(kontumtv.vn) – Tuy đã có nhiều chuyển biến so với trước, nhưng hiện nay, tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trên địa bàn tỉnh Kon Tum vẫn còn xảy ra, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa như Ngọc Tem và Đăk Nên (Kon Plông). Tình trạng này xảy ra còn nhiều, gây ra nhiều hệ lụy, nhất là suy giảm về sức khỏe, chất lượng nòi giống trong tương lai.  

Lấy chồng khi mới vừa học xong lớp 9, qua 1 lần sẩy thai, 1 lần sinh con và nuôi con nhỏ, giờ đây em Y Bảy (thôn Đăk Lúp, xã Đăk Nên, huyện Kon Plông) đã thấu hiểu những nỗi vất vả khi phải lấy chồng ở độ tuổi còn quá sớm: “Em lập gia đình lúc 15 tuổi. Lúc đó gia đình khó khăn, không có điều kiện đi học xa. Ở nhà không có việc gì làm nên lấy chồng, có con”.

“Chúng nó ưng nhau mà mình không cho lấy, nếu gặp khó khăn này kia, trục trặc này kia là chúng nó làm chuyện bậy ai chịu trách nhiệm, cho nên phải cho thôi, chứ không phải bố mẹ, cán bộ, già làng cho lấy”. Ông A Tuân, cha của Y Bảy nói.

Cán bộ dân số tuyên truyền chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống
Cán bộ Dân số tuyên truyền chống tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống

Ngôi nhà nhỏ vừa mới làm xong của cặp vợ chồng trẻ A Tải và Y Lát (thôn Điek Tem, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông). Căn nhà trống hoác, chưa có 1 vật dụng gì đáng giá. Tuy giờ đây, hai vợ chồng đã có con 2 tuổi, nhưng vẫn chưa dám làm giấy đăng ký kết hôn, vì vợ vẫn chưa đủ tuổi. Theo A Tải, sở dĩ hai vợ chồng phải lấy nhau sớm, khi vợ 15 tuổi, chồng chưa tròn 18 tuổi, là do cuộc sống quá khó khăn. Mẹ A Tải mất sớm, cha lấy vợ khác, suốt ngày rượu chè say xỉn.  A Tải chia sẻ: “Điều kiện do mình không có chỗ nương tựa. Ở với cha thì uống rượu say lè nhè, mình ở chung không được, vậy cho nên mới kết hôn sớm”.

Bên cạnh các trường hợp tảo hôn, tình trạng hôn nhân cận huyết thống, tuy ít hơn nhưng vẫn còn xảy ra ở những xã vùng sâu. Một phần do nhận thức còn hạn chế, một phần do những người trong họ hàng thường gần gũi nhau, nên dễ phát sinh tình cảm, để xảy ra những việc đã rồi. Tuy lấy nhau và sinh con đã được 5 năm nay, nhưng hai vợ chồng A Thua và Y Hai (thôn Điek Tem, xã Ngọc Tem, huyện Kon Plông) vẫn còn e ngại khi nói chuyện vợ chồng. Vì theo quan hệ trong họ hàng, 2 vợ chồng có mối quan hệ con cô con cậu. A Thua cho biết: “  Thời gian đi bộ đội về thấy thích, rồi yêu nhau, với lại bên vợ gia đình khó khăn. Đợt em ở trong quân đội thì mẹ vợ chết. Về thấy hoàn cảnh như thế nên lấy nhau”.

Theo thống kê mới nhất, trong 2 năm gần đây, tại 2 xã Ngọc Tem và Đăk Nên, huyện Kon Plông đã có 33 cặp vợ chồng tảo hôn và 1 cặp vợ chồng hôn nhân cận huyết thống. Trong đó, xã Ngọc Tem có 13 cặp tảo hôn, xã Đăk Nên 20 cặp tảo hôn và 1 cặp hôn nhân cận huyết thống. Phần lớn các cặp vợ chồng tảo hôn tại 2 xã đời sống còn nhiều khó khăn, sống phụ thuộc vào gia đình bố mẹ và đều thuộc hộ nghèo, sức khỏe con cái không đảm bảo. Chị Đinh Thị Bảy, cán bộ Dân số xã Đăk Nên cho biết: “Đa số người kết hôn mà tảo hôn, thường   đẻ ra là con bị suy dinh dưỡng. Vì người ta chưa có kinh nghiệm nuôi dạy con, nên nó chậm phát triển hơn so với những đứa trẻ khác. Thứ hai hôn nhân cận huyết thống thì việc sẩy thai có, rồi thai bị dị tật bẩm sinh cũng có, nhiều trường hợp”.

Nguyên nhân tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống thì nhiều, nhưng chủ yếu là do đời sống của người dân còn khó khăn và nhận thức còn hạn chế. Xác định thực trạng, nguyên nhân, xây dựng mô hình điểm giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số tại 2 xã Ngọc Tem và Đăk Nên của huyện Kon Plông đang được UBND tỉnh, Ban Dân tộc tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện. Trên cơ sở đó để rút kinh nghiệm nhân ra diện rộng, nhằm thực hiện tốt mục tiêu Đề án giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2015- 2025 của Thủ tướng Chính phủ đề ra.

Quang Mẫn – Duy Phong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *