Người dân mong muốn, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần quy định minh bạch, các vấn đề về thu hồi đất, định giá đất, tái định cư.

Sáng 6/11, sau khi nghe trình bày báo cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, các đại biểu thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, tập trung chủ yếu vào chính sách hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất, vấn đề tái định cư, quy định về giá đất.

Không phải ngẫu nhiên mà trước khi Luật Đất đai năm 2003 được sửa đổi, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã lựa chọn lĩnh vực đất đai để tổ chức giám sát tối cao về việc thực hiện chính sách pháp luật trong giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân đối với các quyết định hành chính về đất đai. Con số 70% trong tổng số đơn thư khiếu nại, tố cáo hàng năm các cơ quan Nhà nước nhận được liên quan đến đất đai đã phần nào nói lên tính phức tạp của vấn đề. Con số này cũng được nhắc lại nhiều lần để nói lên sự không bình thường trong việc thực hiện các chính sách pháp luật về đất đai.

Người dân mong muốn, Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi cần quy định minh bạch, các vấn đề về thu hồi đất, định giá đất (Ảnh minh họa)

Trong số nguyên nhân dẫn đến khiếu nại, tố cáo về đất đai có sự yếu kém trong công tác tổ chức thi hành pháp luật về đất đai, có sự thiếu gương mẫu, sa sút về phẩm chất đạo đức của một bộ phận cán bộ, công chức, có tình trạng cửa quyền, nhũng nhiễu trong việc thực hiện các thủ tục hành chính về đất đai. Nguyên nhân bao trùm lên mọi nguyên nhân là do pháp luật chưa quy định rõ ràng, cụ thể. Khi pháp luật còn kẽ hở thì việc lách luật để làm sai, làm bừa sẽ xảy ra. Một khi quyền lợi của người dân bị xâm phạm thì khiếu kiện phát sinh là điều tất yếu.

Một trong những mục đích của việc sửa đổi Luật Đất đai lần này là cải cách thủ tục hành chính về đất đai vừa đảm bảo quản lý chặt chẽ, hiệu quả tài nguyên đất vừa bảo đảm dân chủ, công khai, minh bạch, thuận tiện cho người sử dụng đất thực hiện các quyền và giám sát việc thực hiện của các cơ quan Nhà nước nhằm hạn chế tham nhũng, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất đai. Giải quyết các vướng mắc, bất cập trong quản lý, sử dụng đất đai, giảm các khiếu kiện về đất đai.

Cũng cần nói thêm rằng, Luật Đất đai là một trong số những luật hiếm hoi không được Quốc hội thông qua như dự kiến chương trình, bởi còn nhiều vấn đề chưa nhận được sự đồng thuận. Sau khi chỉnh lý, tiếp thu, dự án luật được đánh giá là có nhiều điểm tiến bộ, nhưng vẫn chưa đáp ứng thỏa đáng nguyện vọng và nhu cầu chính đáng của người dân. Chính vì vậy, mong muốn của nhân dân là dự thảo luật đưa ra tại kỳ họp này cần tập trung giải quyết những vấn đề cốt lõi của luật. Cần quy định minh bạch, rõ ràng, cụ thể các vấn đề về thu hồi đất, định giá đất, tái định cư… Làm thế nào để khi thu hồi đất người dân không bị coi như người ngoài cuộc, có kế sinh nhai, không bị rơi vào tình trạng đói nghèo. Đừng vì để dễ cho công tác quản lý mà đẩy khó về phía người dân. Phải đảm bảo được rằng, khi luật thông qua ngăn chặn được những tiêu cực phát sinh từ việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai.

Với một dự án luật rất quan trọng, liên quan trực tiếp đến toàn dân, cử tri mong muốn với việc sửa đổi lần này, chúng ta có cơ hội tạo ra động lực phát triển to lớn. Sửa luật, không những để làm giảm đi con số hơn 70% số đơn thư khiếu nại liên quan đến đất đai mà quan trọng hơn là để người dân, mọi thành phần kinh tế an tâm đầu tư vào đất, phát triển đất đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa của đất nước và tạo sự thịnh vượng chung./.

Ngọc Chi/VOV 1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *