(kontumtv.vn) – Ông Phạm Thế Duyệt: Phải giám sát để xây dựng Đảng, phản biện những vấn đề để cho Đảng hiểu được lòng dân. Đó là những việc rất cần thiết.

 “Phải quán triệt được việc phát huy dân chủ, quan điểm để cho dân giám sát, phản biện kể cả nhân sự của Đảng. Đó là việc rất cần thiết”- ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam nhấn mạnh nhân kỷ niệm 85 năm ngày truyền thống Mặt trận Tổ quốc  Việt Nam (18/11/1930-18/11/2015).

PV: Cùng với vai trò tập hợp khối đại đoàn kết toàn dân tộc, Mặt trận còn có vai trò giám sát và phản biện xã hội. Ông đánh giá như thế nào về việc Mặt trận thực hiện vai trò giám sát và phản biện xã hội trong những năm gần đây?

Ông Phạm Thế Duyệt: Đối với vấn đề Mặt trận dân tộc thống nhất, Đảng ta đã khẳng định, không xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân tộc thì sự nghiệp cách mạng không dễ thành công được. Thứ hai, trong quá trình xây dựng chỉnh đốn Đảng, Nghị quyết Trung ương khóa 8, Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI đều đề cập đến vai trò của nhân dân. Đặc biệt, gần đây Hiến pháp cũng quy định vai trò giám sát, phản biện của Mặt trận và các tổ chức thành viên, của nhân dân đối với các cơ quan Đảng, Nhà nước và các cán bộ, đảng viên.
.
‘phai quan triet viec phat huy dan chu de dan giam sat, phan bien' hinh 0
Ông Phạm Thế Duyệt, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam 

Tôi cho đó là đường lối đúng đắn. Nếu làm tốt việc này, Đảng ta sẽ rất vững vàng. Bởi vì một lẽ khác với tất cả các nước trên thế giới, nước ta là một trong số ít nước có một Đảng lãnh đạo. Đảng ta có vinh dự được nhân dân tin cậy trong suốt 80 năm qua. Cho nên việc đề ra vai trò của dân đối với Đảng thông qua việc giám sát để xây dựng Đảng, phản biện những vấn đề để cho Đảng hiểu được lòng dân, hiểu được những việc cần thiết phải thể hiện trong cuộc sống, hiểu được các chính sách đã vào cuộc sống chưa, là những việc rất cần thiết.

Tôi đánh giá, về nhận thức chung là rất tốt, nhưng việc cụ thể hóa thì không phải là đơn giản, nó còn tùy thuộc vào sự quyết tâm của Bộ Chính trị, của Ban Chấp hành Trung ương, của các cấp ủy, tùy thuộc vào nhận thức của lãnh đạo chủ chốt của Đảng ở tất cả các cấp xuống cơ sở để làm sao thấy được đây là việc góp sức rất quan trọng để giúp Đảng xây dựng chỉnh đốn Đảng, giúp Đảng thực hiện những việc mà nhân dân mong muốn để khắc phục tệ quan liêu, khắc phục tệ tham nhũng, tiêu cực, khắc phục những thói hư hỏng trong đội ngũ cán bộ.

Tôi cho rằng ý nghĩa của việc giám sát, phản biện rất sâu sắc. Đảng đã nêu ra những quan điểm lớn nhưng quả thật việc thực hiện còn rất nhiều việc. Các Đại hội vừa qua cũng đã có nêu lên nhưng phải quán triệt được việc phát huy dân chủ, quan điểm để cho dân giám sát, phản biện kể cả nhân sự của Đảng. Đó là việc rất cần thiết.

PV: Có ý kiến cho rằng, hiện nay có rất nhiều lĩnh vực có nhu cầu về giám sát. Ở trên đã có chủ trương, nhưng ở dưới việc tiến hành chưa thực sự chủ động, chưa sâu sát. Ông đánh giá việc này như thế nào?

Ông Phạm Thế Duyệt: Điều đó có 2 vấn đề. Làm chưa được là do mới chỉ nhận thức trên Nghị quyết, đường lối, còn bản thân các cấp ủy, lãnh đạo chưa thực sự tự giác và thấy được sự thiết thân ấy. Nói thì không bao giờ sai, nói theo quan điểm của Đảng, của Bác Hồ nhưng khi thực hiện lại sai.

Tôi cứ ngẫm nghĩ mãi, cả quá trình tiến hành Đại hội Đảng từ cơ sở đến tỉnh, thành phố vừa rồi để chuẩn bị tiến tới Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII, sự phê bình và tự phê bình là có nêu ở các hội nghị, đại hội.

Tuy nhiên, theo tôi cũng là chỉ nêu những vấn đề chung chung, không dám thẳng thắn nếu cụ thể được những tồn tại ở địa phương mình, ở cấp ủy của mình và trên thực tế sự đấu tranh với nhau trong nội bộ, tìm đúng sai để tìm cán bộ thật ưu tú cho Đảng, sự đồng thuận tin cậy, được lòng dân cũng chưa phải là đạt được. Đó cũng là một thiệt thòi và tới đây Đại hội phải làm sao khắc phục được tình trạng này.

PV: Đại đoàn kết đã mang lại thắng lợi cho dân tộc ta trong suốt chặng đường lịch sử, đặc biệt là trong các cuộc kháng chiến chống Mỹ, Pháp. Hiện nay, tình hình trong nước và thế giới có nhiều thay đổi, làm thế nào để phát huy khối đại đoàn kết trong xây dựng và phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay?

Ông Phạm Thế Duyệt: Có nhiều vấn đề đáng quan tâm, nhưng tôi nghĩ đường lối có rồi, Nghị quyết cũng không thiếu và ngay cả dự thảo Văn kiện Đại hội XII cũng đã nêu khá rõ, đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI vừa rồi nêu lại những vấn đề về xây dựng và chỉnh đốn Đảng.

Tôi nghĩ, cốt là sao làm được những việc đó. Nói phải đi đôi với làm, thể hiện được những nội dung đó trong hành động, trong công việc. Và tới đây việc quan trọng nhất, hệ trọng nhất là lựa chọn được những lãnh đạo xứng đáng, có tài, có đức, được lòng tin của dân thì chắc chắn là việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng sẽ tốt, Đảng ta lại phát huy được sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, Đảng ta lại giữ được lòng tin của dân. Đừng để lòng tin của dân bị mai một như trong thời gian vừa qua chúng ta cũng đã đánh giá, vì đây cũng chính là mối đe dọa sự tồn vong của Đảng, của cả xã hội.

PV: Xin cảm ơn ông./.

Minh Hòa/VOV.VN (ghi)

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *