(kontumtv.vn) – Với khẩu hiệu hành động “Nói không với bạo lực gia đình”, những năm qua, các cấp Hội Phụ nữ tỉnh Kon Tum đã có nhiều việc làm thiết thực, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức, hành động cho hội viên phụ nữ; tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể  nâng cao hiệu quả công tác phòng chống bạo lực gia đình, xây dựng gia đình hạnh phúc.

Từ ngày tham gia vào Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc, chị em phụ nữ ở thôn 12, xã Đăk Tờ Re, huyện Kon Rẫy không chỉ được tuyên truyền nâng cao hiểu biết về các quy định của pháp luật, mà còn được hướng dẫn, giúp nhau phát triển kinh tế, chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống gia đình. Hoạt động của Câu lạc bộ thực sự  mang lại lợi ích thiết thực cho các hội viên và cộng đồng. Chị Nguyễn Thị Đào, thành viên Câu lạc bộ nói: “Chúng tôi chia sẻ kinh nghiệm trong cuộc sống. Ví dụ như nuôi con, chăn nuôi, làm kinh tế gia đình và chia sẻ những chuyện buồn chuyện vui trong gia đình. Còn một vài chị em có chồng vẫn hơi rượu chè, thỉnh thoảng cũng xảy ra sự cố, chúng tôi chia sẻ, động viên và tìm hướng để giải quyết và góp ý để không còn hiện tượng rượu chè be bét ở những hộ đó nữa”.

Sinh hoạt Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc
Sinh hoạt Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc

Được thành lập từ năm 2005, với 20 thành viên ban đầu, đến nay, Câu lạc bộ Gia đình hạnh phúc Chi hội Phụ nữ thôn 12, xã Đăk Tờ Re đã có trên 40 thành viên. Là dân kinh tế mới, giai đoạn đầu, cuộc sống chưa ổn định, nên tình trạng rượu chè, mâu thuẫn, xích mích trong gia đình nhiều hộ trong thôn vẫn xảy ra.  Tuy vậy, sau gần 10 năm thành lập, cuộc sống của gia đình các thành viên Câu lạc bộ đã có nhiều thay đổi, ngày càng ấm no, tiến bộ, hạnh phúc, hạn chế đáng kể nạn bạo hành trong gia đình. Các gia đình này cũng chính  là hạt nhân  phong trào thi đua xây dựng gia đình văn hóa ở khu dân cư.Chị Vũ Thị Nhung, Chi hội trưởng Hội Phụ nữ thôn 12, xã Đăk Tờ Re ghi nhận: “Hiệu quả nổi bật của Câu lạc bộ là thu hút chị em, hội viên đóng tiền quỹ tiết kiệm để giúp cho chị em tạo công ăn việc làm như chăn nuôi heo gà. Thứ hai là thu hút được chị em tham gia hoạt động. Có những gia đình vẫn còn bạo lực gia đình, từ khi thành lập Câu lạc bộ này, bạo lực gia đình cũng không còn nữa”.

Tại Câu lạc bộ “Phụ nữ Tự tin – Tự trọng – Trung hậu – Đảm đang” xã Đăk Năng, thành phố Kon Tum – một trong số mô hình điểm được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chọn để triển khai thực hiện Tiểu Đề án 1 của Đề án 343 “Tuyên truyền, giáo dục nâng cao phẩm chất, đạo đức phụ nữ Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước” giai đoạn 2010- 2015, sau gần 3 năm hoạt động, từ chỗ chỉ có 40 hội viên ở thôn Ya Hội, đến nay, Câu lạc bộ đã phát triển được gần 100 hội viên có mặt ở hầu khắp các chi hội. Thông qua các hoạt động của Câu lạc bộ, các chị được học tập để nâng cao nhận thức và cách rèn luyện 4 chuẩn mực về phẩm chất đạo đức của phụ nữ Việt Nam: Tự tin, tự trọng, trung hậu, đảm đang; cũng như nâng cao sự hiểu biết về pháp luật, chia sẻ kiến thức, kinh nghiệm nuôi dạy con cái, chăm sóc gia đình, góp phần đáng kể  vào việc thực hiện bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình. Chị Nguyễn Thị Mai, Chủ tịch Hội LHPN xã Đăk Năng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ cho biết: “Cái rõ nét nhất tôi thấy là chị em người ta mạnh dạn, tự tin tham gia vào sinh hoạt của các chi hội ở cơ sở nhiều hơn. Trong sinh hoạt chị em cũng mạnh dạn tự tin hơn. Trong gia đình thì trước đây cũng còn có bạo lực gia đình, gia đình mất hạnh phúc, nhưng đến nay trên địa bàn chúng tôi, tình trạng bạo lực gia đình cũng như mâu thuẫn trong gia đình đã có hạn chế”.

Ngoài việc lồng ghép trong các hoạt động công tác Hội, thời gian qua các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh còn tích cực phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể cùng cấp duy trì có hiệu quả các địa chỉ tin cậy để kịp thời tư vấn, giúp đỡ chị em có biện pháp xử lý đúng khi bị bạo hành, góp phần tích cực đấu tranh giảm thiểu bạo lực gia đình tại địa phương. Bà Siu H’Bia, Chủ tịch Hội LHPN tỉnh Kon Tum nói: “ Chúng tôi đẩy mạnh công tác vận động, giúp đỡ chị em phụ nữ bị bạo lực gia đình. Trong đó quan tâm nhất là đối tượng phụ nữ và sẽ cùng với các ngành, các cấp để vào cuộc ngày càng tốt hơn, làm tốt công tác tuyên truyền vận động chị em phụ nữ cũng như các tầng lớp nhân dân hiểu và thực hiện tốt hơn công tác phòng chống bạo lực gia đình, để bạo lực ngày càng ít hơn”.

Bạo lực gia đình đang là vấn nạn gây nhiều hậu quả nghiêm trọng cho gia đình và xã hội, đặc biệt tổn hại đến phụ nữ và trẻ em. Phòng chống bạo lực gia đình không chỉ là quan tâm của các cấp Hội Phụ nữ mà của toàn xã hội, toàn cầu. Để xóa bỏ tình trạng này trên toàn thế giới, Liên hiệp quốc đã chọn ngày 25/11 hàng năm là “Ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với gia đình”, nhằm kêu gọi các chính phủ, các tổ chức, cá nhân trên khắp hành tinh tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để góp phần đấu tranh xóa bỏ bạo lực gia đình.

   Quang Mẫn

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *