(kontumtv.vn)  – Sáng 25/5, tiếp tục Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIV, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu – Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án và thảo luận trực tuyến về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật.

Dự tại điểm cầu tỉnh Kon Tum có Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh A Pớt và các đại biểu trong Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh.

Dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án gồm 04 chương, 42 điều, quy định về phạm vi, nguyên tắc, chính sách của Nhà nước về hòa giải, đối thoại tại tòa án; quyền, nghĩa vụ của hòa giải viên tại tòa án, các bên tham gia hòa giải, đối thoại tại tòa án; trách nhiệm của tòa án đối với công tác hòa giải, đối thoại; trình tự, thủ tục hòa giải, đối thoại; công nhận kết quả hòa giải thành, đối thoại thành tại tòa án.

Họp Quốc hội trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum
Họp Quốc hội trực tuyến tại điểm cầu tỉnh Kon Tum

Thảo luận tại phiên họp, các đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với tên gọi và phạm vi điều chỉnh; các nội dung trong Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; cho rằng việc xây dựng dự thảo Luật sẽ tạo nền tảng pháp lý cơ bản và quan trọng trong việc thiết lập cơ chế hòa giải, đối thoại tại tòa án, giúp thu hút nguồn nhân lực có chất lượng, kinh nghiệm trong xã hội tham gia công tác hòa giải, đối thoại; khắc phục nhiều vướng mắc, bất cập của các cơ chế hoà giải, đối thoại hiện nay; góp phần hạn chế các vụ, việc phải đưa ra xét xử; nhanh chóng giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn của người dân; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và Nhà nước.

Đại biểu Tô Văn Tám, Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh đã có nhiều ý kiến tham gia góp ý vào dự thảo Luật Hòa giải, đối thoại tại tòa án: “Thứ nhất là nguyên tắc hòa giải, đối thoại thì tại Khoản 7, Điều 3 có quy định hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập và chỉ tuân theo pháp luật, thì đó là nguyên tắc quy định trong tố tụng hoặc xét xử. Bây giờ chúng ta áp dụng vào Luật này thì tôi thấy rằng nếu quy định như vậy thì nó sẽ giới hạn cho hòa giải viên chỉ theo luật thôi. Trên thực tế hoạt động hòa giải, đối thoại thì ngoài quy định của pháp luật thì hòa giải viên có thể áp dụng, vận dụng các chuẩn mực xã hội, các chuẩn mực đạo đức, các phong tục tập quán, truyền thống tốt đẹp để phân tích, để thuyết phục các bên đạt được thõa thuận. Cho nên ở đây nên chăng chúng ta thay việc chỉ tuân theo pháp luật bằng trên cơ sở pháp luật”.

Đại biểu Tô Văn Tám cũng đề nghị chỉnh lý lại Khoản 7 là hòa giải viên tiến hành hòa giải, đối thoại độc lập trên cơ sở pháp luật, không được can thiệp, cản trở hoạt động hòa giải, đối thoại. Đại biểu Tô Văn Tám cũng bày tỏ băn khoăn về vấn đề quyết định bổ nhiệm hay là quyết định công nhận hòa giải viên: “Thứ nhất là hòa giải viên không phải là một chức danh tư pháp như giám định viên tư pháp; thứ hai là hòa giải viên cũng không phải là công chức. Nếu như chúng ta nói bổ nhiệm thì bổ nhiệm theo Luật Cán bộ công chức thì bộ nhiệm là việc cán bộ công chức được quyết định giữ một chức vụ lãnh đạo quản lý, hoặc một ngạch theo quy định của pháp luật. Ở đây hòa giải viên thì không phải cán bộ công chức, cũng không phải chức danh tư pháp thì vậy có nên dùng cơ chế bổ nhiệm hay không. Tôi thì ở kỳ hợp thứ 8 tôi vẫn muốn thế này là quyết định công nhận, tức là sau khi đủ điều kiện rồi thì chánh án tòa án cấp tỉnh ra quyết định công nhận hòa giải viên thay bằng quyết định bổ nhiệm là tốt nhất”.

Phát biểu kết thúc nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu đánh giá cao những ý kiến góp ý sôi nổi, thẳng thắn và cụ thể của các đại biểu Quốc hội cho dự thảo Luật. Quốc hội sẽ chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ để báo cáo Quốc hội trước khi xem xét, thông qua tại Kỳ họp này.

Ngọc Chí – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *