(kontumtv.vn) – Mỹ sẽ cho phép các quốc gia thành viên Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC) mua một số thiết bị quốc phòng của mình.

Các thương vụ mua bán vũ khí giữa Mỹ và các nước Vùng Vịnh không phải là mới nhưng sẽ được nâng cấp lên mức độ cao hơn sau quyết định này.

Theo giới phân tích, động thái này của Mỹ giống như bắn một mũi tên trúng nhiều đích.

Trong một tuyên bố gần đây, Tổng thống Obama nhấn mạnh Washington cần dỡ bỏ những hạn chế đối với việc bán các khí tài quân sự liên quan tới hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo, an ninh hàng hải và các chiến dịch chống khủng bố, qua đó mở đường cho các thương vụ mua sắm thiết bị quốc phòng lớn của GCC.

Hoàng thân Saudi Arabia Faisal (trái) và Tổng thống Mỹ Obama (phải) tại cuộc gặp thượng đỉnh G20 (Ảnh AFP)

Đây cũng là sáng kiến được Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel đưa ra hồi đầu tháng trong một chuyến công du khu vực, theo đó nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng cường hợp tác giữa các nước thành viên GCC và Mỹ.

Từ trước tới nay, các thương vụ vũ khí và khí tài quân sự giữa Mỹ và các nước GCC chỉ giới hạn ở cấp độ song phương và đa phần là vũ khí thông thường.

Quyết định mới của Nhà Trắng mở đường cho các thương vụ giữa Mỹ với cả nhóm nước GCC, cho phép các nhà tập đoàn chế tạo vũ khí của Mỹ cung cấp các thiết bị tối tân như hệ thống tên lửa đạn đạo hay radar phối hợp…. Đây mới là điều đáng ngạc nhiên, song không phải là khó hiểu.

Theo Tổng thống Obama, việc cung cấp các thiết bị và dịch vụ quốc phòng cho GCC sẽ tăng cường an ninh của Mỹ và góp phần thúc đẩy ổn định khu vực.

Trong khi đó, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ Bernadette Meehan nhận định quyết định trên sẽ cho phép GCC mua sắm các thiết bị và dịch vụ quốc phòng cần thiết để đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc phòng khu vực.

Bà Meehan nhấn mạnh kế hoạch cho thấy cam kết mạnh mẽ của Mỹ đối với GCC cũng như mong muốn hợp tác của Washington với các đối tác Vùng Vịnh nhằm thúc đẩy sự ổn định và an ninh khu vực.

Những tuyên bố của lãnh đạo cấp cao Mỹ đều phù hợp với chính sách lâu nay mà nước này theo đuổi, đó là duy trì sự hiện diện và tầm ảnh hưởng ở khu vực Trung Đông. Tuy vậy, đằng sau quyết định mở rộng việc bán các khí tài quân sự, người ta thấy rằng, Mỹ đang muốn “lấy lòng” đồng minh truyền thống của mình sau một loạt căng thẳng gần đây giữa hai bên.

Phải nhắc lại rằng, cái gọi là phong trào “Mùa Xuân Arab” đã khiến cho các nước thành viên GCC, đặc biệt là Saudi Arabia, bất đồng với Mỹ về cách thức phản ứng trước cuộc khủng hoảng ở Syria và Ai Cập, cũng như tình hình bất ổn ở ngay chính các quốc gia trong nhóm.

Saudi Arabia đã thể hiện sự bất bình về chính sách của Washington trong khu vực bằng việc từ chối ghế không thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc.

Thêm nữa, chiến lược “chuyển trọng tâm” sang châu Á của Tổng thống Barack Obama, việc Mỹ cắt giảm chi tiêu quân sự và sự giảm phụ thuộc của nước này vào nguồn dầu mỏ nhập khẩu cũng khiến cho các nước vùng Vịnh nghi ngờ về các cam kết dài hạn của Washington đối với khu vực.

Sự ngờ vực còn lên đến cao độ khi Mỹ có những động thái xích lại gần hơn với Iran, đặc biệt là việc đạt được thỏa thuận sơ bộ lịch sử về chương trình hạt nhân vừa đạt được tại Geneva, Thụy Sĩ hồi cuối tháng 11 vừa qua.

Những nước này lo ngại một thỏa thuận chi tiết hơn (dự kiến hoàn tất trong 6 tháng tới) liên quan tới chương trình hạt nhân gây tranh cãi của Iran có thể đe dọa an ninh của họ và việc dỡ bỏ các lệnh cấm vận sẽ tạo điều kiện cho Tehran củng cố sức mạnh trong khu vực.

Vì thế, việc mở rộng bán vũ khí cho các nước Vùng Vịnh lần này được coi là một lời đảm bảo rằng Mỹ vẫn sát cánh cùng các đồng minh trong việc đối phó với tên lửa đạn đạo của Iran và nhiều mối đe dọa khác.

Tuy nhiên, những toan tính của Washington chưa dừng lại ở đó. Giới bình luận quân sự quốc tế cho rằng quyết định này của Chính quyền Tổng thống Obama đã bắn một mũi tên mà trúng 2 đích: vừa xoa dịu đồng minh, vừa thu được lợi nhuận.

Người ta hẳn biết rõ, GCC gồm hầu hết là các quốc gia xuất khẩu dầu mỏ hàng đầu thế giới. Trong bối cảnh giá dầu mỏ tăng, dự trữ tài chính của GCC theo ước tính vào khoảng 2.000 tỷ USD, dự kiến tăng lên 2.400 tỷ USD vào năm 2014, trong khi tổng sản phẩm quốc nội của khối vào khoảng 1.600 tỷ USD.

Các quốc gia này đang rất cần những vũ khí tối tân để hiện thực hóa mục tiêu dài hạn là thành lập một liên minh an ninh thực sự trong khu vực. Đây rõ ràng là thị trường màu mỡ cho các tập đoàn chế tạo vũ khí của Mỹ.

Một khi mở rộng và nâng cấp các thương vụ bán vũ khí, ngành công nghiệp quốc phòng Mỹ lại có cơ hội thu về nguồn ngân sách lớn – điều đặc biệt có lợi trong bối cảnh nền kinh tế số 1 thế giới vẫn đang ảm đạm. Rõ ràng, nhìn ở khía cạnh nào thì việc mở rộng việc bán vũ khí sẽ đưa lại lợi ích cả trước mắt và lâu dài cho nước Mỹ./.

Theo : Thanh Huyền/VOV1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *