Chỉ đạo nhiệm vụ phát triển KTXH tại một số địa phương; đẩy mạnh CCHC trong lĩnh vực thuế, hải quan, kho bạc; xúc tiến đầu tư vùng ĐBSCL, tăng cường hợp tác với các tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam,… là một số hoạt động nổi bật của Lãnh đạo Chính phủ trong tuần qua

 

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận. Ảnh: VGP

* Tại Trụ sở Chính phủ, ngày 27/11, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có các buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận và tỉnh Bình Phước về tình hình KT-XH của 2 địa phương này.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng Ninh Thuận còn có nhiều khó khăn, trong đó nổi lên là hạ tầng kinh tế-xã hội kém phát triển, thiếu nước ngọt cho phát triển nông nghiệp, chất lượng nguồn nhân lực chưa đáp ứng được yêu cầu đặt ra, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Vì vậy, tỉnh cần đặc biệt quan tâm đến công tác đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội, nhất là hạ tầng về giao thông, thủy lợi; chú trọng cải thiện môi trường, thu hút đầu tư vào những lĩnh vực có nhiều tiềm năng và lợi thế như trồng cây ăn trái, phát triển nuôi trồng và chế biến thủy hải sản, đồng thời chung tay cùng cả nước thực hiện dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Thủ tướng đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của tỉnh Ninh Thuận như: Chủ trương cho xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù hỗ trợ thực hiện Dự án xây dựng các nhà máy điện hạt nhân tại tỉnh; bổ sung vốn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2012-2015 cho các dự án tuyến đường ven biển, hồ chứa nước Đa May, Sông Than, hệ thống thủy lợi Tân Mỹ.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Phước. Ảnh: VGP

Đối với Bình Phước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chỉ đạo lãnh đạo tỉnh cần tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, không ngừng khắc phục những hạn chế, yếu kém còn tồn tại, cụ thể là quyết liệt hơn trong xây dựng nông thôn mới, gắn liền với phát triển trồng và chế biến các sản phẩm từ cây cao su, nâng cao đời sống cho người dân; tiếp tục chú trọng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng.

Thủ tướng đã xem xét, cho ý kiến cụ thể đối với các đề xuất, kiến nghị của Bình Phước như: Phê duyệt bổ sung KCN – đô thị Đồng Phú vào quy hoạch phát triển các KCN của cả nước; hỗ trợ vốn đầu tư cho tỉnh làm dự án đường Đồng Phú-Bình Dương, hoặc cho phép tỉnh cơ chế đầu tư để triển khai đầu tư từng giai đoạn; chấp thuận chủ trương và hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án phát triển kinh tế và du lịch sinh thái Bù Gia Mập; hỗ trợ kinh phí cho địa phương đầu tư nâng cấp, mở rộng tuyến đường tuần tra biên giới.

* Dự Hội nghị tổng kết thi hành Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2008 và Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND và UBND năm 2004, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, hai bộ luật đã góp phần đưa hoạt động xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật đi vào nề nếp, bảo đảm tính toàn diện, đồng bộ, có trọng tâm, phù hợp với yêu cầu phát triển KT-XH của đất nước và từng địa phương.

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: VGP/Lê Sơn

Tuy nhiên, hệ thống pháp luật hiện hành còn chồng chéo, thiếu tính tổng thể,  vì vậy, Phó Thủ tướng yêu cầu cần tiếp tục thể chế hoá định hướng chiến lược của Đảng về xây dựng và thực thi pháp luật. Sớm cụ thể hoá các quy định mới của Hiến pháp vừa được thông qua liên quan đến việc ban hành văn bản QPPL. Tập trung hoàn thiện thể chế gắn với nâng cao hiệu quả thi hành thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN, trọng tâm là tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng, cải cách mạnh mẽ TTHC, phát huy vai trò và hiệu lực của pháp luật để ổn định chính trị, phát triển kinh tế, chủ động hội nhập quốc tế, bảo đảm quyền con người.

* Chủ trì cuộc họp về cải cách thủ tục hành chính (CCHC) trong lĩnh vực Thuế, Hải quan, Kho bạc, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn nhận cải cách TTHC vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển, còn nhiều yếu kém so với các nước trong khu vực; vẫn còn tiêu cực, nhũng nhiễu trong một bộ phận cán bộ của ngành Thuế, Hải quan, Kho bạc.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh hoạt động cải cách TTHC phải có quyết tâm chính trị của người lãnh đạo và cán bộ, công chức. Bộ Tài chính cần có những đề án để cải tiến cách làm, phát hiện hạn chế và bất cập; rà soát TTHC theo 4 nhóm trọng tâm, công bố kết quả rà soát và tổ chức thực thi; công khai minh bạch ngay từ đầu tất cả các TTHC và có đánh giá tác động cụ thể một cách mạnh mẽ.

* Liên quan đến thông tin báo chí trong nước và quốc tế đưa tin về việc cơ quan chức năng Đài Loan (Trung Quốc) phát hiện và thu giữ 600 bánh heroin trên chuyến bay từ sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất (TPHCM) đến sân bay quốc tế Đào Viên (Đài Loan) vào ngày 17/11/2013, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia phòng, chống AIDS và phòng, chống tệ nạn ma túy, mại dâm đã yêu cầu các bộ, ngành, cơ quan chức năng điều tra, xử lý nghiêm vụ việc.

Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải phát biểu khai mạc ASCOPE 10, sáng 28/11. Ảnh: VGP

* Dự khai mạc Hội nghị – Triển lãm Dầu khí Đông Nam Á-ASCOPE 10 do Việt Nam lần đầu tiên đăng cai tổ chức, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn quan tâm tạo mọi điều kiện thuận lợi để ngành Dầu khí phát triển.

Phó Thủ tướng mong muốn các đối tác trong khu vực trao đổi về những giải pháp, hợp tác sâu hơn về sản xuất, kinh doanh để cùng giải quyết một số vấn đề lớn như gìn giữ và khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên quý giá này,qua đó góp phát triển kinh tế và cho an ninh năng lượng của mỗi quốc gia cũng như cho sự phát triển ổn định chung của khu vực và thế giới trong tương lai…

* Chủ trì Hội nghị Xúc tiến đầu tư vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) tại tỉnh Vĩnh Long, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh ghi nhận việc các nhà đầu tư vào ĐBSCL với số vốn gần 7.000 tỷ đồng có ý nghĩa quan trọng trong phát triển và thu hút các nhà đầu tư khác vào khu vực này.

Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh nhấn mạnh: “Các địa phương cần sát cánh cùng doanh nghiệp, tạo môi trường đầu tư thông thoáng vào ĐBSCL”. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng đề nghị các doanh nghiệp đã được cấp giấy chứng nhận đầu tư nhanh chóng bắt tay ngay vào thực hiện dự án. Bên cạnh đó, chính quyền địa phương tiếp tục sát cánh cùng doanh nghiệp, coi khó khăn của doanh nghiệp như khó khăn của mình để giải quyết, coi thành công của doanh nghiệp như thành công của mình để tiếp tục duy trì, phát triển. Các địa phương vận dụng linh hoạt các cơ chế, chính sách để kêu gọi đầu tư trên các lĩnh vực phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương, đặc biệt là thu hút đầu tư vào phát triển kết cấu hạ tầng, công nghiệp phụ trợ, công nghệ sinh học, công nghiệp chế biến, sản xuất nông sản nhằm tăng chuỗi giá trị các sản phẩm nông nghiệp phục vụ xuất khẩu, song song với thu hút đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, đào tạo nguồn nhân lực nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao…

* Dự Diễn đàn hợp tác kinh tế ĐBSCL lần thứ 6 (MDEC-Vĩnh Long 2013) với chủ đề “ĐBSCL hướng đến nền kinh tế xanh”, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh đề nghị các bộ, ngành Trung ương, các địa phương trong vùng phải kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế của vùng gắn liền với bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là đối với người nghèo, đồng bào dân tộc, đồng bào ở vùng sâu, vùng xa.

* Giao lưu văn hóa góp phần tăng thêm tình đoàn kết giữa các dân tộc, cùng phát triển trong sự khác biệt, tăng cường quan hệ hợp tác cùng có lợi vì hòa bình, thịnh vượng trong khu vực và trên thế giới, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam chia sẻ điều này tại Lễ khai trương Bảo tàng Đông Nam Á tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại Lễ khai trương Bảo tàng Đông Nam Á, chiều 30/11. Ảnh: VGP

Phó Thủ tướng tin tưởng, là Bảo tàng đầu tiên về các dân tộc Đông Nam Á trong khu vực, nên dù quy mô còn khiêm tốn nhưng sẽ đóng góp tích cực, cổ vũ cho việc tăng cường nghiên cứu, giao lưu văn hóa, làm phong phú, đặc sắc thêm nền văn hóa của các dân tộc Đông Nam Á. Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam cần tiếp tục hoàn thiện, có nhiều sáng kiến, hoạt động thiết thực để giúp nhân dân Việt Nam hiểu thêm về văn hóa các dân tộc cũng như mang những nét đẹp của nền văn hóa Việt Nam tới nhân dân các nước.

* Chính phủ Việt Nam cam kết tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi, đặc biệt là cải thiện hơn nữa môi trường pháp lý phù hợp và thuận lợi cho hoạt động viện trợ của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài, đó là khẳng định của Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh tại Hội nghị lần thứ 3 về hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tại Hà Nội.

Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh phát biểu tại Hội nghị. Ảnh: VGP

Theo Phó Thủ tướng, trong những năm qua, Việt Nam tiếp tục thu được nhiều thành tựu trong công cuộc đổi mới, đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân và công bằng xã hội. Những thành tựu đó một phần là nhờ sự giúp đỡ rất có ý nghĩa của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài và bạn bè quốc tế đối với Việt Nam.

Phó Thủ tướng mong muốn các tổ chức phi chính phủ nước ngoài tiếp tục tăng cường hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực thế mạnh của mình và phù hợp với nhu cầu và luật pháp của Việt Nam; xây dựng và triển khai các dự án thiết thực, hướng vào các ưu tiên về phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam theo Chương trình quốc gia về Xúc tiến vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài 2013-2017.

Theo : Chinhphu.vn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *