(kontumtv.vn) – Đặc sắc, sáng tạo, đầy ngẫu hứng nhưng vẫn đậm đà bản sắc dân tộc là cảm nhận chung khi nói về Hội thi Cồng chiêng – Múa xoang, ngày hội văn hóa dành cho học sinh các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh Kon Tum.

Năm nay là năm đầu tiên Sở GD&ĐT tỉnh tổ chức Hội thi Cồng chiêng-Múa xoang với đối tượng tham dự là các học sinh trường PTDTNT trên toàn tỉnh. Dù còn nhiều bỡ ngỡ, nhưng khâu tổ chức được đánh giá là khá bài bản, chuyên nghiệp. Bà Đinh Thị Lan, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Kon Tum mói: “Nhằm phát huy giá trị cồng chiêng – xoang đối với học sinh, đặc biệt là với lớp trẻ, ngành Giáo dục đã có nhiều giải pháp trong nhà trường, đặc biệt với học sinh DTNT. Đây cũng là một trong những chương trình ngành Giáo dục đã đưa vào. Với một quy mô như thế, các em đã có tinh thần học hỏi, giao lưu, đã nhận ra  giá trị văn hóa của cồng chiêng đích thực của chính dân tộc các em. Từ đó các em sẽ phát triển và giữ gìn bản sắc văn hóa cồng chiêng, xoang của Tây Nguyên nói chung và tỉnh Kon Tum nói riêng”.

PTDTNT

Đến với hội thi lần này, Trường PTDTNT huyện Đăk Hà có hơn 40 thành viên, trình diễn và tái hiện trên sân khấu Lễ Mừng lúa mới của dân tộc Ba Na. Trong tiếng chiêng rộn ràng, những bước chân trần khỏe khoắn của các em học sinh hòa cùng điệu múa xoang mô phỏng đời sống lao động sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số như trỉa lúa, tuốt lúa, bắt cá, hái rau…, sinh động đến nỗi người xem không tài nào rời mắt. Nắng càng lên, nhịp múa của các em càng hăng say, thanh âm cồng chiêng càng trở nên trầm bổng. Em A Mic, một thành viên của đội nói: “Năm nay em 16 tuổi, học cồng chiêng đã 2 năm, được nghệ nhân trong làng dạy. Lúc đầu cầm chiêng lên thì cũng khó, sau một thời gian luyện tập thì thấy nó dễ hơn. Khi tập được thì em muốn giữ gìn nét văn hóa truyền thống và muốn truyền đạt lại cho thế hệ sau”.

Không chỉ tái hiện các lễ hội truyền thống đặc sắc của đồng bào dân tộc thiểu số, hơn 330 học sinh đến từ 9 trường PTDTNT trên toàn tỉnh còn mang đến Hội thi nhiều bộ cồng chiêng quý cùng nhiều làn điệu dân ca tiêu biểu của dân tộc Ba Na, Gia Rai, Xê Đăng…. Trong tiếng nhạc du dương, lời ca cất lên trữ tình, đằm thắm, thể hiện một đời sống tinh thần bình dị mà phong phú của đồng bào dân tộc thiểu số nơi đây. Đáng chú ý, một số nhạc cụ mới và cổ cũng được giới thiệu và trình diễn trong Hội thi như Tà Vẩu, Tơ ling Pút của đoàn Kon Plông, Ching Pling của đoàn Đăk Tô, cho thấy sự phong phú, đa dạng của kho tàng nhạc cụ dân gian Tây Nguyên. Nghệ nhân ưu tú A Thăk, thành viên Ban Giám khảo nhận xét: “Trong hội thi năm nay, đoàn nào múa cũng hay, đánh cồng chiêng cũng đều giỏi hết. Các em đến với hội thi như vậy là rất tốt. Tôi rất mừng. Ấn tượng nhất của tôi là tiếng khèn rất mới của đoàn Kon Plông. Tôi thấy các em rất sáng tạo, sưu tầm mang về Hội thi cái tiếng khèn này thì rất là hay, tôi rất thích”.

Vượt ra ngoài khuôn khổ là một hoạt động chào mừng Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, Hội thi Cồng chiêng – Múa xoang thật sự đã trở thành ngày hội văn hóa dành cho học sinh các trường PTDTNT trên địa bàn tỉnh.

Thu Trang – Văn Hiển

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *