(kontumtv.vn) – Chuyển đổi cây trồng trên những vùng đất bị hán hán do thiếu nguồn nước là việc làm rất cần thiết hiện nay. Tuy nhiên, việc làm này ở nhiều địa phương vẫn đang gặp nhiều khó khăn vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Phóng sự phản ánh tại xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum.

Cánh đồng xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum
Cánh đồng xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum

Tại cánh đồng phường Nguyễn Trãi và xã Đoàn Kết, thành phố Kon Tum, mặc dù chưa đầy một tháng nữa là vào vụ mùa, nhiều diện tích đã được cày ải, nhưng đến nay vẫn chưa có nguồn nước để phục vụ sản xuất. Người dân nơi đây cho biết, đất ở đây chỉ trồng được lúa, chứ không thể trồng được cây gì khác. Nhưng trồng lúa thì chỉ chờ trời mưa chứ không có một nguồn nước nào khác. Ông Lê Hoàng Anh, Phó Chủ nhiệm HTX Đoàn Kết, thành phố Kon Tum nói: Trước đây cũng đã chuyển đổi mô hình cây trồng cạn, người dân cũng đã làm nhiều vụ rồi, có vụ trồng đậu nành, có vụ thì trồng ngô lai, nhưng chân đất này không phù hợp với tất cả các cây trồng cạn, cho nên người dân chỉ trồng lúa. Vừa qua do nguồn nước khan hiếm nên cũng bỏ đi hơn 20 ha”.

Theo kế hoạch, xã Đoàn kết có 285 ha lúa nước vụ đông xuân và 480 ha vụ mùa. Trong đợt hạn hán khốc liệt vừa rồi, xã có 8 ha bị thiệt hại, trong đó có 2 ha bị mất 50%, 6 ha mất 30% sản lượng. Ngoài ra, có một số diện tích bị mất trắng do nằm ngoài vùng quy hoạch sản xuất. Trên địa bàn xã có 3 đập phục vụ tưới gồm Đăk Tía, Tân Điền, Cà Tiên. Tuy nhiên cả 3 đập nước này đều xuống cấp và bị bồi lấp, nên không đủ nước tưới. Do địa chất, địa hình ở đây không thuận lợi, nên việc chuyển đổi cây trồng gặp rất nhiều khó khăn. Ông Nguyễn Yên, Phó Chủ tịch UBND xã Đoàn Kết cho biết: “Các vùng đó chuyển đổi cây trồng khác gặp nhiều khó khăn. Thứ nhất hộ dân canh tác nhỏ lẻ, thứ hai là ruộng bậc thang, thứ ba đất ở đây nắng thì khô rấp mà khi có cơn mưa thì sẽ có nước ngay, nên chuyển đổi các loại cây trồng khác là rất là khó. Vì vậy trong thời gian tới chúng tôi  đề nghị các cơ quan chức năng nghiên cứu làm sao củng cố các trạm bơm để sản xuất lúa nước”.

Trước những thách thức và hậu quả ngày càng nặng nề của biến đổi khí hậu, để nhân dân ổn định sản xuất và đời sống, các cấp, ngành cần phải vào cuộc quyết liệt hơn để tìm ra giải pháp cho những vùng đất này.

                                                                             Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *