(kontumtv.vn) – Phát huy tiềm năng và lợi thế vùng, nhiều địa phương tỉnh Kon Tum chú trọng đầu tư, phát triển các sản phẩm chế biến từ cây dược liệu. Sự hình thành các hợp tác xã giúp việc kết nối giữa doanh nghiệp và hộ dân thuận lợi hơn. Từ đó, khâu tổ chức sản xuất thêm phần hiệu quả. Vấn đề còn lại của các đơn vị là phải tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, trong đó, xúc tiến thương mại và quảng bá hình ảnh là một trong những yếu tố then chốt giúp sản phẩm nhanh chóng đến được với người tiêu dùng.

Thành lập tháng 9/2019, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen có 5 thành viên. Đứng chân trên địa bàn huyện Kon Plông, nơi được biết đến là vùng sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của tỉnh Kon Tum, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen quyết tâm phát triển theo hướng sản xuất, chế biến các sản phẩm từ cây dược liệu. Hiện nay, đơn vị đã đưa ra thị trường 4 dòng sản phẩm gồm tinh dầu tiêu rừng, cao hồng đảng sâm, rượu hồng đẳng sâm và trà túi lọc hồng đảng sâm; trong đó, có 3 sản phẩm vừa được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2020. Anh Nguyễn Viết Tiến, Giám đốc Hợp tác xã cho biết: “Bên này sử dụng thiết bị máy móc hiện đại rồi tất cả các giấy tờ về an toàn vệ sinh thực phẩm cũng đã có. Sắp tới muốn làm một phòng tiêu chuẩn GMP để mình đưa ra dây chuyền nước ngọt là đóng GMP thì ra thị trường mới đảm bảo cho người tiêu dùng”.

Giới thiệu các sản phẩm mới của HTX
Giới thiệu các sản phẩm mới của HTX

Chế biến, sản xuất các sản phẩm từ cây dược liệu, Hợp tác xã Nông nghiệp và Dịch vụ thương mại Trường Tiến Măng Đen đầu tư trên 3 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị, máy móc như lò sấy nhiệt, máy chiết xuất tinh dầu, máy chiết xuất cao sâm và rượu sâm, máy xay trà, máy đóng gói sản phẩm… Đáng chú ý, đơn vị liên kết với gần 90 hộ dân của xã Măng Cành, huyện Kon Plông để thực hiện trồng, chăm sóc 30 ha sâm dây và đương quy. Bản thân hợp tác xã cũng tiến hành trồng 10 ha sâm dây và các cây dược liệu khác để tạo nguồn nguyên liệu đầu vào phục vụ cho hoạt động sản xuất. Dẫu vậy, hợp tác xã vẫn đang gặp khó khăn về nguyên liệu do nguồn cung chưa đảm bảo. Anh Nguyễn Viết Tiến cho biết thêm: “Làm liên kết với người dân thứ nhất giúp cho bà con nông dân thoát nghèo, chuyển đổi cây trồng đúng mục đích tại vì trên vùng đất Măng Đen này ưu tiên cái khí hậu, thổ nhưỡng có thể chuyển từ cây mỳ qua cây sâm hoặc những cây công nghiệp có giá trị cao như cây cà phê, cây quế. Mình làm liên kết theo chuỗi giá trị để sau này truy xuất nguồn gốc rõ ràng để người tiêu dùng tin tưởng sản phẩm mình nhiều hơn. Thách thức, khó khăn nhất của mình là về cái đầu vào không ổn định của vùng nguyên liệu mình. Nếu mình ký hợp đồng lớn thì cái nguồn sâm không đủ đáp ứng”.

Một thách thức nữa của hợp tác xã đó là bài toán quảng bá hình ảnh, tăng lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm chế biến từ dược liệu.  Anh Nguyễn Viết Tiến nói: “Sâm dây của núi Ngọc Linh đem test với mẫu sâm của Hàn Quốc thì hàm lượng saponin của nó cao hơn. Nhưng người Việt hiện tin hàng ngoại, chưa tin hàng Việt Nam nên tôi muốn nâng cấp dòng sâm Việt Nam đưa ra thị trường. Tuy rằng sản phẩm của mình tốt nhưng người tiêu dùng chưa biết đến nhiều tại vì chạy quảng cáo giờ cao điểm thì người dân xem được nhiều hơn nhưng tiền quảng cáo đó thì chi phí quá cao”.

Tháo gỡ khó khăn trong việc tăng lợi thế cạnh tranh cho các sản phẩm dược liệu, hiện nay, cùng với đẩy mạnh triển khai Đề án Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, UBND tỉnh, các cấp ngành, địa phương tập trung thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Đơn cử như Liên minh Hợp tác xã tỉnh luôn chú trọng ưu tiên các gói hỗ trợ từ nhiều nguồn khác nhau để hỗ trợ hợp tác xã phát triển. Ông Nguyễn Lâm Cảnh, Chủ tịch Liên minh HTX tỉnh Kon Tum nói: “Liên minh Hợp tác xã cũng đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn lựa chọn một số HTX nông nghiệp có đủ điều kiện để đề xuất, UBND tỉnh hỗ trợ xây dựng kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thuận lợi cho các HTX sản xuất, chế biến dược liệu hoạt động được thuận lợi hơn. Liên minh HTX tỉnh ưu tiên bố trí nguồn vốn từ Qũy Hỗ trợ phát triển HTX cho các HTX sản xuất, chế biến dược liệu. Liên minh cũng phối hợp với các cơ quan liên quan hỗ trợ HTX xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường tiêu thụ để giúp tiêu thụ các sản phẩm từ dược liệu được thuận lợi hơn”.

Gia tăng lợi thế cạnh tranh cho sản phẩm, kinh nghiệm của một số hợp tác xã cho thấy, việc tập trung nâng cao chất lượng, chủ động tìm kiếm thị trường và có phương thức giới thiệu sản phẩm phù hợp cũng là những yếu tố quan trọng giúp người tiêu dùng biết đến sản phẩm nhiều hơn.

Thu Trang – Đức Thắng

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *