(kontumtv.vn) – Sau những cơn mưa đầu mùa, tuy trên địa bàn tỉnh Kon Tum đã dịu đi cái nắng nóng, nhưng những thiệt hại về khô hạn trong năm vẫn còn nóng lên vì hậu quả nặng nề.

Trên 3.800 ha cây trồng, trong đó có trên 1.350 ha lúa tỉnh Kon Tum bị thiếu nước, ước giá trị thiệt hại đối với sản xuất nông nghiệp do hạn hán tại thời điểm khoảng 157 tỷ đồng. Ngoài yếu tố do thiên tai, diện tích bị thiệt hại lớn còn do nguyên nhân chủ quan của con người. Vì vậy, qua mùa khô hạn này, các cấp ngành và người dân đã rút ra nhiều bài học kinh nghiệm hơn.

Tại xã Đăk La, một trong những xã có diện tích khô hạn tương đối lớn của huyện Đăk Hà, với trên 58 ha lúa bị thiếu nước. Ngoài nguyên nhân thiếu các đập thủy lợi kiên cố, phần lớn diện tích khô hạn trên địa bàn xã chủ yếu là diện tích sản xuất ven suối, sử dụng nước trời và nằm ngoài kế hoạch sản xuất vụ đông xuân của xã. Ông Nguyễn Quang Thịnh, Phó Chủ tịch UBND xã Đăk La nói: “Qua đợt khô hạn, chúng tôi rút ra nhiều bài học kinh nghiệm. Thứ nhất là chỉ đạo chuyển đổi ngay từ đầu thời vụ. Thứ hai là phối hợp với các ngành, đoàn thể trong công tác tuyên truyền, làm chuyển biến nhận thức của người dân để bà con thấy được, qua khô hạn vừa qua, thiệt hại ảnh hưởng tới người dân như thế nào và thứ ba là chủ động hơn nữa trong đề xuất với các cấp, các ngành về các loại giống cây trồng để chuyển đổi”.

Nhiều diện tích đã có kế hoạch chuyển đổi cây trồng  trong vụ đông xuân tới
Nhiều diện tích đã có kế hoạch chuyển đổi cây trồng trong vụ đông xuân năm tới

Tại thành phố Kon Tum, ngoài kinh nghiệm trong bố trí lịch thời vụ  được rút ra từ hiệu quả của trà lúa đông xuân sớm, tận dụng nguồn nước từ vụ mùa, rút ngắn thời gian chống hạn, việc tổ chức sản xuất dựa trên năng lực tưới của các công trình thủy lợi được các cấp, ngành và người dân thành phố tính toán trong vụ đông xuân tới. Điển hình như đập Cà Tiên trên địa bàn xã Đoàn Kết, năng lực tưới của đập chỉ có 7 ha, nhưng diện tích người dân sản xuất đến 15 ha, tăng hơn gấp đôi và hậu quả của nó đã được người dân nhìn nhận.

Từ thực tế công tác phòng chống hạn trên địa bàn, đến nay nhiều địa phương đã thấy được những mặt bất cập, hạn chế và có định hướng khắc phục trong thời gian tới. Ông Nguyễn Ngọc Sâm, Chủ tịch UBND huyện Sa Thầy nói: “Huyện xác định rõ những khu vực nào không thể đảm bảo về nước tưới thì cho chuyển đổi cây trồng khác. Huyện cũng đã xây dựng phương án chuyển đổi gần 150 ha sang trồng cây ngô, cây sắn, các cây ít ảnh hưởng về nước hơn”.

Đặc biệt, qua khô hạn, nhiều người dân đã nêu cao nhận thức, tự điều chỉnh diên tích canh tác, bố trí cây trồng phù hợp và đã mạnh dạn đầu tư các hệ thống tưới nhỏ giọt, tưới phun tự động để tiết kiệm nguồn nước, đối phó với điệu kiện biến đổi khí hậu hiện nay.

Trước tình hình biến đổi khí hậu đang có chiều hướng ngày một gia tăng, dự báo tình trạng thời tiết cực đoan, nắng nóng khô hạn diễn biến ngày càng phức tạp, khó lường, trên cơ sở rút kinh nghiệm từ thực tế công tác chống hạn trong thời gian qua, để chủ động trong tổ chức sản xuất vụ đông xuân đảm bảo kế hoạch, giảm thiểu thiệt hại đối với các diện tích bị thiếu nước tưới do hạn hán gây ra, nhằm ổn định sản xuất, đời sống cho người dân, mới đây, thực hiện chủ trương của Tỉnh ủy, HĐND tỉnh đã thông qua Nghị quyết về chỉ tiêu sản xuất lúa vụ đông xuân 2016-2017, với tổng diện tích là 6.130 ha, giảm hơn 1.500 ha so với kế hoạch sản xuất vụ đông xuân 2015- 2016, để tập trung thâm canh tăng năng suất. Đồng thời vận động nhân dân thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng phù hợp trên diện tích đất có khả năng khô hạn để tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.

Quang Mẫn – Duy Phong 

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *