(kontumtv.vn) – Vượt qua những khó khăn ban đầu của một huyện mới thành lập, trong năm 2016, bức tranh kinh tế – xã hội của huyện Ia H’Drai (Kon Tum) đã có nhiều khởi sắc. Kết cấu hạ tầng được đầu tư đồng bộ tạo nên diện mạo mới của huyện, đời sống đồng bào các dân tộc không ngừng được cải thiện và nâng cao.

Đã 4 năm đón Tết ở huyện mới Ia H’Drai, nhưng cái Tết năm 2017 đối với gia đình anh A Vuông (thôn 6, xã Ia Đal, huyện Ia H’Drai) ấm áp hơn, hạnh phúc hơn, bởi vì đây là năm đầu tiên gia đình anh được đón Tết trong ngôi nhà mới khang trang do Chi nhánh 716, Binh đoàn 15 và Quỹ Vì người nghèo của huyện hỗ trợ xây dựng, với tổng giá trị 120 triệu đồng. Có nhà ở ổn định đã tạo động lực để gia đình anh nỗ lực xây dựng cuộc sống gia đình ngày càng ấm no. A Vuông phấn khởi: “Nhân dịp năm mới 2017 vợ chồng tôi được đón Tết tại nhà mới, hai vợ chồng sẽ cố gắng bám trụ với mảnh đất quê hương thứ hai của mình”.

Những ngày giáp Tết Nguyên đán Đinh Dậu, đến thăm các hộ dân sinh sống trên dòng sông Sê San, nơi được xem là “làng chài” ở thôn 7, xã Ia Tơi, huyện Ia H’Drai. Mênh mông trên sông nước là 24 căn nhà nổi, nơi sinh sống của 24 hộ với hơn 80 nhân khẩu làm nghề nuôi trồng và đánh bắt thủy sản. Họ đến từ các vùng miền khác nhau như Cà Mau, An Giang, Long An, Thừa Thiên – Huế… Mỗi người một quê, nhưng cùng chung  kế mưu sinh xứ người. Những hộ dân nơi đây sống chủ yếu nhờ vào nghề đánh bắt cá. Dòng Sê San mênh mông với nhiều loại cá như cá lăng, cá anh vũ, cá mè dinh, cá rô phi… nuôi sống những người con xa xứ lập nghiệp tại nơi đây. Hơn 5 năm gắn bó với dòng Sê San, Tết năm nay đối với 24 hộ dân làng chài hết sức ý nghĩa, vì được sự quan tâm của chính quyền địa phương cấp cho người dân làng chài giấy đăng ký tạm trú tạm vắng dài hạn và thời gian tới sẽ rà soát cấp sổ hộ khẩu. Ông Đặng Văn Thân, cư dân nơi đây nói: “Năm nay  mình sống được ổn định, chính quyền sắp xếp chỗ định cư như thế này anh em cũng mừng lắm rồi. Tôi muốn Tết năm nay thì anh em ở đây cũng được sum họp bên nhau, đoàn tụ cho nó vui vẻ”.

“Đối với 24 hộ của làng chài, xã cũng giới thiệu một điểm cho huyện quy hoạch khu dân cư. Trong năm vừa qua xã cũng tạo điều kiện nhiều chương trình tập huấn nuôi trồng thủy sản, đăng ký tạm trú, người dân rất phấn khởi về sự quan tâm của tỉnh, huyện cũng như của xã”. Ông Nguyễn Phú An, Phó Chủ tịch UBND xã Ia Tơi cho biết.

Năm 2016, Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray đã đưa vào khai thác 800 ha trên tổng số hơn 5.200 ha cao su. Mặc dù điều kiện giá mủ cao su chưa phục hồi, còn khó khăn cho công ty, nhưng đơn vị luôn thực hiện chi trả tiền lương kịp thời cho hơn 500 công nhân, với mức bình quân cho công nhân chăm sóc khoảng hơn 2 triệu đồng/tháng và công nhân khai thác hơn 4 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, công ty còn thực hiện tốt công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo về nhà ở; tạo điều kiện cho công nhân được vay vốn và tận dụng các bờ lô, hợp thủy phát triển các loại cây trồng, chăn nuôi bò. Nhờ đó, công nhân có thêm nguồn thu nhập giúp cuộc sống ổn định và an tâm gắn bó với công ty. Anh Nguyễn Đình Thanh  (thôn 7, xã Ia Tơi) nói: “ Gắn bó với công ty từ năm 2012 đến giờ, công ty cũng quan tâm đặc biệt là về đất đai, các chế độ, bảo hộ lao động, độc hại hàng tháng, đời sống công nhân thì công ty cũng chăm lo hết mình. 2016 vợ chồng tôi so với năm ngoài thì cũng hơn thật, lương thu nhập cũng đỡ hơn năm ngoái. Tết nhất thì nhà tôi cũng xác định năm nay ăn tết phải hơn năm ngoái rồi”

“Trong năm 2016, công ty chú trọng giao khoán vườn cây hợp lý để ổn định thu nhập cuộc sống cho công nhân lao động, trong năm việc trả lương cho công nhân rất kịp thời, đầy đủ, hiện tại bây giờ không có tình trạng nợ lương của công nhân. Bên cạnh đó các chế độ như bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, chế độ bảo hộ lao động, tiền ăn giữa ca được công ty trả đầy đủ theo đúng quy định của Nhà nước. Thành công lớn nhất của công ty trong năm 2016 là hoàn thành kế hoạch của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam giao cho”. Ông Huỳnh Ngọc Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Cao su Chư Mom Ray cho biết.

Huyện Ia H’Drai được chia tách, thành lập theo Nghị quyết số 890, ngày 11/3/2015 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội (khóa XIII). Trong điều kiện còn rất nhiều khó khăn của một huyện mới thành lập, thời gian qua song song với việc đầu tư kết cấu hạ tầng, huyện đã xây dựng kế hoạch phát triển cây trồng, vật nuôi giai đoạn 2016 – 2021 để góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống nhân dân. Huyện tập trung đẩy mạnh triển khai các mô hình khuyến nông, ứng dụng tiến bộ khoa học – kỹ thuật, nhất là đưa các giống cây trồng mới như hồ tiêu, cà phê… vào sản xuất để từng bước phá thế độc canh cây cao su trên địa bàn, tăng thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn huyện có hơn 1.900 ha gieo trồng cây hàng năm, hơn 25.000 ha cây lâu năm; đã xây dựng được các mô hình trồng hồ tiêu, cà phê và các loại cây ăn quả, bước đầu mang lại tín hiệu khả quan.

Chính từ sự quan tâm của chính quyền địa phương, các công ty, đã giúp người dân trên địa bàn huyện có nguồn thu nhập ổn định hơn trong năm 2016, an tâm gắn bó với vùng đất mới, góp phần xây dựng huyện Ia H’Drai ổn định và phát triển. Ông Pờ Ly Hảo, Phó Chủ tịch UBND huyện Ia H’Drai cho biết: “Mặc dù trong thời gian gần đây, giá cả của mủ cao su và các mặt hàng nông sản xuống thấp, cuộc sống của nhân dân gặp nhiều khó khăn, nhưng được sự hỗ trợ từ các chính sách của Trung ương, của tỉnh, người dân phấn khởi, tin tưởng vào đường lối lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương. Đồng thời, thông qua các chương trình, chính sách này, người dân đã bám trụ để cùng với địa phương góp phần phát triển vùng đất này”.

Trước những đổi thay trong cuộc sống của người dân nơi đây, tin tưởng rằng với sự đoàn kết, đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và đồng bào các dân tộc địa phương, huyện Ia H’Drai sẽ có những bước phát triển vượt bậc trong năm 2017.

Ngọc Chí

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *