(kontumtv.vn) – Không chỉ nổi tiếng trong làng Plei Tơ Nghia (phường Quang Trung, thành phố Kon Tum) về tay nghề nấu rượu ngon, Nghệ nhân Y Yen còn là người gìn giữ, phát huy nghề làm rượu cần truyền thống thông qua việc truyền dạy cho lớp trẻ và đưa rượu cần thành sản phẩm hàng hóa phục vụ người dân có nhu cầu và du khách.

Căn nhà nhỏ của Nghệ nhân Y Yen thường có đông bạn trẻ trong làng Plei Tơ Nghia đến xem và học hỏi nghề làm rượu cần. Bởi lẽ đây là cơ sở chế biến và cung ứng rượu cần ngon, nổi tiếng ở khu dân cư này.

Nghệ nhân Y Yen sinh năm 1948 tại làng Plei Tơ Nghia, thuộc địa bàn phường Quang Trung, thành phố Kon Tum. Từ bé, bà đã được bà và mẹ chỉ bảo cách làm rượu cần ngon, đậm nồng hương và vị truyền thống. Bà được hướng dẫn làm men là lấy từ cây rừng, làm thế nào rượu cần để được lâu và khi uống không bị đau đầu, không mệt mỏi. Nhớ lời dạy của bà và mẹ, kết hợp với sự khéo léo, sáng tạo của bản thân, nghệ nhân Y Yen dần dà trở thành người có tay nghề chế biến rượu ngon nổi tiếng trong cộng đồng người Ba Na ở thành phố Kon Tum. Nghệ nhân Y Yen chia sẻ: “Tôi biết nấu rượu từ năm 18 tuổi, học từ bà già mình, thấy bà già mình nấu, hồi trước nấu bắp, nấu gạo  mình bắt chước từ đó, tới 22 tuổi mình tự làm tự nấu. Lớp thì dệt khăn, lớp thì nấu rượu, giờ mình cũng nhờ cách đó để sống nuôi mấy đứa cháu, mấy đứa con”.

Nghệ nhân Y Yen hướng dẫn kỹ thuật nấu rượu cần
Nghệ nhân Y Yen hướng dẫn kỹ thuật nấu rượu cần

Quá trình làm rượu cần, Nghệ nhân Y Yen rất cẩn thận trong việc lựa chọn nguyên liệu để làm rượu. Lúc còn khỏe, bà tự tay trồng lúa gạo, lúa nếp các loại, trồng mì gòn để có nguyên liệu chế biến rượu. Bà tự mình lên rừng tìm cây hờ dam, tìm củ riềng rừng để làm men rượu. Khi tuổi cao, Nghệ nhân Y Yen dặn con cháu làm theo cách bà hướng dẫn để có được men rượu và nguyên liệu đạt chất lượng để có những cần rượu ngon. Y Yen nói: “Phải lựa chọn cái nào tốt mình nấu rượu nó ngon, nó đặc, để 1 tháng, một tháng rưỡi cùng được, nó không hư. Nếu nếp 1 năm mình nấu rượu uống nó thơm, ngọt, nếu nếp để hai ba năm uống nó khê rồi”.

Mặc dù không để bảng hiệu nhưng mỗi tháng Nghệ nhân Y Yen đều đặn bán cho khách hàng từ mười đến mười lăm cần rượu các loại, gồm rượu nếp thường, nếp thang, rượu gạo và rượu bắp. Y Yen bán được nhiều là nhờ rượu cần bà làm có hương vị khá riêng biệt. Mỗi ghè rượu của bà khi uống hết, đổ nước vào uống tiếp vẫn còn đậm mùi thơm nồng dễ uống.

Trước đây, việc làm rượu cần là bí quyết gia truyền của mỗi gia đình. Mỗi khi làm men rượu, chế biến rượu phụ nữ đồng bào dân tộc thiểu số kiên cử rất nhiều và thường không cho người lạ nhìn thấy. Vượt qua những hủ tục này, Nghệ nhân Y Yen đã nhiệt tình truyền dạy cách làm men, làm rượu cần cho lớp trẻ trong làng. Bà mong muốn lớp trẻ phải tiếp tục gìn giữ và kế thừa những gì bà đã tích lũy hơn 70 năm qua. Chị Y Như, người dân trong làng nói: “ Tôi đến đây thì bà Yen dạy cho tôi cách nấu rượu và tôi đã biết nấu rượu nên tôi qua đây để phụ bà. Tôi thấy bà bán được rất nhiều rượu cho khách nên tôi muốn phụ giúp bà để bà bán được nhiều hơn và để bà lưu giữ truyền thống”.

Là sản phẩm không thể thiếu trong mỗi gia đình, trong các lễ hội, rượu cần là niềm tự hào của đồng bào các dân tộc thiểu số sinh sống lâu đời trên địa bàn tỉnh. Ngày nay, rượu cần đã vượt ra khỏi không gian gia đình, không gian làng để trở thành sản phẩm hàng hóa. Trong hành trình này có sự đóng góp không nhỏ của Nghệ nhân Y Yen ở làng Plei Tơ Nghia, phường Quang Trung, thành phố Kon Tum.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *