(kontumtv.vn) – Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN, bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân có ý nghĩa rất quan trọng, đồng thời phải phấn đấu để mỗi ngày trong năm đều là ngày pháp luật, để thực sự sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng phát biểu tại buổi lễ. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng nhấn mạnh điều này tại Lễ hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015 và tổng kết Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam, tổ chức tối ngày 9/11.

Cách đây tròn 2 năm, ngày 9/11/2013 được công bố chính thức là “Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật và giáo dục, nâng cao ý thức thượng tôn pháp luật trong xã hội.

Hoạt động trọng tâm: Thi hành Hiến pháp 2013

Trong 2 năm qua, Ngày Pháp luật đã được tích cực triển khai thực hiện với trọng tâm là thi hành Hiến pháp năm 2013. Hoạt động này nhận được sự hưởng ứng của các tầng lớp nhân dân và đến nay đã thu được những kết quả quan trọng bước đầu, góp phần thiết thực vào thành tựu phát triển kinh tế xã hội của đất nước.

Hiến pháp năm 2013 được Quốc hội thông qua đã mở ra không gian hiến định mới trong xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN với tinh thần thượng tôn pháp luật. Nhà nước có trách nhiệm bảo đảm, bảo vệ quyền dân chủ, tự do, quyền con người, quyền công dân; người dân có nghĩa vụ tuân thủ pháp luật và được quyền làm những gì pháp luật không cấm, sử dụng pháp luật để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.

Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp là hình thức hưởng ứng Ngày Pháp luật một cách thiết thực, được đồng bào, chiến sĩ cả nước, kiều bào ta ở nước ngoài tích cực hưởng ứng. Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, đã có gần 5 triệu bài dự thi.

Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải

Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng biểu dương những nỗ lực của các cấp, các ngành, các đoàn thể và đồng bào, đồng chí; hoan nghênh Bộ Tư pháp và các cơ quan, tổ chức liên quan đã có sáng kiến tổ chức Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp và hưởng ứng Ngày Pháp luật năm 2015.

Thủ tướng nhấn mạnh Ngày Pháp luật đã từng bước đi vào cuộc sống, trở thành một sự kiện chính trị – pháp lý quan trọng, đóng góp tích cực vào thành tựu phát triển kinh tế – xã hội năm 2015 và giai đoạn 2011-2015, cũng như thành công của Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Qua đó góp phần xây dựng hình ảnh Nhà nước pháp quyền, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, thực thi quyền làm chủ, quyền tự do của người dân, phát huy tối đa nhân tố con người, coi con người là trung tâm, là chủ thể, là nguồn lực chủ yếu và là mục tiêu của sự phát triển.

Thủ tướng cho biết buổi lễ hôm nay được tổ chức trong không khí phấn khởi, hướng tới Đại hội lần thứ XII của Đảng; đất nước ta đang bước sang giai đoạn phát triển mới, ổn định vững chắc hơn, tăng trưởng cao hơn. Dân tộc ta tự tin, chủ động hội nhập vào một thế giới mà quá trình toàn cầu hoá ngày càng sâu rộng; khoa học và công nghệ phát triển rất nhanh; kinh tế thị trường và tiến bộ công bằng xã hội; dân chủ và pháp quyền; hợp tác và đấu tranh vì lợi ích quốc gia, vì hoà bình và phát triển, đồng thời cùng chung tay giải quyết những vấn đề toàn cầu là xu hướng chung của nhân loại.

Đặc biệt, việc chúng ta chủ động, tích cực tham gia Cộng đồng ASEAN, các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới với các đối tác lớn, các khối kinh tế toàn cầu, như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đang mở ra nhiều cơ hội cho hợp tác cùng phát triển nhưng sự tùy thuộc lẫn nhau cũng tăng lên và cạnh tranh ngày càng gay gắt. Quốc gia nào có năng lực cạnh tranh cao, với một thể chế chất lượng cao và một nền quản trị quốc gia hiện đại sẽ có nhiều cơ hội để vượt lên, phát triển nhanh, bền vững và ngược lại.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ, nhìn lại gần 30 năm đổi mới, những bước phát triển vượt bậc của nước ta đều gắn liền với những đổi mới có tính quyết định về thể chế mà bản chất là tăng cường dân chủ, bảo đảm dân chủ. Dân chủ và pháp quyền gắn bó chặt chẽ, biện chứng, không tách rời nhau. Dân chủ phải đi liền với kỷ luật, kỷ cương.

Nhà nước pháp quyền phải thượng tôn pháp luật. Pháp luật phải bảo đảm được công lý và lẽ phải. Quyền làm chủ, quyền tự do của người dân phải đi đôi với trách nhiệm xã hội và nghĩa vụ công dân mà trước hết là phải tuân thủ pháp luật. Điều này đòi hỏi chúng ta phải tích cực hơn nữa trong hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường và Nhà nước pháp quyền XHCN, cải cách lập pháp, cải cách tư pháp, cải cách hành chính và đẩy mạnh triển khai thực hành Hiến pháp năm 2013, đảm bảo dân chủ, pháp quyền, bảo đảm quyền con người, quyền công dân.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao Giải Đặc biệt “Cuộc thi tìm hiểu Hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam” cho Đại úy Nguyễn Thị Đắc Hương, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng. Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Định hướng thực hiện Ngày Pháp luật

Để Ngày Pháp luật năm 2015 và các năm tiếp theo thực sự thiết thực, hiệu quả, đồng thời phát huy hiệu ứng tích cực của Cuộc thi viết tìm hiểu Hiến pháp, Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp, các bộ, ngành, đoàn thể ở Trung ương, cấp ủy, chính quyền ở địa phương tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức Ngày Pháp luật, tập trung vào một số định hướng lớn.

Theo đó, trước hết là tiếp tục triển khai thi hành Hiến pháp, tập trung hoàn thiện hệ thống pháp luật bảo đảm cụ thể hóa đúng nội dung, tinh thần của Hiến pháp, bảo đảm xây dựng Nhà nước pháp quyền của dân, do dân, vì dân; tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; bảo đảm quyền dân chủ, tự do của người dân và thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN. Triển khai tốt các luật, bộ luật mới, đặc biệt là Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Bộ luật Dân sự, Bộ luật Hình sự, Luật Đầu tư, Luật Doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Thứ hai là tạo chuyển biến sâu sắc trong xã hội về ý thức chấp hành pháp luật. Trước hết cán bộ, công chức, đảng viên phải gương mẫu tuân thủ, chấp hành pháp luật; tích cực, chủ động học tập, tìm hiểu và nắm vững pháp luật để hướng dẫn, tư vấn, giải thích, thuyết phục và vận động nhân dân chấp hành pháp luật; tuân thủ nghiêm kỷ luật, kỷ cương; nâng cao ý thức trách nhiệm trong thực thi công vụ; thực hiện “cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư” như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy.

Thứ ba là tập trung đào tạo, đào tạo lại nguồn nhân lực pháp luật, pháp chế, tư pháp; bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức thuộc hệ thống chính trị từ Trung ương đến cơ sở; đáp ứng yêu cầu xây dựng, hoàn thiện và tổ chức thi hành pháp luật trong giai đoạn phát triển mới của đất nước và hội nhập quốc tế.

Bộ Tư pháp cần phối hợp với các bộ, ngành, trong đó hợp tác chặt chẽ với TAND tối cao trong việc việc đào tạo thẩm phán, tuyển chọn thẩm phán, với Liên đoàn Luật sư Việt Nam trong việc đào tạo đội ngũ luật gia, luật sư giỏi, am hiểu luật pháp quốc tế, thành thạo ngoại ngữ, có đủ năng lực hoạt động trên trường quốc tế để bảo vệ quyền và lợi ích của Nhà nước, của doanh nghiệp và công dân Việt Nam.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cũng nêu rõ Ngày Pháp luật năm 2015 với chủ đề: “Thực hiện Hiến pháp và pháp luật góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN; bảo vệ quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân” có ý nghĩa rất quan trọng. Chúng ta phải phấn đấu để mỗi ngày trong năm đều là ngày pháp luật, để thực sự sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.

*Tại buổi lễ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã trao Giải Đặc biệt Cuộc thi tìm hiểu hiến pháp nước CHXHCN Việt Nam cho Đại úy Nguyễn Thị Đắc Hương, giảng viên Khoa Nhà nước và Pháp luật, Học viện Chính trị, Bộ Quốc phòng.

Nguyễn Hoàng – Nhật Bắc/Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *