(kontumtv.vn) – Thực hiện Nghị quyết Đại hội VII Hội Nông dân tỉnh Kon Tum, trong nhiệm kỳ 2013- 2018 các cấp Hội và hội viên nông dân trong tỉnh luôn nỗ lực đổi mới hoạt động, không ngừng củng cố, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, là điểm tựa mà nhà nông tin tưởng đồng hành, sát cánh cùng phát triển kinh tế – xã hội, chung sức xây dựng nông thôn mới.

Hỗ trợ phát triển kinh tế, nâng cao đời sống cho hội viên là một trong những chương trình trọng tâm mà Hội Nông dân luôn hướng tới. Chương trình thực hiện càng hiệu quả sẽ góp phần xây dựng tổ chức Hội vững mạnh. Do đó những năm qua, các cấp Hội Nông dân tỉnh Kon Tum đặc biệt chú trọng đến việc tạo điều kiện cho hội viên nông dân được tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, chuyển giao các tiến bộ kỹ thuật, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

 Từ nguồn vốn vay ưu đãi, trong nhiệm kỳ qua đã có nhiều hộ nông dân thoát được nghèo, xây dựng được mô hình sản xuất hiệu quả. Hàng năm Hội đạt doanh số thu nợ và cho vay từ các nguồn vốn do Ngân hàng Chính sách xã hội ủy thác đạt trên 100 tỷ đồng, nâng tổng dư nợ cuối năm 2017 lên hơn 643 tỷ đồng, tăng trên 200 tỷ đồng so với đầu nhiệm kỳ. Đồng thời Hội đã tiếp nhận và triển khai quay vòng nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân với số tiền gần 14 tỷ đồng; thành lập gần 500 tổ tiết kiệm và vay vốn với trên 19.000 thành viên là hội viên nông dân. Ông A Thi, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Kon Rẫy nói: “Đến thời điểm hiện tại, Hội Nông dân huyện quản lý được 41 tổ tiết kiệm vay vốn với trên 74 tỉ cho trên 2 nghìn hội viên vay. Các mô hình trên địa bàn cũng rất nhiều, như mô hình thanh long ruột đỏ, chăn nuôi heo rừng, chăn nuôi heo sạch, chăn nuôi bò, trồng cây bời lời và trồng cây cao su. Đây là nhận thức rất lớn của hội viên và nông dân trong việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi”.

Thăm mô hình sản xuất của nông dân
Thăm mô hình phát triển sản xuất của nông dân

Các cấp Hội Nông dân cũng không ngừng đẩy mạnh tuyên truyền, hướng dẫn hội viên, nông dân thực hiện có hiệu quả các chương trình, dự án đầu tư, hỗ trợ vốn, khuyến khích tham gia phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, phát huy nội lực, tinh thần đoàn kết, giúp nhau phát triển kinh tế, nâng cao đời sống. Qua đó ngày càng xuất hiện nhiều tấm gương nông dân điển hình, tiêu biểu, dám nghĩ, dám làm.

Trở thành tỷ phú từ cậu bé mồ côi, gian khó, hiện nay anh A Hiếu, hội viên nông dân thôn Kon Gung, xã Đăk Mar, huyện Đăk Hà không chỉ là người có uy tín trong vùng vì biết làm kinh tế giỏi, giúp đỡ dân làng, mà còn là tấm gương điển hình “Nông dân Việt Nam xuất sắc 30 năm đổi mới”. Từ 2 ha đất rẫy làm mì của cha mẹ để lại, nhờ cần cù lao động, đến nay A Hiếu đã sở hữu trang trại gần 10 ha gồm 7 ha cà phê, 2 ha cao su, bời lời và các cây trồng khác, mỗi năm thu nhập trên 1 tỷ đồng. Có được thành quả này, ngoài chịu khó nỗ lực của bản thân, A Hiếu luôn nhận sự ủng hộ, trợ giúp của Hội Nông dân các cấp từ nguồn vốn đến kỹ thuật. Anh A Hiếu chia sẻ: “ Chăm sóc cà phê cũng nhờ hỗ trợ tập huấn của huyện, của xã. Sau đó mình áp dụng kỹ thuật làm theo tập huấn nên năng suất cũng cao. Nếu cứ làm theo mình thì càng ngày nó càng thấp năng suất. Mình cũng bày cho bà con làm theo mình, về kỹ thuật mình cũng hướng dẫn cho nhau mà làm”,

Ngoài tài sản vườn cây, A Hiếu hiện sở hữu 4 chiếc phà, thuyền lớn nhỏ trị giá trên 3 tỷ đồng. Những phương tiện này giúp người dân qua lại sông Pô Kô sản xuất, vận chuyển hàng hóa, nông sản.

Đến nay, có hơn 38.600 trên tổng số 63.000 hội viên nông dân toàn tỉnh đạt danh hiệu sản xuất kinh doanh giỏi các cấp, chiếm tỷ lệ hơn 60%. Đây là những hạt nhân quan trọng thúc đẩy phong trào thi đua sản xuất, nâng cao đời sống, chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Không chỉ sản xuất giỏi, tích cực hỗ trợ, giúp đỡ các hộ dân cùng phát triển cây công nghiệp, mở rộng sản xuất, hướng đến chế biến sản phẩm, thời gian qua, gia đình ông A Klok và bà Y Hiếp (thôn Đăk Trang, xã Đăk Xú, huyện Ngọc Hồi) còn tích cực hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới ở địa phương. Gia đình đã hiến gần 300 m2 đất mặt tiền Quốc lộ 40 qua trung tâm xã để chính quyền làm đường nông thôn mới. Ông A Klok nói: “Tôi thấy cái đường đi không có đường ra, nên tôi quyết định thôi, hiến cho bà con đây làm đường. Đã có đường họ sẽ phát triển kinh tế, đi lại nó dễ hơn. Hai nữa là bà con còn giao lưu từ thôn này, thôn khác nó nhanh hơn, phát triển kinh tế cho mọi người”.

Trong nhiệm kỳ 2013 – 2018, toàn tỉnh có trên 1.000 hộ nông dân dân hiến hơn 42.000 m2 đất làm đường giao thông nông thôn, xây dựng các công trình công cộng ở khu dân cư. Hội viên, nông dân trên địa bàn tỉnh còn tích cực hưởng ứng tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, văn minh đô thị, bảo vệ trật tự, an ninh nông thôn, an ninh biên giới, đóng góp công sức, tiền của chung sức xây dựng nông thôn mới. Những việc làm của các cấp Hội Nông dân rất hiệu quả, góp phần thu hút, tập hợp hội viên, xây dựng tổ chức Hội vững mạnh, đảm bảo hoàn thành các nhiệm vụ, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh lần thứ VII đã đề ra. Ông Nguyễn Ngọc Ánh, Phó Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Kon Tum cho biết: “Để đạt các kết quả đó, Hội Nông dân tỉnh chỉ đạo bám sát vào Nghị quyết Đại hội Hội Nông dân tỉnh đề ra. Trong đó, đặt cốt lõi vấn đề là xây dựng, củng cố tổ chức Hội. Phải bố trí thường xuyên cán bộ đi cơ sở và lấy cơ sở là địa bàn hoạt động chính. Hướng dẫn từ những vấn đề nhỏ nhất trong khâu vận động cũng như khâu hướng dẫn triển khai các vấn đề. Các công việc như thế là chúng tôi, hàng tháng, hàng quý, thậm chí hàng tuần, chúng tôi phải kiểm tra bằng mọi kênh”.

Phát huy những kết quả đạt được, với tinh thần đoàn kết, đổi mới, trong nhiệm kỳ mới 2018- 2023, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục đẩy mạnh thực hiện 4 phong trào lớn và 3 nhiệm vụ trọng tâm của Trung ương Hội Nông dân Việt Nam đề ra. Tập trung nâng cao hiệu quả phong trào thi đua Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; tích cực tham gia xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân.

Xây dựng tổ chức hội vững mạnh, đồng hành, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho nông dân; đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất nâng cao đời sống; xây dựng các mô hình phát triển sản xuất, giúp nông dân tổ chức lại sản xuất liên kết chuỗi giá trị từ khâu sản xuất đến khâu bảo quản, chế biến, tiêu thụ theo hướng phát triển các hình thức kinh tế tập thể trong nông nghiệp đang là mục tiêu mà các cấp Hội Nông dân tỉnh hướng đến. Đó cũng là khát vọng của cán bộ, hội viên và nông dân đang đặt niềm tin và kỳ vọng vào nhiệm kỳ mới Đại hội lần thứ VIII Hội Nông dân tỉnh Kon Tum.

Quang Mẫn – Duy Vĩ 

                                                                                        

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *