hoạt động sôi nổi diễn ra trong Liên hoan đã góp phần thắt chặt thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc anh em đến từ nhiều vùng miền trong cả nước.

Trong khuôn khổ 04 ngày diễn ra liên hoan, hơn 600 nghệ nhân đến từ 19 đoàn nghệ thuật của các tỉnh, thành phố trong cả nước đã lao động chăm chỉ, miệt mài, cống hiến đến người xem những tiết mục diễn xướng văn hóa dân gian đặc sắc đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, công phu. Đây cũng là cơ hội để mỗi địa phương, mỗi dân tộc giới thiệu đến công chúng nét văn hóa truyền thống độc đáo, không trộn lẫn. Các tiết mục có sự biên đạo, dàn dựng vừa đảm bảo tính thẩm mỹ, vừa có giá trị nghệ thuật và trên hết, thể hiện được tinh thần chủ đạo “Trường Sơn – Tây Nguyên, đoàn kết, bản sắc và phát triển” cũng chính là chủ đề của Liên hoan diễn xướng dân gian văn hóa năm nay. Chị Nguyễn Thị Tuyết Hạnh thuộc Đoàn nghệ nhân tỉnh Hải Dương phấn khởi nói: “Phải nói là Ban tổ chức tổ chức rất là quy mô. Không những quy mô mà chúng tôi còn được trải nghiệm những văn hóa vùng miền mà nói thực từ trước đến nay chúng tôi cũng chưa được trải nghiệm sâu sắc như thế. Chúng tôi cảm giác như tất cả hòa quện với nhau như là anh em trong một nhà. Thực sự tôi cảm thấy vô cùng ý nghĩa”.

Tham dự Liên hoan lần này, Đoàn nghệ nhân tỉnh Kon Tum có tất cả 100 thành viên. Chuẩn bị chu đáo cho những tiết mục trình diễn tại lễ khai mạc và hội thi xuyên suốt 03 ngày, các nghệ nhân của tỉnh không quản ngại thời gian tập luyện, chỉnh sửa tỉ mỉ từng động tác trong bài múa, bài chiêng. Đối với Liên hoan, nghệ nhân tỉnh Kon Tum mang đến một tâm thế cởi mở, sẵn sàng giao lưu, học hỏi để làm giàu thêm văn hóa truyền thống dân tộc mình. Nghệ nhân A Thuih, đại diện cho dân tộc Ba Nar nhánh Rơ Ngao tham dự Liên hoan này cho biết: “Chúng tôi muốn mang cái văn hóa truyền thống của mình để cho mọi người nhìn thấy được. Nhất là ở tỉnh Kon Tum mình, người Rơ Ngao chưa từng bao giờ lên sân khấu để mà biểu diễn cho các dân tộc khác biết hết. Hôm nay được lên sân khấu giao lưu với các bạn, các tỉnh, chúng tôi rất vui mừng”.

Điểm nhấn của Liên hoan năm nay chính là các phần diễn xướng văn hóa dân gian với nhiều tiết mục đặc sắc như diễu hành nghệ thuật rước biểu tượng vật thiêng, đại diễn tấu cồng chiêng Tây Nguyên, hòa tấu nhạc cụ dân tộc, tái hiện một số nghi thức trong những lễ hội hoặc sinh hoạt thường nhật của các dân tộc khu vực Trường Sơn – Tây Nguyên mở rộng. Có thể nói Liên hoan đã mang đến một bức tranh đa sắc màu, phong phú, vô cùng độc đáo, chuyên biệt trong các nét văn hóa của mỗi dân tộc. Từ những khác biệt đó có sự giao thoa, học hỏi lẫn nhau để cùng tiến bộ. Ông Nguyễn Công Trung – Phó Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhấn mạnh: “Đối với đồng bào dân tộc thì những cái dịp gặp nhau như thế này rất khó. Những dịp như thế này thì họ được trao đổi, được giao lưu, được học lẫn nhau về cách nấu ăn, học lẫn nhau về các hoạt động thể thao. Thông qua hoạt động thể thao là biểu hiện của hoạt động sản xuất. Rồi thông qua trang phục, họ cũng học được nhau như học được cách bảo tồn trang phục”.

Đến hiện tại, Liên hoan đã đi được hơn một nửa chặng đường. Cùng với tập luyện chăm chỉ để tham gia đêm diễn, các đoàn nghệ nhân còn dành nhiều thời gian tham quan, trải nghiệm vùng đất Măng Đen. Đây tiếp tục là cơ hội để các nghệ nhân giao lưu, gặp gỡ và thắt chặt thêm tình đoàn kết, keo sơn./.

Thu Trang – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *