Nếu như luật sư được tham gia ngay từ khi khởi tố vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn thì chắc rằng tình trạng ép cung, bức cung khó xảy ra.

Những ngày diễn ra kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XIII, sự kiện ông Nguyễn Thanh Chấn ở tỉnh Bắc Giang được trả tự do sau gần 10 năm chịu oan khuất trong tù, đã thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận và các đại biểu Quốc hội. Đây cũng là một trong những vụ việc, những vấn đề làm nóng nghị trường trong phiên chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao ngày 21/11 vừa qua.

Sau vụ việc của ông Chấn, nhiều vụ án oan khác đã và đang được đưa ra, được lật lại. Không vì mục đích “bới sâu tìm bọ” mà thấy được thực trạng ấy để tìm ra giải pháp tối ưu, khả thi nhất, để không còn những nỗi oan khuất “kêu không thấu trời” của người dân; để niềm tin vào công lý của họ được củng cố.

Ông Nguyễn Thanh Chấn (áo trắng) trong vòng tay người thân, chòm xóm ngày ra tù

Theo báo cáo của ngành Tòa án, số lượng án, đặc biệt là án hình sự rất lớn, tăng dần qua các năm, trung bình khoảng 30.000 vụ và tính chất ngày càng phức tạp. Nhưng điều dư luận quan tâm hơn cả là, các vị đầu ngành Viện Kiểm sát, Tòa án đều cho rằng, án oan sai đã giảm và chiếm tỷ lệ nhỏ.

Tuy nhiên, cái sự “nhỏ” ấy thể hiện cụ thể như thế nào và tính chất của nó ra sao thì dường như chưa được các ngành này lưu tâm. Bởi cho đến nay, ngành Tòa án chưa có (hoặc chưa công bố) một con số thống kê chính thức, có bao nhiêu vụ án oan sai?! Có bao nhiêu người phải chịu ngồi tù trong nỗi oan ức vì hành vi mà họ không thực hiện và những hậu quả pháp lý do án oan sai gây ra?!

Án oan sai có thể xảy ra đối với bất kỳ nền tư pháp nào. Đó là thực tế. Mỗi trường hợp, mỗi vụ việc có tính chất, mức độ khác nhau. Nhưng nguyên nhân bắt nguồn từ sự sai sót trong hoạt động tố tụng hình sự cũng như hậu quả của nó gây ra đối với cá nhân, với gia đình, người thân của họ, với xã hội dường như là mẫu số chung. Vụ việc đối với ông Nguyễn Thanh Chấn không phải là một ngoại lệ. Nó như giọt nước làm tràn ly tình trạng “án bỏ túi” của ngành Tòa án; nó cũng cho thấy lỗ hổng sâu của các cơ quan điều tra trong việc xử lý án hình sự.

Đã có nhiều nguyên nhân được chỉ ra, đã có nhiều bài học được nhắc tới khi các cơ quan tiến hành tố tụng buộc phải thừa nhận có sai sót dẫn tới nỗi oan tày đình cho ông Nguyễn Thanh Chấn. Trong đó có sự thiếu hụt của các quy định pháp luật, có hành vi vi phạm pháp luật của người thừa hành pháp luật. Thế nên, tình trạng người thừa hành pháp luật lợi dụng quy định của pháp luật để thực hiện những hành vi trái pháp luật; cố tình hoặc vô tình đẩy số phận con người vào vòng lao lý không phải là hiếm.

Theo quy định pháp luật hiện hành, đối với những trường hợp bị can bị khởi tố về tội ở khung hình phạt có mức cao nhất là tử hình, hoặc người có nhược điểm về thể chất hoặc tâm thần thì cơ quan tố tụng có văn bản đề nghị đoàn luật sư cử luật sư tham gia. Các trường hợp khác, luật sư chỉ tham gia khi có yêu cầu của bị can hoặc thân nhân của họ.

Thực tế, “các trường hợp khác” này rất ít khi được thực hiện đầy đủ và dễ bị người thừa hành pháp luật trong cơ quan điều tra lạm dụng để thể hiện quyền buộc tội đối với bị can. Bị can ở trại tạm giam luôn đơn độc, ít có sự trợ giúp về tinh thần và ít hiểu biết về quyền nhân thân được pháp luật cho phép. Có trường hợp còn bị đe dọa, áp chế, buộc phải làm theo sự chỉ dẫn, yêu cầu của chính cán bộ thực thi nhiệm vụ. Bởi thế, không khó hiểu khi đứng trước vành móng ngựa, các bị cáo cho rằng bị oan ức, bị ép cung, bị dùng nhục hình buộc họ phải nhận tội. Án oan sai cũng nảy sinh từ đây; số phận con người cũng được định đoạt từ đây. Nó ảnh hưởng lâu dài tới cuộc sống của người bị oan cũng như gia đình, dòng tộc của họ. Không những vậy, nó còn gây nhiều hệ lụy khác trong xã hội.

Những giải pháp vừa lâu dài, vừa trước mắt đã được các đại biểu Quốc hội nêu ra tại phiên chất vấn đối với Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao. Nhưng nếu như luật sư được tham gia ngay từ khi khởi tố vụ án, khởi tố bị can; nếu như vai trò của luật sư được thể chế hóa; nếu như biên bản có sự tham gia của luật sư được coi là chứng cứ trong hồ sơ vụ án; nếu như các cơ quan điều tra, viện kiểm sát, tòa án thực hiện theo đúng quy định của pháp luật về chế định luật sư được tham gia bào chữa từ giai đoạn người bị tạm giữ hình sự hoặc từ lúc bị khởi tố bị can thì chắc rằng tình trạng ép cung, bức cung khó xảy ra.

Và nếu thế, nó cũng sẽ giảm bớt áp lực đối với cơ quan điều tra, viện kiểm sát, giúp cơ quan Tòa án có những chứng cứ xác đáng xác định tính chân thực của hồ sơ vụ án; góp phần ngăn ngừa, hạn chế được tình trạng nhiều bị cáo dù có tội nhưng vẫn chối tội, hoặc vu cáo cho cơ quan điều tra sử dụng các biện pháp nhục hình.

Quan trọng hơn, lòng tin của người dân vào các cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ được củng cố; số lượng án tái thẩm, giám đốc thẩm, tỷ lệ án bị hủy, bị phải sửa hằng năm của ngành Tòa án cũng vì thế không còn là nỗi lo chung của xã hội. Và các cán bộ đầu ngành cơ quan bảo vệ pháp luật sẽ không còn phải lo lắng và nhận lỗi thay như trong phiên chất vấn vừa qua./.

Theo : Đàm Hoa/VOV1

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *