(kontumtv.vn) – Giới luật sư ủng hộ quan điểm người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa.

Có nhiều quan điểm trái chiều xung quanh Khoản 3 Điều 19 Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi), ghi nhận quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự của luật sư trong việc giữ bí mật thông tin của thân chủ. Theo đó người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện.

luat su duoc quyen giu bi mat thong tin cua than chu? hinh 0
Luật sư Hoàng Văn Dũng (Văn phòng luật sư Bross và cộng sự)

Theo Luật sư Hoàng Văn Dũng (Văn phòng luật sư Bross và cộng sự), đây là điểm hoàn toàn mới trong hệ thống các quy định của pháp luật về hành nghề luật sư tại Việt Nam nói chung và trong Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) nói riêng.

Bộ luật Hình sự hiện tại mới chỉ liệt kê 4 hành vi phạm tội không phải chịu trách nhiệm hình sự, gồm: sự kiện bất ngờ (Điều 11); tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự (Điều 13); phòng vệ chính đáng (Điều 15); tình thế cấp thiết (Điều 16).

Dự thảo Bộ luật Hình sự (sửa đổi) có nêu thêm 3 hành vi, gồm: gây thiệt hại trong khi bắt người phạm tội; Rủi ro trong nghiên cứu, thử nghiệm, áp dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật và công nghệ; Thi hành mệnh lệnh của người chỉ huy hoặc của cấp trên được quy định tại các điều 24, 25, 26.

“Cùng với 3 hành vi mới được liệt kê, thì việc quy định thêm luật sư được miễn trách nhiệm hình sự trong việc giữ bí mật thông tin của khách hàng là phù hợp với chức năng nghề nghiệp và thông lệ trên thế giới”, luật sư Hoàng Văn Dũng nhấn mạnh.

Ủng hộ quy định này, Luật sư Hoàng Văn Dũng phân tích, tính chất công việc của người bào chữa (bao gồm cả luật sư, bào chữa viên nhân dân, người đại diện hợp pháp cho người bị tình nghi là tội phạm) cho phép họ có quyền tiếp cận với tất cả các thông tin từ người bị tình nghi, trong đó bao gồm cả những tình tiết liên quan đến vụ án mà họ đang tham gia bào chữa. Do vậy, người bào chữa là người trợ giúp, là đồng minh về mặt pháp lý của người bị tình nghi nên thông thường được chia sẻ thông tin dù người bào chữa có muốn tiếp nhận hay không. Bởi lẽ đó, người bào chữa hiển nhiên được hưởng quyền miễn trừ trách nhiệm hình sự trong việc giữ bí mật thông tin của khách hàng, ngay cả thông tin về việc phạm tội họ đã thực hiện hay tham gia thực hiện trong quá khứ.

Mặt khác, khi luật sư được khách hàng tiết lộ thông tin, chưa thể coi thông tin đó là căn cứ để xác định khách hàng đó đã phạm tội nên không thể xử lý luật sư hay người bào chữa về hành vi che giấu hay không tố giác tội phạm được.

“Xét dưới góc độ đạo đức nghề nghiệp, thông lệ trên thế giới cũng như ở Việt Nam nghiêm cấm luật sư tiết lộ bí mật thông tin của khách hàng, nếu việc làm đó không trái với pháp luật thực định. Điều đó cũng đồng nghĩa với việc luật sư thực hiện chức năng nghề nghiệp của mình thì không thể coi đó là hành vi nguy hiểm cho xã hội”, luật sư Hoàng Văn Dũng nói.

Cùng quan điểm với luật sư Hoàng Văn Dũng, luật sư Nguyễn Thanh Bách (Văn phòng Luật sư Nhật Minh) nhấn mạnh, trên thực tế, việc chứng minh tội phạm thuộc trách nhiệm của các cơ quan pháp luật, do đó đặt ra yêu cầu đòi hỏi luật sư có nghĩa vụ tố cáo hành vi tội phạm của thân chủ mình là không thỏa đáng. Nghĩa vụ của luật sư là bảo vệ và làm nhẹ đi trách nhiệm của thân chủ chứ không thể cố ý làm trầm trọng thêm tình trạng của họ. Pháp luật thế giới và pháp luật Việt Nam (Luật Luật sư 2002, 2012) đều không buộc giới luật sư phải tố cáo thân chủ mình thậm chí còn không cho phép luật sư tiết lộ các bí mật của khách hàng.

“Quan hệ giữa luật sư và thân chủ xét trên nhiều phương diện không chỉ là quan hệ mang tính vật chất giữa một bên là khách hàng và bên kia là người cung cấp dịch vụ. Khi tìm đến luật sư, mỗi thân chủ đều mang trong họ nhiều vấn đề cần được chia sẻ và tìm kiếm sự trợ giúp hiệu quả. Nhiều người còn tìm kiếm ở luật sư sự bảo vệ hoặc giải pháp pháp lý nhằm giảm nhẹ trách nhiệm của mình đối với những tội lỗi của họ gây ra. Như vậy, mối quan hệ đó hình thành từ sự tin tưởng và bao hàm trong nó quy phạm đạo đức thiêng liêng mà bắt buộc các bên phải trân trọng”, luật sư Bách phân tích.

Trong trường hợp đứng trước một tội ác có thể xảy ra, khi đó với sứ mệnh đạo đức, luật sư buộc phải thực hiện trách nhiệm công dân để tố cáo thân chủ nhằm ngăn chặn tội ác. Làm như vậy luật sư đã vi phạm Luật và Quy tắc hành nghề của mình, và sẵn sàng đánh đổi từ bỏ chức danh nghề nghiệp để bảo vệ con người./.

Thanh Hà/VOV.VN

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *