(kontumtv.vn) –  Năm 2017, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Kon Tum đã triển khai thực hiện thí điểm mô hình trồng rau an toàn theo chuỗi liên kết, nhằm tạo chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của người sản xuất và người tiêu dùng trên địa bàn đối với rau an toàn.

Ông Đỗ Văn Luận là một trong 10 hộ nông dân ở phường Thắng Lợi (thành phố Kon Tum) tham gia mô hình trồng rau an toàn theo chuỗi liên kết do Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh phối hợp với Phòng Kinh tế hạ tầng thành phố Kon Tum triển khai thực hiện đầu năm 2017. Tham gia mô hình, ông đã tuân thủ thực hiện các quy trình sản xuất để sản phẩm đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm khi bán ra thị trường. Ông Luận cho biết: “Chi cục đã chuyển giao kỹ thuật, công nghệ và vấn đề chọn giống, chọn nước và các loại rau, thuốc bảo vệ thực vật và các quy trình sản xuất. Trong đó nói rõ mình sản xuất rau thì mình phải áp dụng theo phương pháp 4 đúng, đúng thuốc, đúng lúc, đúng thời gian và đúng nồng độ, cái thứ 5 là đúng thời gian cách ly để khi mình thu hoạch sản phẩm ra đưa tới tay người tiêu dùng”.

sản xuất rau an toàn
sản xuất rau an toàn

Cùng tham gia Mô hình này, ông Nguyễn Ngọc Huân (tổ 4, phường Thắng Lợi, thành phố Kon Tum) luôn tuân thủ thực hiện các qui định trong sản xuất rau an toàn. Theo ông, thực hiện sản xuất rau an toàn không chỉ vì lợi ích của người tiêu dùng mà chính người sản xuất như ông cũng có lợi rất nhiều. Ông Huân chia sẻ: “Khi tham gia dự án rau an toàn đây trước mắt về hiệu quả kinh tế là có, nếu sản phẩm mình làm ra đều tiêu thụ hết, thì đó là hiệu quả rất là cao. Còn bản thân tôi làm rau an toàn trước mắt tôi thấy lợi ích cho sức khỏe, tại vì mình không sử dụng thuốc hóa học tràn lan độc hại nhiều”.

Năm 2017, Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản tỉnh đã phối hợp với các địa phương triển khai 3 mô hình trồng rau an toàn theo chuỗi liên kết với 3,5 ha. Trong quá trình thực hiện, 12 hộ dân tham gia mô hình được hỗ trợ tập huấn kỹ thuật, giống, phân bón. Ngoài ra, cán bộ kỹ thuật của Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản đã trực tiếp giám sát hộ dân để kịp thời hướng dẫn xử lý những phát sinh trong sản xuất.Chị Vũ Thị Bình Minh, Phó Trưởng Phòng Quản lý chất lượng, Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản tỉnh Kon Tum cho biết: “Tôi thường xuyên đi xuống gặp bà con, ví dụ như có vấn đề sâu bệnh gì đó thì tôi hướng dẫn cho bà con mua thuốc gì, những loại thuốc tôi hướng dẫn nằm trong danh mục thuốc bảo vệ thực vật được phép của Bộ NN&PTNN ban hành hàng năm”.

         Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản triển khai  mô hình trồng rau an toàn theo chuỗi liên kết nhằm định hướng cho bà con nông dân đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ khâu sản xuất đến khi cung cấp ra thị trường. Ông Nguyễn Văn Lương, Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản tỉnh Kon Tum nói: “Triển khai mô hình chuỗi này phải từ khâu sản xuất cho đến khâu tiêu thụ sản phẩm. Trong quá trình này chúng tôi đã tiến hành khâu khảo sát lựa chọn đối tượng tham gia và tiến hành triển khai tổ chức sản xuất và xây dựng cửa hàng tiêu thụ sản phẩm. Chúng tôi đã phổ biến tất cả quy định về sản xuất VietGap cũng như thực hiện chuỗi như thế nào để đảm bảo sản phẩm của mình khi tiêu thụ sản phẩm đảm bảo an toàn”.

           Để đảm bảo đầu ra của sản phẩm rau an toàn, hướng đến thị trường tiêu thụ ổn định, Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản tỉnh đã thực hiện kết nối người nông dân cung ứng cho 3 cửa hàng bán rau an toàn trên địa bàn thành phố Kon Tum; đồng thời hỗ trợ kinh phí để các cửa hàng này mua sắm thiết bị bảo quản thực phẩm. Ông Nguyễn Văn Lương cho biết: “Chúng tôi đã hỗ trợ cho các cửa hàng về lấy mẫu, phân tích mẫu để nhằm kiểm nghiệm và có cơ sở để xác nhận về sản phẩm an toàn, đồng thời chúng tôi đang tiến hành hỗ trợ cho hộ nông dân để quảng bá giới thiệu sản phẩm trên các phương tiện thông tin đại chúng để đưa các sản phẩm trong mô hình triển khai rộng rãi đến người tiêu dùng”.

          Để phát triển các mô hình trồng rau an toàn theo chuỗi liên kết trên địa bàn tỉnh,  Chi cục Quản lý nông lâm thủy sản đang tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm xây dựng thương hiệu rau an toàn của những hộ nông dân tham gia mô hình trồng rau an toàn theo chuỗi liên kết, đồng thời tổ chức các hoạt động hỗ trợ người nông dân tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm rau an toàn.

   Thanh Tùng – Công Luận

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *