(konumtv.vn) – Là báu vật nhân văn sống của đồng bào Tây Nguyên, lớp lớp nghệ nhân đã làm tốt việc gìn giữ, truyền dạy văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ, góp phần giúp đời sống văn hóa của cộng đồng các dân tộc tỉnh Kon Tum thêm đặc sắc, phong phú, đa dạng và độc đáo.

Những ngày cuối tuần, không gian của gia đình nghệ nhân A Gior (làng Kon Hrế, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà) thường đông vui, nhộn nhịp. Bởi lẽ đây là thời điểm nghệ nhân A Gior cùng những người cao tuổi trong làng truyền dạy nghề tạc tượng dân gian cho lớp trẻ. Nghệ nhân A Gior chia sẻ: “Tôi đam mê từ nhỏ tạc tượng tới bây giờ, tôi muốn dạy lại cho mấy người nhỏ đam mê làm để giữ gìn truyền thống”.

Nghệ nhân truyền dạy tạc tượng gỗ dân gian
Nghệ nhân truyền dạy tạc tượng gỗ dân gian

Với sự nhiệt tình của các học viên và sự tài hoa trong chỉ dạy của nghệ nhân A Gior, những thân gỗ vô tri qua bàn tay của họ đã được thổi hồn trở thành những bức tượng gỗ sinh động, thành những chiếc mặt nạ gỗ xua đuổi tà ma của người Xê Đăng Sơ Đrá. Thông qua những buổi truyền dạy, thanh thiếu niên ở làng Kon Hrế biết tạc tượng gỗ ngày một nhiều hơn. Em A Lũi  (làng Kon Hrế, xã Ngọk Réo, huyện Đăk Hà) nói: “Trong làng có ông A Gior tạc tượng rất giỏi, em đấy đây để học tạc tượng vì học tạc tượng để giữ gìn truyền thống”.

Tỉnh Kon Tum có 10 nghệ nhân được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Dân gian; có trên 70 nghệ nhân được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú. Mỗi người mỗi lĩnh vực, mỗi dân tộc khác nhau, nhưng ở họ đều có chung là niềm đam mê, nhiệt huyết và trách nhiệm trong việc gìn giữ, truyền dạy và phát huy văn hóa truyền thống. Tiêu biểu trong lĩnh vực sưu tầm, biểu diễn cồng chiêng và diễn xướng dân ca Xê Đăng nhánh H’Lăng có nghệ nhân ưu tú A Won ở làng Rờ Kơi, xã Rờ Kơi, huyện Sa Thầy. Ông đã truyền ngọn lửa đam mê văn hóa truyền thống cho lớp trẻ, dạy họ đánh cồng chiêng, múa xoang, biết hát những làn điệu dân ca truyền thống. Nghệ nhân ưu tú A Won nói: “Cháu nào chưa biết thì mình dạy cho nó biết, chưa rõ thì mình dạy cho nó hiểu cái nhạc, không biết cái nhạc đó thì đánh không được đâu. Âm thanh cho nó đều, cho nó hợp với cái bộ cồng chiêng này, bộ con la kêu hết nó mới thành bộ cồng chiêng”.

Điển hình trong lĩnh vực sưu tầm, chế tác nhạc cụ dân gian của dân tộc Ba Na nhánh Rơ Ngao có nghệ nhân ưu tú A Thăk. Ông hiện đang sống tại làng Pa Cheng, xã Đăk Long, huyện Đăk Hà. Với lòng đam mê, sự khéo léo cùng sự cảm âm tuyệt vời, ông đã chế tác và sử dụng thành thạo các loại nhạc cụ như Tơ rưng, Goong, Tinh ning, Brông ót. Ông còn thuộc và biểu diễn thành thục hàng chục bài chiêng, hàng trăm bài dân ca cổ. Nỗ lực của ông đã giúp quảng bá được nét văn hóa của người Ba Na Rơ Ngao và thu hút giới trẻ đến với nhạc cụ dân tộc. Nghệ nhân Ưu tú A Thăk chia sẻ: “Hồi nhỏ tôi rất mê nhạc cụ dân tộc Tơ rưng, Ting ning, cồng chiêng rồi cả dân ca. Khi nào đi theo bố, bố hát làm sao tôi cứ tò mò đi theo để hát theo. Bố cũng biết làm đàn Tơ rưng, mình cứ ngồi cứ xem, sao nó cứ mê trong cái bụng. Cái nhạc cụ này tôi rất mê, bữa nay cũng thế, đi đâu nghe cồng chiêng ngoài kia mình cũng không ngủ được”.

Với tình yêu dành cho văn hóa truyền thống, với sự tài hoa, khéo léo trong chế tác, diễn xướng, trình diễn, truyền dạy văn hóa dân gian, các nghệ nhân của tỉnh đã và đang phát huy tốt vai trò hạt nhân của mình trong bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống.

Văn Hiển – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *