(kontumtv.vn) – Sự kỳ vọng vào chính quyền mới tại miền Đông Ukraine là rất lớn, tuy nhiên bất kể ai giành chiến thắng cũng phải đối mặt với muôn vàn khó khăn.

Miền Đông Ukraine bắt đầu bầu cử (ảnh: EPA)
1. Ngày 2/11, cử tri tại khu vực tuyên bố thành lập “Cộng hòa nhân dân Donetsk” và “Cộng hòa nhân dân Lugansk” ở Ukraine bắt đầu bầu cử lập pháp.

364 điểm bầu cử tại Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng, 90 điểm bầu cử tại Cộng hòa nhân dân Lugansk tự xưng cùng 3 điểm bầu cử tại Nga dành cho những người dân Ukraine sơ tán và 5 điểm bầu cử di động ở Nga đã mở cửa trong cuộc bầu cử nhằm lựa chọn những người đứng đầu chính quyền và cơ quan lập pháp các vùng lãnh thổ ở miền Đông Ukraine này.

Tham gia tranh cử vào vị trí người đứng đầu Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng có 3 ứng cử viên, trong đó có người đứng đầu chính quyền Donetsk Alexander Zakharchenko. Hai phong trào xã hội “Donbass Tự do” và “Cộng hòa Donetsk” tham gia tranh cử vào Hội đồng Nhân dân Cộng hòa nhân dân Donetsk tự xưng.

Uỷ ban bầu cử miền Đông cho biết, dự kiến có khoảng 3 triệu cử tri sẽ đi bỏ phiếu trong cuộc bầu cử lần này, trong đó 2 triệu người sống tại các khu vực do phe đối lập kiểm soát. Cuộc bầu cử tại Donetsk và Lugansk, với sự hiện diện của 51 quan sát viên nước ngoài và hàng trăm phóng viên, diễn ra ngay sau cuộc bầu cử Quốc hội (Verkhovna Rada) Ukraine trước thời hạn.

Cho đến nay, Nga cho biết sẽ công nhận kết quả bầu cử ở miền Đông Ukraine. Trong khi đó, Mỹ và phương Tây, vốn đang áp đặt các lệnh trừng phạt chống lại Nga liên quan đến cuộc khủng hoảng tại Ukraine, đã ủng hộ chính quyền Kiev trong việc lên án cuộc bầu cử ở miền Đông Ukraine là bất hợp pháp.

Dù kết quả cuộc bầu cử này như thế nào (dự kiến kết quả sơ bộ sẽ được công bố sáng mai theo giờ Việt Nam – PV), các chuyên gia vẫn dự đoán rằng, bất kể ai giành chiến thắng tại cuộc bầu cử ở miền Đông Ukraine cũng sẽ phải đối mặt với vô vàn khó khăn trước mắt. ​Bất chấp thỏa thuận ngừng bắn từ đầu tháng 9, chiến sự vẫn chưa ngưng hẳn tại miền Đông Ukraine. Chính vì thế, giải quyết những vấn đề với chính quyền Kiev sẽ là thách thức lớn nhất đối với một Chính phủ non trẻ ở miền Đông Ukraine.

Rõ ràng, cho dù đất nước Ukraine vừa trải qua hai cuộc bầu cử riêng rẽ và đều được cho là có ý nghĩa quan trọng nhưng việc giải quyết ổn thỏa những vấn đề còn tồn tại ở Ukraine để đưa quốc gia Đông Âu này thoát ra khỏi vũng lầy khủng hoảng sẽ là điều hoàn toàn không hề đơn giản. Một tương lai bất định vẫn đang ở trước mắt người dân Ukraine.

Tàu vũ trụ SpaceShipTwo nổ tung trên không (Ảnh RT)
2. Tuần vừa qua có thể là một tuần “đen tối” đối với ngành hàng không vũ trụ Mỹ khi chứng kiến liên tiếp 2 tai nạn hàng không vũ trụ gây thiệt hại đáng kể về vật chất cũng như sẽ là một đòn giáng mạnh vào những kế hoạch chinh phục vũ trụ của nước này.

Đầu tiên phải kể đến là vụ nổ tên lửa đẩy Antares dùng để phóng tàu vũ trụ chở hàng Cynus lên Trạm vũ trụ Quốc tế ISS. Tên lửa đẩy Antares đã phát nổ tối 28/10 sau khi rời bệ phóng ở một đảo phía Đông bang Virgina gây ra một cầu lửa khổng lồ trên không trung.

Antares là tên lửa 14 tầng được Tập đoàn Orbital Sciences thiết kế và là hợp đồng thứ 3 giữa Cơ quan Hàng không Vũ Trụ Quốc gia Mỹ (NASA) với tập đoàn nói trên. Tên lửa này chở theo khoảng 2.200kg hàng hóa cho 6 nhà du hành vũ trụ ở trên trạm ISS.

Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) hiện đang tiến hành điều tra nguyên nhân vụ nổ này.

Tai nạn hàng không vũ trụ thứ 2 của Mỹ là vụ con tàu du lịch vũ trụ của hãng Virgin Galactic có tên SpaceShipTwo đã nổ tung thành nhiều mảnh sau khi tách khỏi chiếc máy bay chở nó ở trên không ngày 31/10.

Vụ nổ đã khiến một phi công đã thiệt mạng khi bị kẹt bên trong tàu trong khi một người khác đã kịp nhảy dù ra ngoài và được đưa đến bệnh viện bằng trực thăng.

Hiện các nhà chức trách Mỹ vẫn đang tiến hành điều tra nguyên nhân nào khiến tên lửa Antares và tàu vũ trụ SpaceShipTwo phát nổ. Tuy nhiên, bất chấp sự cố xảy ra với tàu vũ trụ SpaceShipTwo (SS2) ông Richard Branson, người sáng lập hãng Virgin Galactic LLC, tập đoàn tiên phong cho hoạt động du lịch không gian cho biết sẽ vẫn tiếp tục theo đuổi mục tiêu này.

Ông Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc (Ảnh Reuters)
3. Sau thời gian điều tra, ngày 28/10, Viện Kiểm sát quân sự Trung Quốc đã đưa rakết luận đối với ông Từ Tài Hậu, nguyên Phó Chủ tịch Quân uỷ Trung ương Trung Quốc, đồng thời chuyển hồ sơ để thẩm tra khởi tố.

Kết luận nêu rõ, ông Từ Tài Hậu đã lợi dụng quyền hạn, chức vụ để gây ảnh hưởng hoặc tác động tới người khác nhằm mưu cầu lợi riêng, mua bán chức quyền, trực tiếp hoặc thông qua người nhà nhận hối lộ với số tiền rất lớn. Ông Từ Tài Hậu đã thừa nhận tội danh và không phản đối kết luận này.

Đây là quan chức quân sự cao cấp nhất trong lịch sử Quân Giải phóng nhân dân Trung Quốc bị quyết định khởi tố hình sự.

Các nhà phân tích nwowscs ngoài cho rằng, vụ án Từ Tài Hậu sẽ thể hiện cho dư luận thấy Ban lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc quyết tâm đấu tranh chống tham nhũng, đặc biệt trong quân đội, và khẳng định không một quan chức cấp cao nào được phép đặt mình trên luật pháp.

Binh lính Burkina Faso ở gần trụ sở quốc hội nước này (Ảnh: Reuters)
4. 30/10, quân đội Burkina Faso đã lật đổ Tổng thống Blaise Compaoré, giải tán Quốc hội  và công bố một chính quyền chuyển tiếp trong 12 tháng. Binh biến xảy ra tại quốc gia Tây Phi này sau cuộc nổi dậy của  người dân biến thành bạo lực, nhằm phản đối 27 năm cầm quyền của ông Compaoré.

Trong một tuyên bố được đưa ra trên đài phát thanh địa phương vào ngày 31/10,ông Compaoré chính thức tuyên bố từ chức và kêu gọi tổ chức các cuộc bầu cử tự do và minh bạch trong 90 ngày tới.

Liên quan đến ai sẽ là người tạm thời nắm quyền tại quốc gia Tây Phi này, phát biểu trên đài BF1 Television của Burkina FasoThượng tá  Issaac Zida – Tư lệnh lực lượng bảo vệ Tổng thống Compaore khẳng định: “Từ ngày 1/11, tôi sẽ nắm quyền điều hành đất nước trong giai đoạn chuyển tiếp”. 

Liên minh châu Phi ngày 1/11 đã kêu gọi các bên tại Burkina Faso thúc đẩy tiến trình chuyển giao dân sự sau khi Tổng thống Blaise Compaore bị lật đổ. Lời kêu gọi của Liên minh châu Phi đưa ra chỉ ít giờ trước khi các tướng lĩnh quân đội cấp cao của Burkina Faso, lực lượng đã tiếm quyền sau khi lật đổ Tổng Blaise Compaore, cho biết họ ủng hộ Thượng tá Issac Yacouba Zida lên nắm quyền điều hành đất nước trong giai đoạn hiện nay.

Trong khi đó, phản ứng trước cuộc chính biến tại quốc gia Tây Phi này, phái viên Liên Hợp Quốc về Tây Phi Mohamed Chambas cho biết, Liên Hợp Quốc có thể áp dụng các lệnh trừng phạt đối với Burkina Faso nếu quân đội nắm quyền và không mở đường cho việc chuyển giao quyền lực sau khi Tổng thống Blaise Compaore từ chức hôm 31/10.

Phiến quân thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng diễu hành tại thành phố Mosul, Iraq (Ảnh: AP)
5. Phiến quân IS tại Iraq lại khiến dư luận bàng hoàng khi vừa tiến hành thảm sát 85 người của bộ lạc Albu Nimr, tại tỉnh Anbar (Iraq).

Theo tộc trưởng Sheikh Naeem al-Ga’oud, tính riêng ngày 31/10, tổ chức Nhà nước Hồi giáo đã sát hại 50 người của bộ lạc Albu Nimr khi những người này tìm cách chạy trốn khỏi IS.

Trước đó, hơn 35 thi thể người dân bộ lạc Albu Nimr đã được tìm thấy trong một ngôi mộ tập thể. Một nhân chứng nói với Reuters rằng những người này đã bị còng tay và bịt mắt trước khi bị giết chết.

Vụ việc mới nhất này cho thấy sự tàn bạo của các phiến quân IS – những kẻ đang đẩy mạnh cuộc chiến nhằm giành quyền kiểm soát các vùng đất ở Iraq và Syria và tuyên bố thành lập Caliphate Hồi giáo trên những vùng đất chúng chiếm được.

Cho đến nay, tất cả các bộ tộc tham gia chiến đấu chống IS đều bị chúng trấn áp một cách tàn bạo trong khi họ lại không nhận được sự hỗ trợ của chính quyền Baghdad.

Cơ quan tình báo Mỹ ước tính mỗi tháng có thêm khoảng 1.000 chiến binh nước ngoài gia nhập IS, và tờ Washington Post dự đoán con số này hiện nay đã vượt quá 16.000.

Trong lúc này, cuộc chiến chống lại IS do Mỹ dẫn đầu cũng đạt được một số kết quả khả quan. Quân đội Mỹ cho biết họ vẫn liên tục không kích IS gần Kobani trong hai ngày 30-31/10. Bốn đợt không kích của họ đã tiêu diệt 4 vị trí chiến đấu của IS và một tòa nhà của chúng.

Các cuộc không kích của Mỹ nhằm vào IS tại thị trấn Kobani ngày 31/10 đã giúp đoàn xe chở các chiến binh người Kurd tại Iraq dễ dàng tiến vào thị trấn Kobani để hỗ trợ lực lượng dân quân người Kurd đang chiến đấu tại đây.

Việc các chiến binh người Kurd đến Kobani đánh dấu lần đầu tiên Thổ Nhĩ Kỳ cho phép họ được đi qua nước này để tham gia cùng lực lượng Kurd đang bảo vệ thị trấn này trong hơn 40 ngày qua.

Trong khi đó, tại Iraq, quân đội Chính phủ và lực lượng người Kurd đã giành ưu thế trước IS ở khu vực phía Bắc nước này. Tuy nhiên, họ không thể ngăn chặn IS tiến vào tỉnh Anbar gần ngoại ô thủ đô Baghdad.

Ngày 30/10, quan chức cấp cao của Mỹ cho biết, Mỹ đang hợp tác chặt chẽ với chính quyền khu tự trị người Kurd ở Iraq để ngăn chặn việc buôn lậu dầu mỏ trong một nỗ lực nhằm cắt đứt nguồn tài chính chủ yếu của phiến quân Nhà nước Hồi giáo.

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff trong cuộc họp báo sau khi tái đắc cử (Ảnh Reuters)

6. Đương kim Tổng thống Brazil Dilma Rousseff đã tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống ngày 26/10 vừa qua. Với chiến thắng sít sao trước đối thủ là Thượng nghị sĩ Aécio Neves, bà Rousseff sẽ tiếp tục là Tổng thống Brazil thêm một nhiệm kỳ 4 năm nữa.

Trong bài phát biểu sau khi giành chiến thắng, Tổng thống đương nhiệm Rousseff cảm ơn sự ủng hộ của người dân đã giúp bà có chiến thắng này. Bà Rousseff nói rằng bà muốn là “một tổng thống tốt hơn”: “Cuộc bầu cử vòng hai là cải thiện các hành động của những người cầm quyền. Tôi biết đó là những gì mà người dân nói khi họ bầu ra một nhà lãnh đạo. Do đó, tại thời điểm này  tôi muốn trở thành một tổng thống hơn so với tôi trước đây”.

Đương kim Tổng thống Roussef cũng tuyên bố sẽ tiến hành hòa giải dân tộc, thúc đẩy nền kinh tế đang trì trệ và chiến đấu chống lại nạn tham nhũng.

Bà Roussef sẽ bắt đầu nhiệm kỳ tổng thống thứ 2 kéo dài 4 năm từ ngày 1/1 tới. Theo các nhà phân tích đương kim Tổng thống sẽ tiếp tục phải đối mặt với một loạt thách thức lớn như: tìm lại niềm tin của thị trường và các nhà đầu tư, thúc đẩy nền kinh tế trì trệ và giải quyết tình trạng tham nhũng./.

Nguyễn Hùng/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *