(kontumtv.vn) – Áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho bò cái sinh sản không chỉ giúp bà con nông dân tiết kiệm thời gian, chi phí, mà còn tăng thu nhập cho người chăn nuôi. Bê con sinh ra đạt chất lượng cao, có tầm vóc và sức đề kháng tốt.

Sau 3 năm tham gia mô hình thụ tinh nhân tạo cho đàn bò của gia đình, nông dân  Đoàn Phước Hiệp (xã Đăk Rơ Wa, thành phố Kon Tum) đã có 4 con bê lai dòng Brahman. Đây là giống bò có ngoại hình, thể chất chắc, khoẻ mạnh, hệ cơ và u vai phát triển. Khối lượng của bò Brahman trưởng thành là 380 kg với con cái và bò đực từ  600 –650 kg. Nhờ áp dụng thụ tinh nhân tạo cho bò, gia đình anh Hiệp tăng thu nhập từ chăn nuôi lên trên 60 triệu đồng mỗi năm. Anh Hiệp chia sẻ: “Trước kia thì con cái nó động đực thì rất là khó khăn về tìm con giống, có khi tốn tiền bạc xe cộ hai ba ngày không được. Sau này các anh thú y viên biết cách chỉ cho mình chỉ con bò nó động lực chính xác ngày giờ để mình phối con bò nó chuẩn. Sau khi thực hiện một thời gian mô hình phối tinh nhân tạo thì thấy con  đẻ ra đẹp đàn con phát triển rất nhanh, nói chung rất là vui mừng”.

Bò lai khỏe mạnh và có tầm vóc lớn hơn bò địa phương
Bò lai khỏe mạnh và có tầm vóc lớn hơn bò địa phương

Thực hiện Quyết định số 512 ngày 21/7/2015 của UBND tỉnh Kon Tum về việc phê duyệt Phương án nâng cao chất lượng đàn bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015-2020, từ năm 2016 đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã tổ chức tập huấn cho bà con nông dân và vận động các hộ có bò cái nền tham gia phương án thụ tinh nhân tạo cho bò; đồng thời tổ chức tập huấn nghiệp vụ thụ tinh nhân tạo cho 27 dẫn tinh viên tại 7 huyện, thành phố trong tỉnh. Bên cạnh đó, việc chuẩn bị hạ tầng kỹ thuật để bảo quản nguồn tinh, thiết bị phục vụ thụ tinh nhân tạo gắn với đảm bảo nguồn tinh từ đàn bò giống chất lượng cao, có thể trọng tốt, tính kháng bệnh cao, sinh trưởng và phát triển phù hợp với thổ nhưỡng của địa phương đã được ngành chăn nuôi, thú y tỉnh chú trọng. Thạc sĩ thú y Phạm Mạnh Cường, Trưởng Phòng Quản lý giống và kỹ thuật chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi – Thú y TỈNH Kon Tum nói: “Riêng vấn đề kỹ thuật thì công tác nhập vật tư, cung cấp vật tư Chi cục đảm bảo rất tốt từ khâu nhập về chúng tôi bảo quản các bình Nitơ lớn, sau đó chiết ra các bình Nitơ nhỏ cho anh em  dẫn tinh viên để triển khai thực hiện, luôn luôn dự trữ vật tư, tinh đầy đủ, đáp ứng đầy đủ nhu cầu của phối giống trên địa bàn toàn tỉnh”.

Với bà con nông dân, anh Nguyễn Anh Vũ, cán bộ thú y phường Thống Nhất thành phố Kon Tum đã trở thành bà đỡ mát tay cho 260 con bò cái nền mang thai bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo. Đến nay, đã có 123 bê con được sinh ra và đều sinh trưởng, phát triển khỏe mạnh. Cùng với anh Nguyễn Anh Vũ, 27 dẫn tinh viên được tập huấn thụ tinh nhân tạo và trở thành người bạn đồng hành cùng nhiều hộ  chăn nuôi trên địa bàn tỉnh. Nguyễn Anh Vũ cho biết: “Lúc đầu mới thì công việc còn bỡ ngỡ, sau 3 năm làm thì công việc thành thục hơn nhiều, tỷ lệ đậu tương đối cao. Thuận lợi nữa là nguồn tinh và vật tư luôn luôn dự trữ ở nhà để sẵn, mọi người điện giờ nào đi giờ đó, kể cả ngày lễ ngày nghỉ, ngày tết vẫn đi, phục vụ cho người dân là chính”.

Đến nay, đã có gần 1.200 con bê lai được sinh ra trên địa bàn tỉnh Kon Tum từ phương pháp thụ tinh nhân tạo, đạt tỉ lệ  hơn 85% trên tổng số bò cái được phối giống bằng thụ tinh nhân tạo. Đàn bê con đều khỏe mạnh, sinh trưởng và phát triển tốt, giúp bà con nông dân đạt lợi nhuận chăn nuôi. Thạc sĩ Thú Y Phạm Mạnh Cường nói: “Đến thời điểm này cho thấy phương án đã đạt được các chỉ tiêu của kế hoạch đề ra từ nâng cao chất lượng tầm vóc cũng như chất lượng năng suất của con bò sau khi phối, tức là bê sinh ra đạt chất lượng rất tốt, so với bê nhảy tự nhiên thì chênh lệch của trọng lượng từ 10 đến 15 kg. Bê sinh ra đối với phương án thụ tinh nhân tạo thì trọng lượng  bình quân là từ 25 đến 35 kg”.

Kết quả đạt được từ  áp dụng phương pháp thụ tinh nhân tạo cho đàn bò trong giai đoạn 2016-2018 là cơ sở để tỉnh Kon Tum tiếp tục nhân rộng mô hình, giúp cải tạo đàn bò trên địa bàn; góp phần để bà con nông dân thoát nghèo và tạo thế mạnh phát triển chăn nuôi gia súc nói chung, đàn bò của tỉnh nói riêng.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *