(kontumtv.vn) – Ngoài việc quan tâm xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh luôn bám sát các nhiệm vụ chính trị của địa phương, chương trình công tác của Hội, cụ thể hóa bằng nhiều mô hình hoạt động mang lại hiệu quả thiết thực. Trong đó đặc biệt chú trọng nâng cao hiệu quả chương trình hỗ trợ giúp nhau phát triển kinh tế, giảm nghèo, chung sức xây dựng nông thôn mới, tạo bước chuyển biến mới trong phong trào công tác Hội. 

Nhờ được tuyên truyền, hướng dẫn cách thức làm ăn, sau 3 năm tham gia vào Tổ Phụ nữ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, đến nay, gia đình chị Huỳnh Thị Mỹ Hoa (thôn Măng Đen, Xã Đăk Long, huyện Kon Plông) không những thoát được nghèo mà có nguồn thu nhập ổn định. Từ nguồn vốn vay ít ỏi ban đầu 7 triệu đồng của Tổ Phụ nữ tiết kiệm, cộng với số tiền tích góp của gia đình, chị quyết định đầu tư vào chăn nuôi và chăm sóc vườn rau. Từ 5 con, rồi 10 con và đến nay trong chuồng chị đã được gần 30 con heo. Riêng vườn rau, mỗi ngày chị thu được gần 200.000đ. Chị Hoa nói: “Tôi vay vốn của chị em phụ nữ vào tháng 2/2014 để chăn nuôi. Hiện giờ tôi nuôi được gần 30 con heo. Tôi cũng trồng rau, tăng thêm thu nhập hàng ngày để thoát nghèo”.

Là hội viên tích cực tham gia các lớp tập huấn, những năn qua, chị Y Tuấn (thôn Kon Chênh, xã Măng Cành, huyện Kon Plông) luôn được Hội Phụ nữ xã, thôn chọn để triển khai các mô hình cây con mới từ các chương trình khuyến nông, chương trình hỗ trợ phát triển sản xuất của huyện. Đến nay, ngoài 5 sào cà phê catimo, gia đình chị còn trồng nhiều loại cây ăn trái cam, quýt, nhãn, mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình. Chị Y Tuấn chia sẻ: “Trong thời gian qua, cũng nhờ Hội Phụ nữ xã tuyên truyền, tập huấn, rồi cho vay vốn để phát triển kinh tế gia đình, như trồng cà phê, rồi cam, quýt, chăn nuôi nên hiện tại gia đình tôi cũng khá giả hơn”.

Phát triển kinh tế gia đình
Phát triển kinh tế gia đình

Bên cạnh mô hình Phụ nữ tiết kiệm giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, vận động hội viên áp dụng các tiến bộ khoa học vào sản xuất, thời gian gần đây, Hội LHPN huyện Kon Plông đã tập trung hướng về cơ sở, triển khai một số mô hình mới như “Nuôi heo đen địa phương”, “Tiết kiệm và vốn vay thôn bản”, tạo bước chuyển biến mới trong chương trình hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Chị Nguyễn Thị Hằng, Phó Chủ tịch Hội LHPN huyện Kon Plông cho biết: “Hai mô hình là tiết kiệm và vốn vay thôn bản tại xã Măng Cành và xã Đăk Long chúng tôi đang triển khai có hiệu quả và được nhiều người dân đồng tình hưởng ứng. Hiện nay chúng tôi đang chuẩn bị nhân rộng trên địa bàn 5 xã. Chúng tôi đã chuẩn bị tập huấn rồi xuống cơ sở chọn địa bàn để thôn nào phù hợp, có đủ điều kiện để thực hiện mô hình này, thì đầu năm 2016 chúng tôi sẽ triển khai”.

Xác định việc hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm trong chương trình công tác Hội, những năm qua, ngoài việc duy trì và phát triển phong trào Phụ nữ tiết kiệm, giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đặc biệt quan tâm và có nhiều giải pháp, việc làm cụ thể để giúp cho các hội viên, nhất là các gia đình hội viên nghèo vươn lên phát triển kinh tế, nâng cao đời sống, giảm nghèo. Trong đó nổi bật nhất là việc tín chấp tạo điều kiện về nguồn vốn vay ưu đãi cho các hội viên đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Chị Nguyễn Thị Nhàn (thôn 6, xã Đăk La, huyện Đăk Hà) nói: “Nhờ sự quan tâm của Hội LHPN xã Đăk La, gia đình tôi vay được 30 triệu vốn sản xuất kinh doanh, tôi mua 1 cặp bò về nuôi. Trước đó tôi đã mua 1 cặp bò, 6 tháng thì tôi bán, lời được 10 triệu đồng. Với số tiền vay, tôi đã mua thêm 1 cặp bò nữa. Hiện nay thì gia đình tôi kinh tế đã ổn định, làm ăn phát triển, ngày càng đi lên”.

Tính đến đầu tháng 10/2015, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã tín chấp với Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ trên 700 tỷ đồng, cho hơn 29.000 chị em vay. Qua đó, đã giúp cho nhiều hội viên không chỉ thoát được nghèo mà vươn lên khá, giàu. Chị Nguyễn Thị Liên, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum cho biết: ‘Hiện nay, hội viên và phụ nữ đã nâng cao nhận thức cũng như hành động của hội viên phụ nữ; chất lượng cuộc sống, tinh thần của hội viên được nâng lên. Đặc biệt chị em biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật để vươn lên làm giàu chính đáng. Chị em ở vùng sâu, vùng xa đã biết phát huy được nội lực, biết cách áp dụng khoa học kỹ thuật để phát triển sản xuất. Đó là điều đáng mừng”.

Cùng với việc quan tâm nâng cao đời sống cho hội viên, thời gian gần đây, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đặc biệt chú trọng đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch gắn với phong trào thi đua Phụ nữ chung tay xây dựng nông thôn mới và học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, xem đây là động lực để thúc đẩy các phong trào công tác Hội. Chị Nguyễn Thị Liên nói: “Chúng tôi sẽ nâng cao phong trào lớn của Hội, đó là phong trào phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc và các cuộc vận động của hội, đó là cuộc vận động 5 không, 3 sạch. Chúng tôi sẽ lấy cuộc vận động 5 không, 3 sạch làm trục xoay cho tất cả các hoạt động của Hội. Cuộc vận động 5 không, 3 sạch tác động đến tất cả, về nông thôn mới, giáo dục, y tế, xóa đói giảm nghèo”.

Phát huy những kết quả đạt được, hiện nay, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đang tập trung hướng về cơ sở, không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng chăm lo, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng cho hội viên, phụ nữ, đa dạng hóa các mô hình giúp nhau phát triển kinh tế gia đình, tích cực xây dựng gia đình 5 không, 3 sạch, nhằm không ngừng nâng cao chất lượng cuộc sống cho phụ nữ.

           Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *